Ban quản lý các khu nghỉ dưỡng mùa đông luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu, dù là điên rồ, của khách siêu giàu. Ảnh: @kyliejenner. |
Khoảng cách từ sân bay quốc tế Bozeman Yellowstone (Mỹ) đến câu lạc bộ trượt tuyết Yellowstone, nơi các tỷ phú trượt tuyết và chơi gôn chỉ khoảng 80 km. Với nhiều người, phương án tối ưu là dành một giờ đồng hồ lái xe đến địa điểm giải trí.
Tuy nhiên, các thành viên câu lạc bộ, chủ yếu thuộc giới siêu giàu, lại chọn máy bay phản lực hoặc trực thăng để di chuyển, Washington Post đưa tin.
Adamo Vullo, cựu thành viên, cho đây là hoạt động bình thường với nhóm tỷ phú này.
“Nhờ ngồi máy bay, họ chỉ mất thêm 10 phút để tới điểm trượt tuyết. Ai cũng thích sự tiện lợi này”, Vullo nói thêm.
Thực tế, nhu cầu trên chỉ là một trong nhiều yêu cầu kỳ quặc của giới siêu giàu khi nghỉ dưỡng tại các khu trượt tuyết hạng sang trên thế giới. Tuy nhiên, những người làm việc trong ngành dịch vụ du lịch và phục vụ nhóm 1% giàu có thế giới luôn phải nỗ lực để đáp ứng chúng.
Giới siêu giàu sẵn sàng bỏ ra vài chục nghìn USD cho các yêu cầu kỳ quặc khi đi trượt tuyết nghỉ dưỡng. Ảnh: Kaitlin Brito/Washington Post. |
Yêu cầu tuyết màu hồng
Để chuyến đi trượt tuyết được lãng mạn nhất có thể, các đôi tình nhân thuộc giới thượng lưu sẵn sàng vung tiền cho các yêu cầu khó hiểu.
Đề nghị khó quên nhất với Berkely Tolman, người đã làm việc 16 năm tại khu trượt tuyết Stein Eriksen Lodge (Mỹ), là tạo tuyết màu hồng. Vị khách hàng thân thiết kỳ vọng sẽ có khung cảnh lãng mạn như một phần quà cho vợ, khi hai người đi cáp treo đêm.
Đáng tiếc, mong muốn này bị từ chối vì ban quản lý không thể nhuộm hồng nguồn nước làm tuyết nhân tạo, vốn là một cái ao lớn.
Nhiều năm trước, nhân viên khách sạn Badrutt's Palace (Thụy Sĩ) rơi vào thế khó xử khi một vị khách yêu cầu cung cấp một con voi sống làm quà tặng vợ. Marijana Jakic, Giám đốc thương hiệu của khu nghỉ dưỡng, thừa nhận đã mất rất nhiều thời gian thuyết phục ông ta thay đổi ý định.
Trượt tuyết với vận động viên Olympic
Nhằm có những buổi trượt tuyết điêu luyện, nhiều khách hàng sẵn sàng chi mạnh tay để thuê huấn luyện viên kèm cặp. Bất kể chi phí lên đến 1.000 USD/ngày, họ vẫn đặt lịch sẵn trong vài tuần liên tiếp.
“Tôi có thể chỉ gặp riêng một người suốt 40 ngày. Mối quan hệ của chúng tôi rất gắn bó, đến mức họ đối đãi tôi như người nhà. Thậm chí, vài khách hàng tin rằng kỳ nghỉ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự hỗ trợ từ tôi”, James P. Ruddy, cựu huấn luyện viên kỳ cựu tại câu lạc bộ Yellowstone, nói.
Không dừng lại ở đó, tệp khách hàng nhiều tiền này còn yêu cầu được hướng dẫn bởi các vận động viên Olympic.
Michael Friedman, Giám đốc vận hành một công ty chuyên tổ chức kỳ nghỉ 5 sao, cho rằng đây là yêu cầu xuất hiện khá thường xuyên. Khách hàng của họ sẵn sàng chi 1.700 USD cho 12 tiếng, và 2.800 USD cho trọn một ngày hoạt động.
“Dù vậy, đôi khi họ vẫn bị từ chối, hoặc phải chờ khá lâu vì các vận động viên có quá nhiều lịch làm việc”, Friedman nói thêm.
