*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim Cô gái đến từ hôm qua
Cô gái đến từ hôm qua được chuyển thể từ cuốn truyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dưới sự nhào nặn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và dàn diễn viên quen thuộc gồm Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hoàng Yến Chibi, Jun Phạm…, bộ phim được kỳ vọng sẽ tái lặp thành tích phòng vé của Em là bà nội của anh (2015).
Sự nổi tiếng của nguyên tác và chiến lược truyền thông bài bản đang giúp Cô gái đến từ hôm qua nhận nhiều sự chú ý từ công chúng và báo giới. Đây chắc chắn không phải là một bộ phim dở, nhưng khán giả khó tính có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở tác phẩm và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Những lợn cợn về nội dung
Câu chuyện chính trong Cô gái đến từ hôm qua lấy mốc thời gian xác định là năm 1997. Ê-kíp đã lựa chọn bối cảnh quay là Hội An và cố gắng tái hiện đầy đủ cuộc sống xã hội tại thời điểm đó. Song, nếu tinh ý, người xem có thể chỉ ra nhiều “hạt sạn” bởi điều này.
Những cô học trò trong Cô gái đến từ hôm qua xem ra quá hiện đại so với năm 1997. Nếu tinh ý, khán giả cũng có thể phát hiện ra nhiều đạo cụ không phù hợp với bối cảnh thời gian. |
Mái tóc nhuộm nâu xoăn của Hồng Hoa (Hoàng Yến Chibi) hay duỗi thẳng mềm mượt như tơ của Việt An (Miu Lê) quá hiện đại, khó có thể xuất hiện ở một vùng phố thị trong thập niên 1990.
Trang điểm nhẹ nhưng kỹ càng, các cô gái trong phim dường như mang vẻ đẹp “hot girl tân thời”, hoàn toàn lạc lõng so với nhiều bạn học do diễn viên quần chúng thể hiện.
Chưa kể, nếu xét về mặt tuổi tác, cả hai diễn viên chính là Ngô Kiến Huy và Miu Lê đều cách khá xa độ tuổi 17-18 của nhân vật trong phim. Sự chênh lệch khiến Thư “thơ thẩn” và Việt An dường như “ngồi nhầm lớp”, dù có cố gắng hóa trang đến đâu đi chăng nữa.
Từ những trang sách lên màn ảnh, Cô gái đến từ hôm qua của Phan Gia Nhật Linh khá trung thành với Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh. Song, nhà làm phim đã cố gắng thêm thắt một số chi tiết sáng tạo so với nguyên tác.
Đó chính là mạch truyện xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa Chiêu Minh (Hạ Anh) và thầy thể dục Lực (Tùng Min) - điều hoàn toàn không có trong truyện gốc.
Câu chuyện sáng tạo về Chiêu Minh (Hạ Anh) và thầy thể dục Lực (Tùng Min) đã vô tình làm hỏng tổng thể của Cô gái đến từ hôm qua. |
Nhưng ngay từ đầu, diễn biến đã có sự vô lý: tại sao một học sinh (hoặc phụ huynh của cô) không nói trước cho thầy giáo về bệnh tình của bản thân, để rồi phải tập luyện đến kiệt sức? Tại sao cô chủ nhiệm hoặc các đồng nghiệp không nhắc thầy Lực lưu ý đến trường hợp của Chiêu Minh khi anh mới nhận việc?
Hai nhân vật nảy sinh tình cảm sau khi Chiêu Minh được thầy Lực tận tình chăm sóc, nhưng hành động thân mật của cả hai ngay giữa sân trường là điều khá phi thực tế.
Tình cờ thay, chỉ Thư “thơ thẩn” phát giác ra chuyện đó. Anh chàng nghĩ đến một kịch bản “lâm ly” rằng: Chiêu Minh bị thầy Lực lừa dẫn đến có thai và bắt phá, rồi tung cú đấm trời giáng vào thầy giáo mà chưa cần biết đúng sai.
Nhân vật Thư của Ngô Kiến Huy đúng là thơ thẩn, thích tưởng tượng. Nhưng chuyện anh chàng suy diễn rằng Chiêu Minh có thai xem ra hơi quá đà so với năm 1997. Đó hẳn là thời điểm xã hội còn chưa cởi mở, và chuyện "ăn cơm trước kẻng" vẫn còn là điều hiếm được nhắc tới.
