Vào mùa mưa bão, ôtô dễ gặp phải những trục trặc, đặc biệt ở phần vỏ và gầm xe. Bên cạnh đó, mưa lớn khiến đường trơn trượt và tầm nhìn hạn chế, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy, người dùng cần lưu ý một số điểm để bảo đảm an toàn cho bản thân, cũng như hạn chế hỏng hóc xảy ra với xe.
Các bộ phận ôtô cần được kiểm tra và bảo dưỡng
Trời mưa kéo dài khiến đường sá thường xuyên trong tình trạng trơn trượt, làm xe dễ mất lái hơn. Do đó, người dùng cần kiểm tra và thay thế lốp xe kịp thời, vì đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Nếu bề mặt lốp mòn, có những dấu hiệu nứt hoặc xe đã đi được 40.000-50.000 km thì nên thay mới để đảm bảo an toàn.
Lốp xe cần được kiểm tra và thay thế kịp thời trong mùa mưa. Ảnh: Bối Hạ. |
Với mức độ ô nhiêm môi trường hiện nay, nước mưa thường chứa hàm lượng axit cao, có thể ăn mòn sơn xe, làm oxi hóa các chi tiết ốp, mạ kim loại quanh thân xe như ốp tay nắm cửa, nẹp thân hay ốp gương chiếu hậu. Vì vậy, người dùng nên rửa xe thường xuyên, dù sau khi đi mưa, bụi bẩn, bùn đất bám trên xe có thể đã được nước mưa cuốn trôi sạch.
Tương tự vỏ và lốp, gầm xe cũng là bộ phận trực tiếp bị bùn đất và nước mưa bám vào. Do chủ yếu chứa các chi tiết làm bằng kim loại, gầm xe dễ bị oxi hóa và ăn mòn trong mùa mưa, nhất là khi hay phải đi qua các tuyến đường ngập lụt.
Người dùng có thể lựa chọn các biện pháp bảo vệ gầm xe như phủ gầm chống gỉ. Song song đó, sau khi đi mưa, nên xịt rửa khung gầm và kiểm tra phanh, hệ thống treo, hệ thống lái để kịp thời phát hiện những hư hỏng.
Khi trời mưa, cần gạt nước đóng vai trò thiết yếu bởi đây là chi tiết ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái. Được phủ một lớp cao su, vì vậy lưỡi gạt nước dễ bị cứng và giảm hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, các khớp nối cần gạt có thể bị gỉ sét khi thường xuyên tiếp xúc với nước mưa.
Di chuyển qua vùng ngập nước có thể khiến gầm xe gặp hỏng hóc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nội thất xe cũng cần được vệ sinh thường xuyên trong mùa mưa. Trời mưa, độ ẩm không khí cao, kết hợp với việc bật điều hòa khiến xe dễ gặp phải tình trạng ẩm mốc, là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách. Do đó, người dùng nên chú ý vệ sinh các chi tiết như thảm lót sàn hay ghế ngồi và giữ cho cabin xe khô ráo, thông thoáng.
Bên cạnh đó, dây đai và dầu động cơ cũng cần được để tâm bởi vào mùa mưa, dây đai động cơ có thể bị bùn đất bám vào, tạo ra tiếng rít khó chịu khi xe chạy hoặc gây tình trạng trượt đai. Trong khi đó, dầu động cơ nhiễm nước dẫn đến những trục trặc về động cơ của ôtô. Thông thường, dầu động cơ lẫn nước sẽ có màu nâu đục như cà phê sữa.
Những điều cần lưu ý khi lái xe
Trong điều kiện mưa bão, đường trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, người lái nên giữ tốc độ vừa phải, ổn định, đồng thời duy trì khoảng cách an toàn lớn hơn bình thường với các xe phía trước. Đi chậm không chỉ giúp tài xế có thêm thời gian xử lý tình huống, mà còn tránh gây bắn nước lên các phương tiện di chuyển xung quanh.
Khi đi qua khu vực ngập, người lái nên quan sát xe phía trước để xác định độ nông/sâu của mức nước và xem xe có đủ khả năng vượt qua hay không. Nếu cho xe "lội" nước, nên chuyển về số thấp và giữ vòng tua máy cao, tốc độ ổn định để tránh nước lọt vào ống xả gây chết máy.
Không nên tìm cách khởi động lại nếu xe bị chết máy khi đi qua vùng ngập nước. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Trong trường hợp xe chết máy giữa đường ngập, không nên cố tìm cách khởi động lại ngay lập tức vì có thể khiến xe gặp phải tình trạng thủy kích, dẫn tới cong tay biên hoặc tệ hơn là vỡ lốc máy. Người dùng nên gọi cứu hộ để có phương án xử lý phù hợp, tránh hỏng hóc nặng cho xe.
Mưa to, gió lớn làm ảnh hưởng đến tầm nhìn. Vì vậy, tài xế nên sử dụng các hệ thống chiếu sáng của xe như đèn trước hay đèn sương mù một cách phù hợp để những người tham gia giao thông dễ nhận biết hơn. Ngoài ra, không nên cố gắng tiếp tục di chuyển nếu mưa quá to, không còn bảo đảm được khả năng quan sát và an toàn. Tuy nhiên, cần tránh dừng, đỗ xe dưới gốc cây, cột điện vì chúng có thể bị gãy đổ, gây ra tai nạn.