Khách hàng cần bỏ ra ít nhất 1.000 USD/ngày để được vận động viên Olympic hướng dẫn trượt tuyết. Ảnh: Pexels. |
Thuê người quản lý ván trượt
Sau khi sắm những bộ ván trượt tuyết trị giá vài nghìn USD, giới siêu giàu không trực tiếp giữ hoặc gửi chúng ở cửa hàng của khu du lịch. Thay vào đó, họ sẽ thuê các đơn vị chuyên nghiệp để quản lý, kiểm tra chất lượng đồ đạc của mình.
Ski Butlers, dịch vụ cho thuê dụng cụ mùa đông, luôn tiếp nhận các yêu cầu tương tự. Theo Giám đốc doanh thu Mike Cremeno, một đội ngũ riêng sẽ đến tận nơi ở của khách hàng để bắt đầu nhiệm vụ.
“Đổi, giữ hoặc làm sạch ván trượt là vài công việc điển hình của chúng tôi. Nhóm quản lý dụng cụ phải theo sát khách hàng, dù họ đi dạo hay đang ngồi cáp treo. Mục đích lớn nhất là đảm bảo có mặt ngay khi họ muốn trượt tuyết.
Thậm chí, tôi từng gặp một quý ông yêu cầu thay mới dụng cụ tận 15 lần trong 5 ngày nghỉ dưỡng. Nghe có vẻ phiền phức, song đó là niềm vui của cả đội khi làm hài lòng khách hàng”, Cremeno chia sẻ.
Chuyến bay riêng cho đại gia đình
Hồi 2021, công ty hàng không tư nhân VistaJet đã điều phối một chuyến bay đa điểm đón. Cụ thể, đơn vị này sẽ đưa khách đến trượt tuyết tại dãy Aspen (Mỹ) và kết thúc hành trình tại quần đảo Bahamas.
Leona Qi, người đứng đầu VistaJet, cũng không khỏi ngạc nhiên với độ sang chảnh của người thuê dịch vụ.
“Họ đã bỏ ra hàng nghìn USD cho ván trượt, trang phục và các lượt vé đi cáp treo. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa thấm tháp gì với tiền thuê máy bay riêng. Mức giá của chúng tôi dao động 12.000-25.000 USD/giờ, và nhiều gia đình sẵn sàng thuê trong 100 tiếng đồng hồ”, Qi chia sẻ.
Thực tế, các gia đình siêu giàu thường sống rải rác tại khắp nơi trên thế giới. Để có thể tập trung tại điểm trượt tuyết, họ thích cùng ngồi trên chuyên cơ và di chuyển đến khi đón đủ người. Do đó, hóa đơn lên đến hàng triệu USD không phải điều quá hiếm hoi.
Thuê chuyên cơ riêng là thú vui của giới siêu giàu trong các kỳ nghỉ trượt tuyết. Ảnh: VistaJet. |
Thuê đoàn làm phim, chụp ảnh cả nhà
Với nhiều khách du lịch, lưu giữ kỷ niệm bằng hình ảnh, video khi đang trượt tuyết là điều khó khăn. Tuy nhiên, không gì có thể làm khó người thuộc nhóm 1% giàu có trên thế giới.
“Thay vì dùng gậy selfie hay chụp cho nhau, giới siêu giàu sẽ thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Họ muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo. Thậm chí, nhiều gia đình còn mời đoàn quay phim tiếng tăm đến để ghi hình mọi trải nghiệm của mình”, Naomi Mano, Chủ tịch Công ty du lịch sang trọng Luxurique Inc (Tokyo), cho biết.
Thông thường, doanh nghiệp của Mano được thuê để quản lý, hỗ trợ sắp xếp lịch trình chuyến đi.
Do đó, họ thường xuyên ghi nhận các hóa đơn lên đến 1.000 USD cho một ngày đồng hành cùng thợ chụp ảnh kỳ cựu. Sau kỳ nghỉ, kinh phí tổng sẽ tăng thêm vài nghìn USD cho album tổng hợp.
“Do đó, hiếm chuyến đi nào trị giá dưới 20.000 USD. Đây dường như là yếu tố quan trọng làm nên niềm vui của họ”, Mano nói.
Nhiều gia đình chi vài nghìn USD thuê nhiếp ảnh gia, đoàn làm phim theo sát chuyến du ngoạn. Ảnh: freepik. |
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.