Tôi từng sợ leo núi, từng rơi vào những hoàn cảnh cận kề cái chết. Tôi tin rằng, một cô gái khi lựa chọn đi những cung đường nguy hiểm thì nên có quan điểm đúng đắn để tránh rủi ro.
Chủ động tìm hiểu và chuẩn bị
Leo núi là chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro, gian khổ. Trekking đường dài với thời gian bó hẹp, leo vách, vượt dốc, băng rừng, lội suối. Những tình huống như bị ngã, gãy tay, gãy chân, chảy máu, say độ cao, trượt vách, đói, khát, gặp mưa đá… có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là phải tự tìm hiểu độ khó của ngọn núi sắp leo có nguy hiểm, cung đường dài thế nào, sức mình có leo được không hay vị trí núi ở đâu, di chuyển đến đó ra sao.
Sau khi nắm được thông tin về ngọn núi sắp leo, ta nên dự phòng cần chuẩn bị những gì. Thời tiết ngày leo có nắng, có mưa thì mang theo kem chống nắng, mũ, bộ áo mưa, túi bọc, balo… Thời gian leo dài ngày thì chuẩn bị vừa đủ quần áo, không quá nhiều để bớt nặng. Mùa lạnh leo núi cần mang đủ áo giữ nhiệt, biết mình có những bệnh gì thì mang theo thuốc. Đêm trong rừng dễ bị cảm, hãy mang miếng dán nhiệt, thuốc cảm cúm, viên sủi…
Trước mỗi chuyến đi, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vừa đủ để balo không quá nặng nề. Ảnh: Hachi8.
|
Tìm kiếm bạn đồng hành phù hợp, đáng tin cậy
Tôi từng leo núi với những người không quen, vẫn biết sẽ có nhiều điều thú vị và có thêm bạn bè. Nhưng đến giờ, tôi nghĩ đơn giản rằng, hành trình mạo hiểm thì bạn đồng hành rất quan trọng. Vì vậy, bạn cũng nên lựa chọn kỹ.
Có thể không tìm được bạn bè thân quen đi cùng, phải đi với những người xa lạ, nhưng hãy tìm hiểu kỹ người đó, xem họ có kinh nghiệm và là người trách nhiệm không. Bởi khi khó khăn đến, chỉ dựa vào nhau mới vượt qua được tất cả. Hãy tìm hiểu họ có phải người xấu hay không (yêu râu xanh, trộm cướp…). Khi leo núi, là con gái, bạn rất dễ trở thành đối tượng bị hại.
Hãy biết lượng sức mình
Leo núi không giống trong phim Hàn, đừng hy vọng một cô gái yếu đuối, leo được một quãng bị mệt và chờ soái ca cõng, đeo hộ balo đầy lãng mạn… Ai cũng mệt, cũng đeo trên vai mười mấy kilogam hành lý, porter thì đeo đồ ăn, lều trại cho cả đoàn. Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, tự nỗ lực và cố gắng.
Ta không nên trở thành gánh nặng cho người khác. Bạn không thể tiểu thư, sợ chết mà kéo theo cả đoàn phải chờ đợi, phải chịu nguy hiểm cùng bạn. Có những cô gái sợ ướt chân nên không lội suối, sợ xước tay nên không bò qua bụi, sợ bẩn nên không dám ăn, sợ côn trùng nên không dám nằm lều… Dù bạn là thân con gái, yếu đuối nhưng đây là sự lựa chọn của bạn. Bạn đã quyết định leo núi, thì phải tự có trách nhiệm với chính mình.
Nếu sức khỏe yếu, trước khi lên đường, bạn hãy chăm chỉ tập luyện. Trên mạng có vô vàn bài tập, hay đơn giản là chạy bộ mỗi ngày, sức bền lên rất nhanh. Tôi từng không chạy được nổi 1/4 vòng hồ, nhưng vì muốn leo núi, tôi đành phải chạy. Dần dần, sức bền tốt hơn, tôi không còn sợ leo núi nữa.
Hạnh My chia sẻ, vì thích leo núi cô đã tập luyện rất nhiều. Ảnh: FBNV |
Dù tinh thần bạn mạnh mẽ đến đâu thì cũng phải có sức khỏe. Không có điều kỳ diệu nào xuất hiện nếu bản thân không tự luyện tập. Và leo núi không dành cho những cô gái vàng ngọc, tiểu thư, sợ bẩn, sợ đau, sợ bị sẹo. Vượt qua những nỗi sợ đó, bạn sẽ có những điều vô cùng tuyệt vời sau mỗi lần chinh phục thành công một ngọn núi.
Biết giúp đỡ bạn đồng hành
Dù là con gái, sức khỏe không "trâu bò" bằng cánh đàn ông, nhưng hãy cố gắng giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng có thể. Ví dụ, đến điểm nghỉ chân, mọi người dựng lều, dọn đồ, bạn có thể nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn. Đừng ngồi một chỗ trong khi tất cả đều đang làm việc. Leo núi, bạn cần chia sẻ công việc, giúp đỡ lẫn nhau để mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đoàn kết.
Không leo núi với tâm lý bất ổn
Nếu bạn đi leo núi, đừng để bị phân tâm hoặc chỉ nghĩ đến chuyện đau khổ. Bỏ nỗi đau đó xuống, và lên đường với tâm lý lạc quan. Để làm gì? Để bạn có thể nhìn ngắm những thứ xinh đẹp xung quanh mình, con suối, ngọn thác, cánh rừng, nhành hoa, biển mây và cả những người bạn thú vị đồng hành cùng mình nữa.
Nhiều cô gái tưởng rằng, đau khổ mà đi leo núi thì sẽ quên sạch sẽ. Ôm nỗi đau để đi leo núi, bạn sẽ mất tập trung, khuôn mặt buồn rầu và "có lỗi" với cảnh đẹp. Trong một phút giây nào đó, có thể vì tinh thần bạn không thoải mái, mất tập trung mà sẩy chân ngã thì sao?
Ta đừng lên đường với một trái tim đau.
Và điều cuối cùng, tôi biết, những người bạn có đam mê leo núi, chinh phục thử thách và vượt qua giới hạn bản thân đều có nhiệt huyết và cá tính rất đẹp. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, hãy mạnh mẽ vì đam mê, khát khao. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ có một sinh mạng, hãy biết đi có trách nhiệm và luôn đặt sự an toàn lên trên hết. Nếu bạn tử nạn, thì nỗi đau để lại cho gia đình và bạn bè là vô cùng lớn, còn bạn chết rồi thì có biết đau đớn là gì?
Đi nhưng phải trở về nhé những người bạn yêu leo núi, và đặc biệt là những cô gái thích phiêu lưu.
Cuộc thi Chia sẻ ảnh/video du lịch hè 2016
Bạn là người đam mê du lịch, từng được khám phá nhiều vùng đất? Bạn có những trải nghiệm thú vị muốn chia sẻ cùng mọi người? Hãy gửi bài viết của bạn về địa chỉ dulich@zing.vn, đặt tiêu đề mail "Cuộc thi bạn đọc chia sẻ du lịch".
Mỗi tuần, 1 bài viết được nhiều người đọc nhất trong vòng 48 tiếng sau khi đăng, 1 bài được ban biên tập lựa chọn sẽ nhận được nhuận bút 500.000 đồng. Quyết định của ban biên tập là quyết định cuối cùng.