Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều ít biết về giải thưởng Fields

Những điều ít biết về giải thưởng Fields

Ngày đầu tiên của đại hội toán học thế giới 2010, ngày 19/8 cũng là ngày khai mạc đồng thời xướng tên GS Ngô Bảo Châu là một trong 4 người nhận giải thưởng cao quý này.

>> Đọc blog của 'hoà thượng' Thích Học Toán đoạt giải Fields

Giải thưởng Fields là gì?

Giải thưởng Fields là giải thưởng mang tên nhà toán học Canada John Charles Fields được trao 4 năm một lần trong mỗi Đại hội Toán học thế giới kể từ năm 1936 tại Canada cho những nhà toán học dưới 40 tuổi.

Giải thưởng là một huy chương đi kèm với một khoản tiền thưởng là 15.000 đô la Canada tương đương 14.400 USD.

Giới toán học còn gọi đó là Huy chương Fields (Fields Medal), Huy chương Fields được xem là một vinh dự lớn nhất mà một nhà toán học có thể nhận được trong đời.

Nguồn gốc giải thưởng Fields

Giải thưởng Fields được đề xuất bởi John Charles Fields, chủ tịch Ủy ban Đại hội Toán học thế giới năm 1924, ông đã dành số tiền khoảng 47.000 đô la Canada để cống hiến cho quỹ của giải thưởng này.

Ý tưởng của tác giả giải thưởng là nhằm ghi nhận những công trình vừa xuất sắc, vừa sẽ hứa hẹn phát triển tiếp trong tương lai.

“Có lẽ đó là điều đầu tiên khác biệt giữa giải thưởng Fields và giải Nobel: trong khi giải Nobel gần như ghi nhận cống hiến của cả một đời người thì giải Fields nhằm mục đích hướng đến tương lai: vừa tôn vinh thành tựu đạt được, vừa khuyến khích những phát triển tiếp theo(*).

Những điều ít biết về giải thưởng Fields

Nhà toán học John Charles Fields

Điều kiện của giải thưởng Fields

Thường được miêu tả như một giải “Nobel của Toán học” nhưng Huy chương Fields ít nhiều có những sự khác biệt về điều kiện nhận giải.

Trong khi giải Nobel được trao không giới hạn tuổi thì Huy chương Fields chỉ được trao cho các nhà Toán học dưới 40 tuổi tính đến ngày 1 tháng 1 của năm nhận giải.

Ngoài ra, Huy chương Fields chỉ được trao 4 năm một lần trong các kỳ Đại hội Toán học Thế giới và trao cho không quá 4 người (trong khi giải Nobel năm nào cũng được trao một lần).

Huy chương Fields

Huy chương được làm bằng vàng có đường kính khoảng 7,5cm, được đúc 4 năm một lần tại Sở Đúc tiền Hoàng gia Canada. Huy chương được thiết kế bởi nhà điêu khắc Tait McKenzie.

Mặt trước của Huy chương có khắc hình đầu của nhà Toán học Archimede và dòng chữ Hy Lạp APXIMΔOYΣ (nghĩa là “Khuôn mặt Archimede”), tên và ngày tháng của nhà Điêu khắc McKenzie: RTM (Robert Tait Mckenzie) và MCNXXXIII (1933) cùng với câu TRANSIRE SUUM PECTUS MUNDOQUE POTIRI nghĩa là: “Hãy vượt qua sự hiểu biết của bạn và làm chủ thế giới”.

Những điều ít biết về giải thưởng Fields

Hai mặt của Huhay chương Fields.


Mặt sau của huy chương là hình mặt cầu nội tiếp hình trụ (đây là một bài toán nổi tiếng của Archimede). Trên đó là cành ô liu cùng với dòng chữ khắc bằng tiếng La-tinh: CONGRETGATI EX TOTO ORBE MATHEMATICI OB SCRIPTA INSIGNIA TRIBUERE nghĩa là: “Các nhà toán học trên khắp thế giới tụ hội về đây tặng huy chương này vì những công trình xuất sắc”.

Tên của người được tặng giải thưởng được khắc bên vành của Huy chương Fields.

Vài sự kiện nổi bật quanh giải thưởng Fields

- 1936 là năm đầu tiên trao giải thưởng, nhưng liên tiếp hai kỳ 1940, 1946 đều không tổ chức được Đại hội Toán học vì ảnh hưởng của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

- Năm 1954, J. P. Serre (Pháp) trở thành người trẻ nhất được giải thưởng Fields và vẫn giữ kỷ lục ấy cho đến nay.

- Những nhà toán học nhận Huy chương Fields vắng mặt (vì lý do chính trị) là Novikov (Liên Xô) 1970, và Margulis (Liên Xô) 1978.

- Năm 1990, Edward Witten trở thành nhà Vật lý đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất giành giải thưởng này.

- Năm 1998, tại ICM, Andrew Wiles đã được chủ tịch của Ủy ban Huy chương Fields, Yuri I. Manin, với lần đầu tiên trao huy chương bạc của IMU công nhận chứng minh của ông của Định lý cuối cùng của Fermat. Giải thưởng này với chú thích rằng tại thời điểm trao, Wiles đã vượt quá giới hạn độ tuổi cho Huy chương Fields vào năm 1994. Nguyên do là ông công bố lời giải từ năm 1993 nhưng có lỗ hổng và 1994 mới hoàn thành.

- Năm 2006, Grigori Perelman, người chứng minh giả thuyết Poincaré, từ chối Huy chương Fields và đã không tham dự đại hội.

- Cho đến nay, châu Á chỉ có 3 nhà toán học Nhật được nhận Huy chương Fields và một nhà toán học Mỹ gốc Hoa.

Lưu ý là một số nhà Toán học được giải thưởng Fields đã từng đến Việt Nam vào những năm tháng chiến tranh để giảng bài cho các nhà Toán học Việt Nam, đó là: A. Grothendieck (Pháp), L. Schwartz (Pháp) sang những năm 60 và gần đây có H. Hironaka (Nhật), S. Smale (Mỹ), V. Jones (NewZealand), Mumford (Mỹ).

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm