Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'du khách ăn xin' bị ghét

Đi tới nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, một số khách du lịch lựa chọn trở thành "begpacker" - du khách ăn xin - để có tiền trang trải cho các chuyến đi.

Nếu thấy có một thanh niên đầu tóc bù xù, bán vòng tay đan hoặc chơi trống gần một điểm đông người qua lại, rất có thể đó là một khách du lịch ăn xin (begpacker).

Begpacker là từ ghép của “begging” (ăn xin) và “backpacking” (du lịch bụi), thường được dùng để miêu tả một cách tiêu cực những người đi ăn xin để phục vụ cho chuyến du lịch của mình.

Thông thường, các du khách dạng này xuất hiện nhiều ở những điểm đến Đông Nam Á và Nam Á như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Trong hầu hết trường hợp, hành động này là bất hợp pháp, theo CNN.

du khach xin tien anh 1

Khách du lịch nước ngoài đi ăn xin tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reddit.

Stephen Pratt thuộc Trường Quản trị Khách sạn Rosen - Đại học Central Florida, là một trong những người nghiên cứu, hiểu rõ về dạng khách du lịch ăn xin này.

Pratt giải thích những du khách ăn xin có thể được chia thành 3 loại: hát rong (chơi nhạc hay biểu diễn theo một cách nào đó), bán đồ gì đó (trang sức, bưu thiếp hoặc dịch vụ như tết tóc) và những người chỉ xin tiền mà không cung cấp điều gì.

Chỉ trích

Không rõ việc du lịch ăn xin đã tồn tại từ khi nào. Trong cuốn sách A Time of Gifts, nhà văn người Anh Patrick Leigh Fermor đã kể lại việc nhận phác thảo chân dung thuê để có tiền cho chuyến hành trình đi bộ xuyên châu Âu vào năm 1933.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, ngày càng nhiều người lên án hành động này thông qua các trang mạng xã hội. Theo Pratt, xu hướng này ngụ ý nhắc nhở các du khách cần ý thức chuẩn bị đủ tiền cho cuộc phiêu lưu của mình.

Will Hatton, người sáng lập trang web tư vấn du lịch tiết kiệm The Broke Backpacker, lại không đồng tình với việc dùng từ “begpacker” và ý nghĩa tiêu cực phía sau nó.

“Chắc chắn tôi không tán thành những người ngồi bên lề đường để ăn xin, nhưng với những người bán đồ hoặc cung cấp dịch vụ nào đó, tôi thấy họ đã dũng cảm và cố gắng khám phá một cách sống khác”.

du khach xin tien anh 2

Pratt giả làm begpacker ở Hong Kong, Trung Quốc.

Joshua Bernstein, giảng viên Viện ngôn ngữ tại Đại học Thamassat (Thái Lan) cho rằng một số nỗi tức giận xung quanh việc ăn xin có liên quan đến các vấn đề như sự đặc quyền.

“Tôi nghĩ phần lớn cơn thịnh nộ đến từ người nước ngoài”, Bernstein nói, cho biết đã quan sát những du khách ăn xin ở Bangkok và kết luận rằng so với người nước ngoài, người dân địa phương hay dừng lại, trò chuyện hoặc mua đồ nhiều hơn.

“Có một số người nước ngoài cảm thấy không ưa hành động xin tiền đó, cho rằng việc đối phương làm có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. Có rất nhiều suy nghĩ kiểu vậy”.

Bernstein cũng chỉ ra rằng các du khách ăn xin không giàu có hơn. Họ ở trong những nhà trọ rẻ tiền vài USD/đêm và ăn thức ăn đường phố, không phải những bữa ăn được xếp sao Michelin.

Đối với Ashley James, diễn viên hài sống tại Hong Kong, Trung Quốc, sự khinh miệt đối với những người được gọi là du khách ăn xin gói gọn trong một từ: quyền lợi.

“Hong Kong là nơi có mức sống đắt đỏ, mức lương trung bình hàng tháng là 15.000 HKD (1.915 USD). Giá thuê nhà quá cao, có những người thậm chí phải sống trong các ‘nhà lồng’.

Người dân địa phương thậm chí không đủ khả năng để sống ở đây. Tại sao ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới như vậy, họ lại mời chúng tôi mua mấy cái chuỗi hạt? Du lịch là vẫn là điều xa xỉ trên khắp thế giới và những người nói ‘xin hãy trả tiền cho chuyến đi của tôi’ là ngu ngốc và tự cho mình cái quyền đó”.

Tương lai của du khách ăn xin

Tháng 4/2023, luật sư nhân quyền người Philippines Raphael Pangalangan từng nhận định trong một bài viết rằng những du khách ăn xin đã nêu bật hiện tượng “đặc quyền hộ chiếu”.

Thuật ngữ này được sử dụng để cho thấy những người có hộ chiếu của một số nước nhất định có thể dễ dàng đi lại hơn nhiều so với những người khác. Ví dụ, công dân của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có thể tự do đi lại khắp lục địa, so với những người như Pangalangan, anh phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, chờ đợi để đảm bảo có được visa đi nước ngoài.

“Việc khách du lịch ăn xin phơi bày tiêu chuẩn kép về đặc quyền hộ chiếu và cho thấy sự bất bình đẳng cố hữu trong xã hội toàn cầu của chúng ta. Nếu ở vị trí ngược lại, hành động ăn xin đó sẽ đơn giản được gọi là vô gia cư, lang thang”.

du khach xin tien anh 3

Begpacker bị nhiều người chỉ trích hành động xin tiền.

Với việc châu Á mở cửa trở lại sau đại dịch chậm hơn so với các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, vẫn chưa rõ liệu những người được gọi là du khách ăn xin sẽ quay trở lại nhiều như trước hay không.

Vài tháng gần đây, những bức ảnh chụp nhóm người này ở những nơi như Malaysia, Indonesia và Hong Kong xuất hiện trên mạng xã hội, khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, giáo sư Bernstein tin rằng lối sống này đang chuyển sang trực tuyến.

Những người đang cố gắng quyên góp tiền để đi du lịch có nhiều lựa chọn, từ các trang web lâu đời như Go Fund Me đến chia sẻ tài khoản nhận quyên góp, đề cập dịch vụ thanh toán di động trong vlog hoặc bài đăng trên mạng xã hội của mình.

Thay vì phụ thuộc vào lòng tốt của người lạ, một số khách du lịch cũng chọn xây dựng nền tảng người theo dõi trực tuyến và nhờ người hâm mộ hỗ trợ tài chính cho họ.

“Tôi nghĩ rằng có một sự thay đổi mang tính thế hệ giữa việc coi trọng trải nghiệm hơn mọi thứ”, Bernstein nói.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Nữ du khách khỏa thân, gây rối tại đền thiêng Bali

Cởi trần và xông lên sân khấu buổi biểu diễn tại một ngôi đền ở Bali, Darja Tuschinski (người Đức) nhanh chóng bị bắt giữ.

Mai An

Bạn có thể quan tâm