Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đứa trẻ bị tước quyền học tập

Sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh Nghệ An học lực trung bình trở xuống, sức vóc còm cõi, chưa có ý thức, định hướng nghề nghiệp, đã bị đẩy vào trường nghề hoặc... vào đời.

Ở đó, các em học chữ chẳng ra chữ, nghề chẳng ra nghề nên đâm chán rồi bỏ chỉ thời gian ngắn sau đó. Nhiều phụ huynh bức xúc tố cáo với phóng viên: Con em họ bị tước quyền học tập. Hệ lụy nữa là hàng chục trường tư thục ở 

Nghệ An đang lâm cảnh thiếu học sinh, hàng trăm giáo viên “ăn không ngồi rồi”...

Kỳ 1: Những ngôi trường sắp chết

Thời hoàng kim, hệ thống trường THPT dân lập (trường tư) ở Nghệ An là chiếc phao cứu hàng trăm sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp... Có thời điểm không tuyển được giáo viên, trường tư mời cả đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng tham gia thỉnh giảng - điều chưa có tiền lệ.

Nhưng nay, thầy H chấp nhận đi dạy với mức lương chưa tới 500.000 đồng/tháng. Cô T, cô Th chỉ đến trường vào ngày nhận lương đóng tiền duy trì bảo hiểm... Và, hàng trăm giáo viên của các trường tư rơi vào cảnh “đi không biết nơi đến”, mà ở lại thì không có cơ hội được đứng trên bục giảng...

Bên bờ vực phá sản

Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi hôm ấy, ông Dương Xuân Ngọc - hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (TP Vinh), môi không nở lấy nụ cười. Bây giờ đã là giữa tháng 5, học sinh chuẩn bị sang cấp thì cũng là lúc ông vắt óc suy tính phương án lôi kéo các em về trường mình.

Ba năm qua, cách trường tổ chức “tiếp thị” dường như không mang lại hiệu quả. “Trước đây, chúng tôi chỉ lo chuyện dạy các cháu sao cho tốt, không phải suy tính chuyện đầu vào. Còn bây giờ, nhiệm vụ sống hoặc chết là tuyển cho bằng được học sinh vào học, nếu không sẽ phải đóng cửa”, ông Ngọc nói.

Trường thành lập năm 1995, có những năm học, quy mô lên đến 27 lớp, trên 1.300 học sinh. Thế rồi trong 5 năm qua, lượng học sinh đăng ký vào trường quay đầu lao dốc. Phòng học lần lượt khóa cửa từng năm. Thiếu hơi người, bàn ghế bụi bẩn phủ kín, hoang tàn, và nay là nơi cho chuột, gián làm tổ.

“Đến năm học này, ở cả ba khối lớp của trường tôi chỉ có vỏn vẹn 5 lớp với 175 học sinh, dự báo sắp tới đây tình hình sẽ còn bi đát hơn nữa”, ông Ngọc giọng đầy lo lắng.

Trường THPT Nguyễn Huệ, (TP. Vinh) cải tạo những phòng học bỏ không mở lớp học mầm non.
Trường THPT Nguyễn Huệ, (TP Vinh) cải tạo những phòng học bỏ không mở lớp học mầm non. Ảnh: Lao Động.

Từ chỗ giáo viên 70 - 80 người, theo chiều thuận đầu vào từng năm, và dù rất đau đớn, ông Ngọc vẫn phải làm cái việc mà ông không hề mong muốn, đó là “vận động anh chị em tìm chỗ để đi”. Hàng chục con người lẳng lặng rời trường, người may mắn được tuyển vào trường công, người chuyển nghề, lại cũng có người chấp nhận bám trụ với trường cho đến hôm nay.

“Trường tôi bây giờ có 37 giáo viên, dạy 175 học sinh. Chiếu theo tỷ lệ chuẩn, trường tôi có 20 người thừa. Trong tình cảnh này, anh chị em buộc phải san sẻ miếng cơm cho nhau dù nó đã rất ít ỏi”, ông Ngọc buồn rầu nói.

Những ngôi trường bề thế như Nguyễn Huệ, Bắc Quỳnh Lưu, VTC... cũng đã qua thời kỳ hoàng kim và đang đứng bên bờ vực phá sản bởi lý do duy nhất là không tuyển được học sinh.

Ông Trần Hoàng Hà - hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ - nói: “Chỉ biết bấu víu vào tương lai khi các con số thống kê lượng học sinh tốt nghiệp THCS sẽ tăng, khởi sắc trở lại vào năm 2020. Còn lúc này, ngôi trường từng có gần 1.000 học sinh theo học chỉ còn vỏn vẹn 150 học sinh, phân thành 4 lớp học. Nguồn thu từ học phí không đủ trả lương theo hệ số, giáo viên của trường chấp nhận dạy với mức từ 35.000-65.000 đồng mỗi tiết...”.

Sau nhiều thời gian thâm nhập thực tế, ông Hà cho cải tạo dãy phòng học bỏ không, xin phép thành lập thêm cơ sở giáo dục mầm non. Ngay năm học đầu tiên, trường tuyển được 4 lớp và xem ra cách làm này đang có hiệu quả.

Ở trường THPT Cù Chính Lan (huyện Quỳnh Lưu), chúng tôi không tin nổi khi tình cờ được xem bảng lương của giáo viên, với mức chỉ sáu con số mỗi tháng. Họ chỉ được nhận lương những tháng học sinh đến lớp, còn 3 tháng hè, lương cũng "nghỉ” theo.

Đã thế, nội bộ trường lục đục nên giáo viên chưa được trả lương mấy tháng qua. Cù Chính Lan còn là cái tên đã nổi danh vì trong dịp Tết Nguyên đán công bố tặng quà cho giáo viên với mức… 0 đồng. Bế tắc đến cùng cực là những gì đang hiển hiện trên gương mặt của những giáo viên ở ngôi trường này.

