Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những em bé đặc biệt nhất màn ảnh Việt

Dù đảm nhiệm vai chính hay phụ, những vai diễn nhí trong "Em bé Hà Nội", "Mẹ vắng nhà", "Cánh đồng hoang"... đều là tinh hoa của tác phẩm.

"Em bé Hà Nội"

Đến giờ, khi đã 50 tuổi, diễn viên Lan Hương vẫn được gọi với cái tên "em bé Hà Nội" như chính bộ phim gần 40 năm trước đã làm nên tên tuổi của cô. Em bé Hà Nội là bộ phim lấy bối cảnh Hà Nội năm 1972, sau Giáng sinh và đợt dội bom B52 của quân đội Mỹ. Trong khung cảnh hoang tàn của thành phố, em bé Ngọc Hà đang đi tìm bố và đứa em gái bị mất tích sau khi mẹ hy sinh. Cô bé 12 tuổi đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.


Bộ phim thành công ngay từ khâu chọn diễn viên chính. Khó có thể hình dung hình tượng em bé Hà Nội trong sáng với niềm khao khát hội ngộ gia đình giữa một thủ đô đổ nát sẽ như thế nào nếu không phải do nghệ sĩ Lan Hương đảm nhiệm.

Đạo diễn Hải Ninh đã gặp Lan Hương lần đầu khi cô mới 3, 4 tuổi. Đến khi Lan Hương 10 tuổi là năm ông thực hiện bộ phim Em bé Hà Nội. Sau khi tìm nhiều người đóng nhân vật này mà không được, ông nhớ lại và tìm đến nhà cô.

Làm nên thành công trong vai diễn này là sự kết hợp giữa khuôn mặt và tài năng diễn xuất của Lan Hương. Cô bé 10 tuổi khi đó có đôi mắt tròn xoe, vừa thông minh vừa mạnh mẽ. Đó chính là đôi mắt của “em bé Hà Nội” Ngọc Hà với dũng khí vượt qua sự sợ hãi của 12 đêm khói lửa B52.

Cho dù khi đó mới 10 tuổi nhưng bằng cảm xúc chân thực của ký ức kinh hoàng về trận ném bom mùa đông năm 1972, Lan Hương đã diễn bằng chính trải nghiệm trong đời. Diễn như chính cuộc đời mình nhưng cũng có chi tiết cô bé 10 tuổi chỉ làm theo lời đạo diễn nói, vậy nhưng vẫn xúc động đến nghẹn lời. Đặc biệt nhất là cảnh em bé Ngọc Hà khóc và nói với cô bán gạo theo chế độ tem phiếu: "Cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu. Gạch tên có nghĩa mẹ đã chết, em đã chết. Còn tên ở đó nghĩa là mẹ và em chỉ đi đâu đó, lạc đâu đó thôi, và sẽ sớm trở về". Giờ đây, câu nói ấy vẫn khiến người xem không khỏi xúc động nhớ về một thời kỳ đau xót.

NLan Hương trong vai Ngọc Hà.

 

Đôi mắt diễn xuất giàu cảm xúc của "em bé Hà Nội".

 

Nếu vai diễn "em bé Hà Nội" thuộc về một diễn viên khác, chắc khó có đủ sức lay động lòng người như Lan Hương.

 

"Em bé Hà Nội" giờ đây đã ngoài 50.

Chị cả Bé trong "Mẹ vắng nhà"

Nhắc đến tên Vân Dung, nhiều người sẽ dễ lầm tưởng với diễn viên hài. Kỳ thực có một Vân Dung khác đã nổi tiếng với nhiều vai diễn nhí trong thời kỳ điện ảnh cách mạng Việt Nam là con gái của đạo diễn Long Vân.

Trong bộ phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, cô bé Vân Dung được ướm vào vai chị cả Bé tháo vát vừa chăm cho các em vừa làm cô giáo dạy lũ em học chữ. Trong khi mẹ (chị Út Tịch) đang đi chiến đấu, bé ở nhà rất tự giác lo mọi việc, thể hiện "bản lĩnh" của một người chị.

 

Chị cả Bé của bộ phim Mẹ vắng nhà.

Đứa con của người mẹ miền Nam anh hùng ngay từ nhỏ đã toát lên những đức tính đáng quý. Nhìn chị cả Bé, người ta vừa thấy nét chững chạc của một cô bé sớm phải thu vén gia đình vì hoàn cảnh thời nhà binh - cả bố mẹ đều phải đi công tác chiến đấu, lại vừa thấy nét đáng yêu theo đúng lứa tuổi.


