H&M là một trong những thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ sở hữu hơn 1.000 cửa hàng trên thế giới. Chính vì chiến lược "giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều vẫn có lãi" đã nhanh chóng trở thành tiền đề thúc đẩy sự thành công của thương hiệu Thụy Điển, cũng như mang đến cuộc cách mạng về thời đại công nghiệp Fast Fashion trong xã hội hiện nay.
Vậy các tín đồ thời trang mong chờ điều gì từ thương hiệu bình dân H&M?
Đôi điều về 'ông trùm' H&M
H&M trở thành một trong những thương hiệu thời trang dẫn đầu trong nền công nghiệp Fast Fashion. |
H&M do ông Erling Persson người Thụy Điển, thành lập năm 1947 ở Vaesteras. Đây là thương hiệu chuyên kinh doanh các sản phẩm thời trang dành cho mọi đối tượng từ đàn ông, phụ nữ, thanh niên đến trẻ em. Ông bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên là Hennes chuyên kinh doanh đồ cho phái nữ. Đến năm 1968, Persson thu mua lại công ty Mauritz Widforss và ra mắt thêm những bộ sưu tập thời trang dành cho nam giới, sau đó đổi tên chính thức thành "Hennes & Mauritz" tiền thân của H&M ngày nay.
Trong một lần công tác tại Mỹ, ông lập tức bị chú ý bởi một cửa hàng quần áo rất đông người xếp hàng chỉ vì giá thành rẻ. Từ đó, Persson rút ra cho bản thân một triết lý trong kinh doanh, cũng như trở thành hướng đi của H&M sau này: "Giá rẻ nhưng kinh doanh số lượng nhiều vẫn có lãi". Đúng như vậy, thành công đến với ông rất nhanh và giúp thương hiệu trở thành những "nhân vật" góp phần thay đổi nhìn nhận về nền công nghiệp Fast Fashion.
Nhãn hàng cũng từng hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng như Karl Lagerfeld, Stella McCartney, Alexander Wang... cho đến các ngôi sao hàng đầu như Madonna, Beyonce và hãng thời trang cao cấp Versace.
Sau gần 70 năm thành lập, H&M đã có mặt tại 58 quốc gia với 94.000 nhân viên, 800 nhà máy, 3.500 cửa hàng và là công ty thời trang lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Inditex Tây Ban Nha (công ty mẹ của Zara). Erling Persson còn sở hữu nhiều thương hiệu khác như COS, Monki, Weekday, Cheap Monday và Other Stories.
H&M mang đến giới mộ điệu những gì?
Xu hướng thời trang cũng là tiền đề giúp H&M dễ dàng phát triển trong thời đại ngày nay. |
Xét về khía cạnh chạy theo xu hướng thì ai cũng công nhận H&M là một trong những thương hiệu nhanh nhạy trong việc cập nhật các trào lưu thời trang độc đáo trên sàn runway. Họ biến tấu mọi thứ trở nên gần gũi hơn với một tinh thần mới. Bạn muốn được nhìn nhận là người ăn mặc có gout, thì việc trước tiên chính là sở hữu những trang phục sành điệu và H&M đáp ứng được điều này.
Giá thành rẻ cùng trang phục hợp mốt chính là một trong những yếu tố khiến H&M luôn nhận được sự yêu mến từ các tín đồ thời trang. |
Tiếp theo về giá thành thì không cần bàn cãi khi H&M sở hữu mức giá rẻ hơn so với các thương hiệu cùng phân khúc bình dân, đặc biệt là Zara.
Bước vào cửa hàng H&M, các tín đồ sẽ bất ngờ khi nhìn vào giá tiền của những trang phục và phụ kiện như mẫu sơ mi, áo thun, áo len chỉ từ 18 USD hay các loại áo khoác dao động trong khoảng 50-70 USD, hay sản phẩm denim với mức giá trung bình 15-20 USD.