“Đêm nằm gác tay lên trán, đầu óc tôi quay cuồng, bế tắc. Những lúc quẫn trí, tôi tính bỏ thầy theo thợ, nhưng nghĩ thương lũ học trò nên cố ở lại trường chờ đợi mà không biết có điều kỳ diệu nào đến không”, ông Đặng Ngọc Liễn - Phó hiệu trưởng trường THPT Cù Chính Lan - nói.

Ông Dương Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi.
Ông Dương Xuân Ngọc - hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Lao Động.

Nuôi heo, gà, vịt để có tiền đóng bảo hiểm

Trường THPT Bắc Quỳnh Lưu (huyện Quỳnh Lưu), đội ngũ 50 con người, trong số họ có tới hơn chục người đang đi dạy với mức lương chưa tới một triệu đồng mỗi tháng. Họ chờ đợi rồi đây trường sẽ được chuyển sang công lập.

“Sở dĩ anh em còn bám trụ lại vì trường đang trong giai đoạn xin chuyển thành trường công lập. Nếu không được chuyển, trường sẽ đóng cửa và nhiều anh em sẽ ra đi”, thầy H - giáo viên dạy vật lý ở trường - buồn bã.

Ngoài giờ lên lớp ít ỏi, vợ chồng thầy H, làm thêm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học. “Mấy năm nay, vợ chồng tôi đi học thêm nghề may, nghề vàng mã, vừa đỡ buồn chán chân tay, có thêm thu nhập chứ lương cả hai vợ chồng cộng lại chỉ 3 triệu đồng, làm sao đủ sống được trong thời buổi bây giờ”.

Khi đồng lương không còn đủ sống, giáo viên trường tư phải làm đủ mọi nghề. “Không chỉ có tôi mà nhiều đồng nghiệp phải xoay xở đủ kiểu, người nuôi tôm, nuôi heo, nuôi vịt, người bỏ làm ở trường về bán quán càphê. Một số anh em dạy môn Toán, Lý, Anh văn còn dạy thêm được đôi buổi. Đã có lúc tôi từ bỏ và bắt đầu lại, nhưng một người ở tuổi 45 đi làm công nhân chắc hẳn còn bị chê huống hồ là công việc khác tử tế hơn” - thầy Đ, giáo viên dạy môn sinh học - chua chát.

Chúng tôi hỏi: “Trong hoàn cảnh như vậy, chất lượng chuyên môn, chất lượng giảng dạy ra sao?”. Thầy H - phó hiệu trưởng một trường tư xin được giấu tên, không trả lời, mà “chất vấn” lại: “Trong tình cảnh như thế, theo anh thì chất lượng chuyên môn của giáo viên sẽ ra sao?”.

Thầy H thẳng thắn: “Nhiều anh chị em có tâm lý chán nản, buông xuôi, làm việc theo kiểu cầm cự. Điều này cũng nên thông cảm cho anh em. Với thu nhập thê thảm như thế, làm sao có thể đòi hỏi giáo viên chuyên tâm trau dồi nghiệp vụ. Mặt khác, học sinh các trường ngoài công lập cũng rất yếu, giáo viên càng thiếu động lực vươn lên. Có một số giáo viên đang cùn mòn chuyên môn”.

Để tìm nguyên nhân các trường tư ở Nghệ An không tuyển được học sinh vào học ngoài lý do giảm “cơ học” lượng học sinh cấp hai trong những năm qua, nguyên nhân khác được các hiệu trưởng tố cáo là phân luồng học sinh theo kiểu ép buộc ở bậc THCS khiến học sinh không có cơ hội đến trường nữa.

“Mấy năm trước, vào mùa tuyển sinh, rất nhiều phụ huynh đến xin cho con vào học, nhưng vì các em không tham gia thi tuyển sinh lớp 10 nên chúng tôi bó tay. Dù đã được giải thích, nhưng phụ huynh họ cứ ngồi mãi ngoài cổng trường, hy vọng con sẽ được trường cho vào học. Anh em thương lắm, nhưng bất lực”, cô Nguyễn Thị Vân - hiệu trưởng THPT Nguyễn Thức Tự (Nghi Lộc) trăn trở.

Từ những ngôi trường tư, hàng chục nghìn học sinh được nuôi dưỡng trưởng thành. Nhiều người trong số họ trở về, không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh trường cũ phòng ốc vắng lặng, buồn tênh. Những người thầy ở lại với nỗi lo cơm áo, tương lai mờ mịt. Phải chăng những ngôi trường tư ở Nghệ An đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc phải đóng cửa?

Không có cơ chế đặc thù hỗ trợ các trường ngoài công lập

Ông Thái Huy Vinh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, hoàn cảnh các trường THPT ngoài công lập rất khó khăn do số học sinh giảm.

“Hiện Sở GD&ĐT chỉ có một số ưu tiên như cộng điểm thi tuyển viên chức cho giáo viên trường ngoài công lập, ưu tiên cho giáo viên ngoài công lập trong kỳ thi giáo viên giỏi và trong duyệt kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm có dành một lượng học sinh để nuôi sống các trường vượt qua hoàn cảnh khó khăn; xem xét chuyển một số trường sang loại hình công lập.

Còn chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ thì không có. Bây giờ chỉ còn cách chờ khi số học sinh tăng lên thì các trường ngoài công lập sẽ khởi sắc trở lại”, ông Vinh nói.

http://laodong.com.vn/phong-su/nhung-dua-tre-bi-tuoc-quyen-hoc-tap-324296.bld

Theo Đăng Khoa, Quang Đại/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm