Thí sinh còn hơn một tháng nữa để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sau khi nhận kết quả thi, các em có quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Ngoài ra, thí sinh còn nhiều cơ hội vào trường theo các phương thức tuyển sinh khác. Điều quan trọng, thế hệ 10X cần chọn ngành nghề phù hợp sở thích, năng lực cá nhân và nhu cầu thị trường.
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh để tìm hiểu về ngành, trường phù hợp với bản thân. Ảnh: HUTECH. |
Sai lầm khi chọn ngành
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho rằng sai lầm thường thấy nhất của thí sinh là chọn ngành mà không cân nhắc đến năng lực của bản thân.
Vì không hiểu bản thân, không biết mình mạnh về nhóm ngành nghề nào, nhiều thí sinh khá hời hợt khi chọn ngành.
Hệ quả, các em dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, chọn ngành theo số đông, thấy bạn bè chọn nhiều nên muốn “học chung cho vui” hay chọn ngành “hot” vì nghe nói dễ có việc làm, lương cao, hoặc do “ba mẹ muốn vậy”, “học theo ba mẹ để dễ xin việc làm”.
Theo ông Nam, học ngành không phù hợp năng lực khiến sinh viên dễ mệt mỏi, chán nản, không đạt kết quả tốt, thậm chí không hoàn thành chương trình học, phải chuyển ngành khác.
“Mặc dù ngày càng nhiều thí sinh chủ động tìm hiểu bản thân, ngành nghề trước khi thi đại học, số lượng thí sinh mắc phải sai lầm trên vẫn không ít. Điều này có thể thấy qua số lượng sinh viên chuyển ngành, sinh viên bị buộc thôi học ở các trường đại học hàng năm”, ông Nam cho hay.
Thạc sĩ Trần Hải Nam nói thêm học sinh ngày nay thường có ý thức cao. Vì thế, nhìn chung, các em ít bị tác động bởi ngành “hot” hơn so với các thế hệ trước.
Ý thức cá nhân giúp thí sinh kiên định hơn với sở thích bản thân nhưng mặt trái, nó khiến các em chỉ thấy được sở thích của mình.
“Trong khi đó, sở thích ở lứa tuổi 18-20 còn mang tính nhất thời, không đủ ổn định để duy trì hứng thú cho các em trong suốt quá trình học tập ở đại học, nếu bản thân các em không thật sự có năng lực ở ngành học đó”, ông Nam chia sẻ.
Dù vậy, ông không đồng tình hoàn toàn với ý kiến thí sinh hiện nay không quan tâm đến thị trường lao động.
Theo ông, nhiều bạn có ý thức về các vấn đề thời sự, hướng nghiệp. Trong chương trình tư vấn trực tuyến của HUTECH, nhiều thí sinh đặt câu hỏi liên quan đến nhu cầu nhân lực trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu thế phát triển trong giai đoạn 4.0...
Điều quan trọng, thí sinh cần tìm hiểu một cách toàn diện chứ không chỉ dừng lại ở một vài câu hỏi.
Từ góc độ tâm lý, Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng tại HUTECH, cho rằng đam mê, kỳ vọng của bố mẹ, lựa chọn của bạn bè cùng áp lực từ thị trường lao động ảnh hưởng đến quyết định của sĩ tử khi chọn ngành.
Theo bà, yếu tố tâm lý ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực lên thí sinh. Áp lực quá lớn sẽ khiến các em hiểu sai về phương thức chọn ngành nghề.
Trong quá trình xác định ngành nghề, thí sinh nên xem xét các yếu tố năng lực, sở thích, nhu cầu nhân lực, điều kiện gia đình. Ảnh: HUTECH. |
Năng lực là yếu tố quan trọng nhất
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, Thạc sĩ Trần Hải Nam khuyên để chọn ngành học, thí sinh cần cân nhắc một cách toàn diện nhiều yếu tố như năng lực, sở thích cá nhân, nhu cầu nhân lực, điều kiện gia đình và đặt theo thứ tự ưu tiên này.
Ông thừa nhận việc cân bằng tất cả yếu tố rất khó khăn. Năng lực là yếu tố quan trọng nhất. Sở thích, nhu cầu nhân lực, điều kiện gia đình có thể thay đổi theo thời gian. Năng lực là yếu tố bền vững và nếu được trau dồi, càng phát triển.
“Khi có năng lực để học tốt, làm tốt, các em hình thành tâm lý yêu thích ngành học mình chọn. Và khi đã học tốt, làm tốt trong lĩnh vực của mình, chắc chắn các em không quá phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của xã hội”, ông Nam phân tích.
