Lời thề Hippocrates là lời tuyên thệ của các thầy thuốc khi bước vào nghề, nó được coi là chuẩn mực của y đức để nhắc nhở các thầy thuốc nhớ lại những gì người xưa đã dạy. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về Hippocrates và lời thề bất hủ của ông.
20 năm tù giam vì quan điểm y học là ngành khoa học
Hippocrates sinh vào khoảng 460-370 Trước Công nguyên tại đảo Cos, Hy Lạp. Ông được học nghề y từ cha là Heracleides và trở thành một y sĩ Hy Lạp. Ở thời đại này, y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được chữa trị bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí.
Tuy nhiên, Hippocrates bác bỏ những quan niệm này và là người đầu tiên coi y học là ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có nguyên nhân tự nhiên riêng. Và tất nhiên, ông bị chống đối kịch liệt và phải ngồi tù 20 năm do chống lại lối mòn xưa cũ gắn liền với cường quyền.
Mặc dù vậy, với bộ óc đi trước thời đại, thời gian trong tù, Hippocrates đã viết quyển "Cơ thể phức tạp" về cơ thể con người mà rất nhiều điều trong đó vẫn đúng cho đến ngày nay.
Những luận điểm y học của Hippocrates vẫn được sử dụng trong y học ngày nay. Ảnh: Britannica. |
"Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi"
Nền y học của Hippocrates bị ảnh hưởng bởi lý thuyết Pythagore cho rằng thiên nhiên được tạo nên từ 4 nguyên tố: nước, đất, gió và lửa. Theo đó, cơ thể cũng sẽ bao gồm 4 khí chất: mật vàng, mật đen, đờm và máu, cùng có đặc tính khô, nóng, ướt và lạnh.
Ông đã nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Từ đó, ông kết luận bệnh tật là do mất cân bằng tỷ lệ dịch trong cơ thể gây ra. Khi điều này xảy ra, thầy thuốc có thể can thiệp giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng.
Khoảng năm 400 TCN, ông thành lập trường y ở Cos. Ông và các môn đồ của mình đã đưa ra phương pháp khoa học để khám và điều trị cho người bệnh. Người thầy thuốc phải trực tiếp khám cho người bệnh và tìm ra bệnh qua các triệu chứng biểu hiện, phải bốc thuốc kê đơn sau đó theo dõi để xem việc điều trị có kết quả hay không.
Hippocrates khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. Một nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là: “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”.
Ngày nay người ta vẫn còn sử dụng những dấu hiệu, những dụng cụ mang tên Hippocrates vì ông được cho là người đầu tiên tìm ra như “bộ mặt hippocrates” (bộ mặt của người chết, người ốm lâu ngày, người bị đói...), “ngón tay hippocrates” (ngón tay hình dùi trống ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh phổi ...), “ghế hippocrates” (ghế dùng lực nén để cố định xương)....
Chân dung Hippocrates được vẽ lại luôn có hình ảnh cái trán nhăn lại, thể hiện sự trăn trở, luôn suy nghĩ về y khoa, sức khỏe con người của ông. Ảnh: Verywell. |
Hippocrates có phải là tác giả của Lời thề Hippocrates?
Cuộc đời thật của Hippocrates ít được biết đến nhưng những thành tựu y học của ông đã được hai nhà triết học Plato và Aristotle thu thập lại. Những tác phẩm được coi là của ông gồm khoảng 60, 70 khái luận về nhiều lĩnh vực y khoa gồm chẩn đoán, dịch tễ học, sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng và phẫu thuật tập hợp thành Tuyển tập Hippocrates. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của ông là Lời thề Hippocrates mà cho đến ngày nay người ta vẫn thường nhắc đến.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nhau tranh luận về việc ai là tác giả của lời thề này. Quan niệm truyền thống cho rằng Lời thề Hippocrates do chính ông soạn thảo để hướng dẫn y sinh của mình trên con đường hành nghề thầy thuốc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lời thề này do những môn đồ của Pythagoras soạn ra. Tuy nhiên, trong cộng đồng y khoa, lời thề này mặc nhiên được chấp nhận là của Hippocrates và vẫn được các bác sĩ trang trọng xưng tụng trước khi bắt đầu hành nghề y. Thời điểm xuất hiện của lời thề này vào khoảng thế kỷ IV TCN. Một điều chắc chắn là nó đã được sửa chữa nhiều để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Hy Lạp qua từng giai đoạn khác nhau.
Lời thề Hippocrates:
“Tôi tuyên thệ với Apollo, thần chữa bệnh, Asclepius, Hygieia và Panacea, và tôi minh chứng với tất cả các nam thần, các nữ thần, tôi gìn giữ, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, lời thề sau đây:
Yêu kính, như là cha mẹ tôi, người đã dạy tôi môn học này; sống hòa nhã với thầy và nếu cần, chia sẻ tài sản với thầy; chăm sóc con cái thầy như là anh chị em tôi và dạy họ môn học này.
Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai.
Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ không tư vấn một kế hoạch như vậy; và cũng như thế tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai.
Nhưng tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi.
Tôi sẽ không giải phẫu để lấy sạn, kể cả đối với bệnh nhân biểu lộ là mang bệnh này; tôi sẽ dành việc giải phẫu cho những y sĩ, chuyên gia về bệnh này.
Mỗi căn nhà tôi bước vào, tôi bước vào vì lợi ích của bệnh nhân của tôi, giữ gìn tôi khỏi mọi ý đồ xấu xa và mọi cám dỗ và đặc biệt là khỏi các khoái lạc tình yêu với phụ nữ hay với nam giới, dù họ là người tự do hay nô lệ.
Tất cả mọi điều tôi biết trong khi hành nghề hay trong giao tiếp với mọi người, mà không nên để lộ ra ngoài, tôi sẽ giữ bí mật và sẽ không bao giờ tiết lộ.
Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi; nhưng nếu tôi đi trái đường và vi phạm lời thề, những điều ngược lại sẽ đến với tôi”.