Khó có thể quên được cảnh Bé hăng hái dạy học cho các em những chữ I, T bên cạnh chiếc mẹt rách, rồi cảnh Bé trèo lên cây, ngóng mẹ về. Cảnh cuối phim là giấc mơ của Bé khiến người xem không khỏi rơi nước mắt.

Trong giấc mơ ấy có cảnh bọn trẻ tung tăng đến trường và những con chữ hóa thành đàn chim bay lượn trong một khung cảnh hòa bình. Ước mơ rất trong sáng, trẻ thơ qua lăng kính tâm hồn của Bé đọng lại những cảm xúc còn nóng hổi đến thời đại hôm nay.

Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư so với nguyên gốc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thi đã đặc tả nhiều hơn về những đứa con của chị Út Tịch. Vì vậy, đất diễn của "chị cả Bé" cũng nhiều hơn. Phim đã giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V (1980) và giải thưởng Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary (1980) một phần nhờ chính tài năng diễn xuất tự nhiên của cô bé ấy.

Nhớ về thời gian đóng Mẹ vắng nhà, Vân Dung kể lại, khi đang ở chơi ở sân thì đạo diễn Khánh Dư tới bảo: "Theo các chú đi đóng phim nhé!". Thế là cô bé 9 tuổi ấy lon ton lên nhà sắp xếp quần áo, cắt đôi bánh xà phòng Liên Xô và viết lại mẩu giấy nhắn cho bố mẹ xin phép đi đóng phim.

18 tháng tuổi, Vân Dung đã theo bố đến đoàn phim. Trước vai diễn xúc động trong Mẹ vắng nhà, cô bé từng tham gia nhiều vai nhí ấn tượng khác. Khi mới được 1 tuổi rưỡi, cô đã có vai diễn đầu tiên trong phim Người đôi bờ.

Đóng phim đã trở thành bản năng của cô để từ đó đem đến cho thế hệ khán giả những hình ảnh khó quên trong vai cô bé câm của phim Những đứa con, vai Sa trong Chom và Sa, vai Mai trong Cho cả ngày mai và không thể không nhắc đến hình ảnh cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn.

Tiếc rằng, sau những vai diễn nhí (chủ yếu đóng vai chính) Vân Dung đã không theo nghiệp nghệ thuật thứ bảy. Cô rẽ hướng sang làm tiếp viên hàng không và coi những bộ phim xưa là những kỷ niệm không thể nào quên.

Đi đóng phim từ khi 18 tháng tuổi...

 

...cô bé Vân Dung đã để lại nhiều ấn tượng qua các vai diễn nhí.

 

"Chị cả Bé" của hiện tại.

Em bé trong "Cánh đồng hoang"

Nếu nói đến em bé dũng cảm nhất trên màn bạc Việt phải kể đến em bé mới 9 tháng tuổi trong bộ phim Cánh đồng hoang. Khi vào vai con trai của Sáu Xoa (Thúy An) và Ba Đô (Lâm Tới), em bé ấy phải trải qua nhiều cảnh quay nguy hiểm.

Để làm tăng tính chất khó khăn trong cuộc đời làm chiến sĩ du kích của hai vợ chồng Ba Đô, đạo diễn Hồng Sến đã đặt con trai của Ba Đô vào những tình huống nguy hiểm. Tiêu biểu nhất là cảnh đứa bé bị rơi xuống dòng nước lũ và cảnh người cha buộc phải cho con vào bao nylon dìm xuống nước khi chạy trốn máy bay địch.

Sáu Xoa (Thúy An) vừa bồng con vừa đi du kích.

 

Những cảnh quay đó hoàn toàn chân thực. Em bé 9 tháng tuổi từ trên sàn rơi tõm xuống nước. Người cha thật sự của em bé phải lặn trước xuống nước để đón lấy con khi bé rơi xuống.

Khi quay cảnh em bé bị bỏ vào túi nylon dưới nước, đạo diễn không dám để mẹ ruột của em nhìn thấy cảnh đó. Lúc sau này khi xem lại phim, người mẹ không khỏi bật khóc vì thương xót con.


Tuy là một vai nhỏ trong phim nhưng độ nguy hiểm và chính xác được đặt lên cao độ đối với em bé 9 tháng tuổi. Những tình huống đe dọa tính mạng của em bé khiến người xem thót tim lo sợ. Đổi lại, những cảnh quay rạng rỡ nụ cười trẻ thơ khi Sáu Xoa (Thúy An) bế con cười làm tỏa sáng cả một khung trời đầy bom đạn.