Tuy nhiên, ông lưu ý năng lực không đồng nghĩa điểm số ở lớp. Học sinh giỏi Toán thì chưa hẳn có thể học tốt Sư phạm Toán nếu không có khả năng truyền đạt, giải thích.
Để xác định năng lực, thí sinh cần tìm hiểu nhiều hơn thông qua bài trắc nghiệm nghề nghiệp, trắc nghiệm tính cách MBTI, tham khảo ý kiến phụ huynh, thầy cô, anh chị khóa trước, gặp chuyên gia tư vấn hoặc kênh hướng nghiệp ở các trường đại học.
Ngoài ra, một ngành học thường có nhiều trường đào tạo với các phương thức tuyển sinh và mức điểm chuẩn khác nhau. Điều này giúp thí sinh có thêm cơ hội chọn ngành đúng sở thích, phù hợp với năng lực bản thân, kể cả khi điểm thi tốt nghiệp THPT không quá cao.
Chẳng hạn, HUTECH tuyển sinh 45 ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế - quản trị, kỹ thuật - công nghệ, khoa học sức khỏe đến khoa học xã hội & nhân văn, ngoại ngữ, luật, kiến trúc - mỹ thuật ứng dụng... với điểm chuẩn không quá cao (năm 2019 là 16-22 tùy ngành).
Như vậy, thí sinh có thể chọn ngành đúng sở thích, sở trường của mình để phát huy thế mạnh của bản thân, trở thành cử nhân, kỹ sư giỏi chuyên môn trong lĩnh vực mà các em yêu thích.
Thí sinh cũng cần giữ sức khỏe tốt để có tinh thần minh mẫn trước kỳ thi và đưa ra lựa chọn sáng suốt. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn. |
Giữ tâm lý ổn định, sức khỏe tốt
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo cũng đưa ra lời khuyên cho sĩ tử về mặt tâm lý. Bà chia thí sinh thành nhóm đã quyết định và nhóm còn phân vân.
Với những người đã chắc chắn, bà cho rằng các em cần tìm hiểu thêm thông tin về ngành học để tăng động lực, vượt qua kỳ thi, quyết tâm theo đuổi ngành này.
Những thí sinh còn phân vân nên lập bảng xem mình thực sự giỏi ở điểm nào. Theo Thạc sĩ Chế Dạ Thảo, các em thường băn khoăn vì giỏi cái này lại thích cái kia mà quên mất thực ra, phải hứng thú mới giỏi.
“Các em nên tham khảo lời khuyên của người thân nếu cảm thấy chưa chắc chắn. Họ là người có hiểu biết, kinh nghiệm, vốn sống, có thể tư vấn”, bà nói.
Trong trường hợp chịu áp lực tâm lý do chọn ngành trái với mong muốn của gia đình, thí sinh nên củng cố niềm tin cho mình.
"Các em có thể thuyết phục bố mẹ theo hướng con cần ổn định tâm lý để có sức khỏe, phong độ làm bài thi tốt, mong bố mẹ chấp nhận lựa chọn của con để con tập trung ôn tập”, bà Thảo gợi ý.
Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý cho rằng ở thời điểm cần đưa ra quyết định quan trọng, các em thường tìm đến các phương thức giải trí, vận động để giảm stress.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động lại gây tác dụng ngược, khiến sĩ tử mất sức, thậm chí chấn thương, gia tăng tâm lý nôn nao, lo sợ hoặc hưng phấn quá độ.
Vì thế, trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, bà Chế Dạ Thảo khuyên thí sinh giữ sức khỏe thật tốt để có tinh thần minh mẫn nhằm ôn tập tốt và đưa ra quyết định đúng đắn.
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là trường đại học đa ngành nổi bật với môi trường năng động, chương trình học chú trọng thực hành, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Năm 2020, HUTECH tuyển sinh 45 ngành theo 3 phương thức xét tuyển độc lập, bao gồm:
1/ Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
2/ Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
3/ Xét tuyển học bạ.
Độc giả tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh của HUTECH tại đây.
Đặc biệt, xét tuyển học bạ là hình thức được nhiều thí sinh tin chọn nhờ quy trình xét tuyển linh hoạt, hồ sơ đơn giản và giảm tải áp lực thi cử. Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (hai kỳ lớp 11 và HK1 lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên sẽ có cơ hội trúng tuyển cao khi xét tuyển học bạ vào HUTECH. Thí sinh quan tâm có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay tại đây.