Nhưng chuyện phi lý tiếp tục xảy ra sau đó, khi nhà trường chọn cách giải quyết kỳ quặc: đuổi cả thầy giáo lẫn cô học sinh chuẩn bị thi đại học. Thế rồi đôi “đũa lệch” quyết định đưa nhau lên thành phố chung sống và chữa bệnh tim, trong khi Chiêu Minh mới chớm 18 tuổi. Liệu đâu sẽ là tương lai dành cho họ, và gia đình của cô học sinh chẳng lẽ cũng đồng ý với chuyện đó?
Có thể thấy toàn bộ tuyến truyện sáng tạo đã làm hỏng tổng thể của Cô gái đến từ hôm qua. Thời lượng hơn hai tiếng lẽ ra là đủ để bộ phim có thể truyền tải hết những gì từ nguyên tác. Nhưng đoàn làm phim xử lý chưa thực sự khéo, khiến người xem đôi lúc tất cả là những mảnh ghép vụn vặt, thiếu sự liên kết rõ ràng.
Cuối cùng, để minh họa cho trí tưởng tượng của Thư, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã sử dụng rất nhiều cảnh quay kỹ xảo, như lúc Việt An lần đầu bước vào lớp, hay khi Thư đuổi theo Việt An ở cuối phim... Ấn tượng thị giá của chúng chỉ ở mức vừa phải, nhưng đã phá hỏng mạch cảm xúc và bầu không khí trong trẻo, chân chất của bộ phim.
'Tôn vinh' quá nhiều tác phẩm khác
Việc “tôn vinh” (tribute) các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng bằng cách tái hiện cảnh phim quen thuộc là điều thường thấy trong điện ảnh thế giới. Nhưng Cô gái đến từ hôm qua lại chứa đựng quá nhiều những trường đoạn kiểu như thế, dẫn tới hậu quả khán giả có thể xao lãng trong việc theo dõi câu chuyện, mà chỉ chăm chăm nhớ xem chúng đến từ bộ phim nào.
Chẳng hạn như lúc Thư tưởng tượng mình bật loa hát trước toàn trường để tỏ tình với Việt An là trường đoạn nổi tiếng của tài tử Heath Ledger quá cố trong 10 Things I Hate About You (1999). Hình ảnh bộ đôi mặc đồ cưới đứng trên đường ray xe lửa chờ đoàn tàu chạy qua thuộc về minh tinh Marion Cotillard trong Love Me If You Dare (2003).
Phim có rất nhiều trường đoạn gây liên tưởng tới các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của thế giới. |
Câu chuyện anh chàng thất tình được cô em gái sõi đời và câu bạn thân ngồi tư vấn liệu có gì mới lạ? Đó thực ra là tình tiết trong (500) Days of Summer của Joseph Gordon-Levitt và Chloë Grace Moretz. Thậm chí, hình ảnh Thư và Tiểu Li nhận ra nhau rồi hóa nhỏ cũng có thể khiến người xem liên tưởng đến cảnh kết của Kung Fu Hustle (2004)…
Chính sự tham lam trong việc "tôn vinh" các tác phẩm khác sẽ khiến khán giả khó tính đặt ra câu hỏi liệu tính sáng tạo của ê-kíp làm phim là bao nhiêu, nhất là khi Cô gái đến từ hôm qua còn được chuyển thể từ một tác phẩm văn học có sẵn.
Không thể phủ nhận đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã phần nào đó thành công trong việc tái hiện bầu không khí trong trẻo của tuổi học trò mà những khán giả thuộc thế hệ 7X và 8X hiểu rõ nhất.
Nhưng giá như anh mạnh dạn rút ngắn thời lượng, bớt ôm đồm chi tiết không cần thiết, bớt “tri ân” các bộ phim ngoại, thì tác phẩm đã có thể trở nên hay hơn rất nhiều, hay thậm chí trở thành đại diện xứng đáng cho dòng phim thanh xuân của điện ảnh Việt Nam nếu so với các nước trong khu vực.
Dù sao, Cô gái đến từ hôm qua vẫn là bộ phim mang tính giải trí cao, đứng trên mặt bằng chung của điện ảnh nước nhà, và là một tín hiệu vui nữa của phim Việt trong năm nay.