Em bé 9 tháng tuổi ấy giờ đây đã là một chàng trai rắn rỏi, tên thật là Thuận. Vốn là người nhà của đạo diễn Hồng Sến, anh đã đi theo ông khi vừa tròn 17 tuổi để học thi vào trường điện ảnh. Số anh không có duyên với nghệ thuật vì ngay sau đó đạo diễn đổ bệnh và qua đời. Thuận đã trở lại làm ruộng. Tuy nhiên, không theo nghiệp diễn viên nên giờ đây "em bé của Cánh đồng hoang" đã trở thành tỷ phú ruộng lúa với tài sản 3-4 tỷ đồng.

Nụ cười trẻ thơ tỏa sáng cả bộ phim Cánh đồng hoang.

 

Em bé của Cánh đồng hoang giờ đã yên bề gia thất cùng vợ và hai con.

Bé Luyến trong "Của để dành" 

Bộ phim truyền hình Của để dành miêu tả về cuộc sống gia đình bà Vi và ba đứa con lớn nhưng sống thiếu trách nhiệm với mẹ. Vì quá bận rộn với công việc, họ không có thời gian để tâm đến người mẹ thường xuyên đau yếu bệnh tật nên quyết định giao mọi trách nhiệm cho người giúp việc.



Một trong những người giúp việc tới nhà bà Vi là cô bé Luyến. Đôi mắt bồ câu tròn xoe, cái miệng chúm chím hay cười, nhanh nhẹn hoạt bát làm các việc nhà và chăm bà Vi. Nhưng đằng sau một cô bé lạc quan yêu đời vào ban ngày là nỗi nhớ mẹ đến khôn nguôi mỗi khi trời trở về đêm. Lúc ấy, cô bé lấy một chiếc ghế nhỏ, ngồi trên đó, trên đầu trùm khăn voan để giả làm mẹ.

Cô bé trò chuyện với cái bóng của mình hắt trên tường nhà như đang nói với mẹ của mình. Một cuộc hội thoại, nhưng nói chính xác là độc thoại của đứa con thơ phải xa gia đình từ nhỏ để đi kiếm tiền với nỗi nhớ, khao khát từng ngày được về bên các em, được đi học như bao đứa trẻ khác. Câu chuyện đặc biệt cô bé Luyến đóng hai vai, bản thân và người mẹ phương xa, không chỉ khiến bà Vi xúc động mà tất cả những khán giả truyền hình đều rơi lệ.

Cô bé giúp việc Luyến trong phim Của để dành.

 

Cô bé Hương Mai vào vai bé giúp việc khiến người xem xúc động.

Diễn rất ngọt vai cô bé giúp việc ấy là Hương Mai. Khi đó, Mai đang học lớp 5 rất còi và nhỏ tuổi nhất đoàn phim. Vốn làm quen với màn ảnh nhỏ qua các chương trình ca nhạc thiếu nhi từ năm 3, 4 tuổi nên cô bé không ngại trước máy quay. Sau bộ phim truyện nhựa Đầm hoang, vai diễn trong Của để dành là lần thứ hai Mai đi đóng phim.

Tại trường quay Của để dành, Hương Mai luôn có mẹ bên cạnh, vừa để chăm sóc vừa để hướng dẫn cách diễn. Đứng trước trường đoạn khó nhất với nhân vật cô bé Luyến lúc chia tay bà Vy về quê, Mai nhớ lại cảm giác lúc được bố lên thăm khi đi đóng phim xa. Nhờ đó mà cô bé đã khóc “ngon lành” và đến tận 30 phút sau vẫn chưa thể nín.

Sau vai diễn nhí ấn tượng lúc 10 tuổi, phải đến hơn 10 năm sau Hương Mai mới tiếp tục tham gia đóng tiếp phim. Cô tham gia một số phim truyền hình như vai cô bạn lớp trưởng mẫn cán trong XU50, vai Mai trong Bão khô, vai Diễm trong Hương ngọc lan.

Hiện tại, cô đang theo nghiệp cha là một nhạc sĩ. Vì khá có duyên với trẻ em nên công việc hiện tại của cô là giáo viên dạy nhạc cho trẻ.
Hương Mai trong phim XU50.

 

Trong phim Hương ngọc lan.

 


Theo Khám phá

Bạn có thể quan tâm