Trong đầu tháng 12, tại thành phố Yên Bái đã diễn ra hội thảo “Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam - Hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch pha 2”. Nằm trong bối cảnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch, hội thảo nêu ra những vấn đề tồn đọng và giải pháp đổi mới trong việc đào tạo nghề nghiệp gắn liền với doanh nghiệp.
TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - phát biểu tại hội thảo. |
Tại buổi hội thảo, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh vào trọng tâm của cơ chế giáo dục nghề nghiệp cần phải gắn liền với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi đúc rút kết quả và kinh nghiệm từ dự án pha 1, ông Vũ Xuân Hùng cũng đánh giá rằng rất khó có thể giữ được sự quan tâm của doanh nghiệp tư nhân nếu không có sự chủ động, tích cực từ phía nhà trường.
Ngoài ra, hai bên cần có thêm cơ chế phối hợp để đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Chính vì vậy, dự án pha 2 sẽ tập trung vào vấn đề này.
Buổi hội thảo diễn ra với sự đại diện của Tham tán giáo dục Đại sứ quán Đan Mạch. |
Ông Henrik Hjorth, Tham tán giáo dục Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong việc xây dựng và trình phê duyệt văn kiện dự án pha 2 với các mục tiêu cụ thể mới.
Thứ nhất, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các trường, cơ quan chức năng và doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ, đẩy mạnh quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai tăng cường năng lực cho các cán bộ, giáo viên về phát triển giáo dục nghề nghiệp và quản lý sự thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp. Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực liên quan, tổ chức nhiều hoạt động thu hút giới trẻ vào học giáo dục nghề nghiệp. Thứ 4, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữa hai nước Việt Nam và Đan Mạch.
Dự án hỗ trợ 12 trường cao đẳng có đào tạo 3 nghề là thiết kế đồ họa, nội thất và thực phẩm. Ông Henrik Hjorth bày tỏ tin tưởng dự án sẽ triển khai hiệu quả với sự cam kết của các bên liên quan; đặc biệt là từ 12 trường cao đẳng tham gia dự án và sự tham gia của các doanh nghiệp trong hội đồng kỹ năng nghề địa phương.
Sau kết thúc nội dung khởi động dự án, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chủ trì hội thảo “Hội đồng năng nghề địa phương” tại 2 trường tham gia dự án là Cao đẳng nghề Yên Bái và Cao đẳng Thực phẩm Phú Thọ. Các hội đồng được hướng dẫn về quy trình, công cụ làm việc và rà soát, xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp DACUM. Đây là phương pháp điều chỉnh lại chương trình đào tạo hiện tại của trường, để đáp ứng yêu cầu và thống nhất với doanh nghiệp về nội dung đào tạo.
Bình luận