Không chỉ trang phục mà phụ kiện cũng là mặt hàng kinh doanh chính khi nhãn hàng còn hợp tác cùng các tên tuổi lớn trong làng giải trí thế giới để tung ra nhiều chiến dịch thời trang nhằm khẳng định vị thế cũng như tạo được sự tin tưởng từ các khách hàng.
Nếu như ngày trước họ nghĩ rằng khi ra đường chỉ cần diện áo thun và quần jeans thì hình ảnh đã đủ lịch sự, thì vài năm gần đây các thương hiệu này đã dần thay đổi tư tưởng của mọi người khi tung ra những sản phẩm sành điệu nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Khi thời trang bắt đầu thời kỳ phát triển mạnh mẽ thì việc nắm vững kiến thức, diện trang phục thể hiện cá tính riêng cũng chính là cách giúp mọi người nhìn nhận khác về bản thân bạn, cũng như chứng minh rằng: "Tôi là người hiện đại và tôi biết mình cần gì và mong muốn gì trong cuộc sống ngày nay".
Tuy nhiên...
Tầm ảnh hưởng của H&M cũng như các thương hiệu bình dân khác đến với giới trẻ như thế nào? |
Mọi thứ đều có hai thái cực tốt-xấu và việc H&M xuất hiện tại thị trường Việt Nam cũng vậy. Nếu thương hiệu mang đến cho mọi người những nhìn nhận mới về nền công nghiệp thời trang từ giá thành, kiểu dáng trang phục cho đến sự xu thời thì chắc chắn khuyết điểm cũng là điều không tránh khỏi.
Ông bà ta ngày xưa thường có câu "Tiền nào của đó" để diễn tả việc bạn mua hàng với mức giá rẻ thì bắt buộc phải chấp nhận rủi ro mà chúng mang lại. Nếu những mẫu áo thun nhập khẩu với mức giá khoảng 200.000-300.000 đồng thì chất liệu vải sẽ như thế nào? Hay bạn chỉ có thể sử dụng từ 1 đến 2 lần thậm chí sau khi giặt tẩy thì phom dáng sẽ không còn được nguyên vẹn như ban đầu.
Đó chỉ là một phần nhỏ vì khi chiếc áo này hỏng bắt buộc bạn phải bỏ ra thêm một số tiền nữa để sở hữu sản phẩm mới và thậm chí cộng lại những khoản chi trả thì đôi khi còn vượt hơn so với dự tính ban đầu.
Những trang phục thời thượng với giá tiền tương đối rẻ thì chất lượng sẽ nằm ở mức độ nào? |
Tiếp theo, H&M xuất hiện tại thị trường Việt Nam cũng gây nên một cuộc "đấu tranh ngầm" giữa các thương hiệu bình dân khác. Việc so sánh giá cả cũng như chất lượng sản phẩm trở thành yếu tố khiến bạn đau đầu mỗi khi muốn mua sắm hay những người thân trong gia đình.
Sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, những nhãn hàng trong nước bắt đầu trở thành "đối thủ" bất đắc dĩ của H&M và Zara, khi họ cũng sở hữu những sản phẩm với mức giá tương đương, đôi khi lại đắt hơn nhưng lại không chạy theo kịp xu hướng, cũng như đối tượng khách hàng sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Sự cạnh tranh ngầm giữa hai thương hiệu này là điều không thể tránh khỏi khi H&M xuất hiện tại thị trường Việt Nam. |
Việc chạy theo xu hướng một cách mù quáng cũng như không biết điều gì phù hợp với bản thân sẽ dễ khiến bạn trở thành bản sao của người khác. Thử nghĩ xem một ngày đẹp trời khi bước chân ra phố và nhìn thấy sự xuất hiện của hàng trăm tín đồ thời trang giống nhau từ trang phục cho đến phụ kiện thì sẽ như thế nào.
Với những nhận định như vậy thì liệu H&M, Zara hay Uniqlo có đang trở thành "miền đất hứa" trong lòng các bạn trẻ? Câu trả lời chắc chắn còn nằm ở vấn đề thời gian và người giải đáp không ai khác chính là những tín đồ thời trang.