Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những gã khổng lồ chip châu Á chật vật vì chuyển đổi xanh

Sự khan hiếm năng lượng tái tạo khiến những gã khổng lồ trong ngành sản xuất chip tại châu Á tụt hậu so với các đối thủ từ Mỹ và châu Âu trong cuộc đua cắt giảm khí thải carbon.

Sản xuất chip, đặc biệt là chip tiên tiến, tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và Samsung Electronics - nhà sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới - đều đang chật vật với mục tiêu giảm khí thải carbon.

Tại cuộc họp thường niên, chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết sự chậm chạp của Đài Loan trong việc phát triển năng lượng tái tạo đang cản trở công ty đạt được các mục tiêu về môi trường.

“Các cơ sở của chúng tôi ở Mỹ và Trung Quốc (đại lục) đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng xanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa sử dụng nhiều năng lượng xanh ở Đài Loan. Thực tế là Đài Loan không có đủ năng lượng xanh cho chúng tôi", ông Liu nói.

Trong khi đó, Samsung cho biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia gặp nhiều thách thức nhất trên thế giới về năng lượng tái tạo, đồng thời trích dẫn quan điểm tương tự từ các thành viên RE100 - sáng kiến năng lượng tái tạo dành cho các tập đoàn trên toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, nguồn năng lượng tái tạo hạn chế có thể khiến chip sản xuất ở châu Á kém thân thiện với môi trường hơn so với chip sản xuất ở Mỹ và châu Âu - điều khiến các khách hàng ngày càng lo ngại.

Nguồn cung hạn chế

Bà Doris Hsu, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GlobalWafers - nhà sản xuất wafer (vật liệu nền trong chip bán dẫn) lớn thứ ba thế giới, cho biết khách hàng - đặc biệt là các nhà sản xuất chip châu Âu - ngày càng có nhu cầu mua wafer sản xuất bằng năng lượng xanh.

"Đây sẽ là xu hướng dài hạn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của công ty. Năng lượng có đủ xanh hay không sẽ trở thành yếu tố quyết định đơn đặt hàng trong tương lai", bà Hsu nói. "Khách hàng sẽ so sánh giá cả, chất lượng và cả nguồn năng lượng".

san xuat chip anh 1

Nguồn năng lượng tái tạo hạn chế có thể khiến các nhà sản xuất chip ở châu Á tụt hậu so với đối thủ ở Mỹ và châu Âu. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, bà Hsu cho biết đảo Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản khó có thể cung cấp đủ năng lượng tái tạo cho các nhà sản xuất chip.

“Những khu vực này đều khá đông dân cư và không dễ có đủ diện tích đất hoặc mái nhà cho các nguồn tái tạo như trang trại năng lượng mặt trời”, bà lý giải.

Một giám đốc trong ngành công nghiệp chip Hàn Quốc cũng đồng tình.

"Ở hầu hết châu Á, khả năng tiếp cận năng lượng gió và mặt trời bị hạn chế, cũng không dễ mua năng lượng tái tạo từ các quốc gia khác do những khó khăn về địa lý và ngoại giao", giám đốc này cho hay.

Samsung, TSMC và SK Hynix đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động toàn cầu vào năm 2050, trong khi nhà sản xuất chip Intel của Mỹ hay các nhà sản xuất chip châu Âu - Infineon và STMicroelectronics - dự kiến đạt mục tiêu tương tự trước năm 2030.

Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Nhật Bản là Kioxia và Sony đều cam kết sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2040, muộn hơn so với các tập đoàn phương Tây.

Tình trạng thiếu năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 của các nhà sản xuất chip châu Á. Theo TSMC, việc tiêu thụ điện chiếm 62% lượng khí thải carbon của công ty.

Cuộc đua chuyển đổi xanh diễn ra khi các nền kinh tế hàng đầu đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn quan trọng.

Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng tái tạo hạn chế và tình trạng thiếu chứng nhận năng lượng tái tạo được khu vực công nhận là hai yếu tố kìm hãm ngành công nghiệp chip châu Á trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu xanh.

Theo cơ quan năng lượng Đài Loan, năng lượng đốt than, đốt nhiên liệu và khí đốt tự nhiên chiếm 82,41% nhu cầu năng lượng của hòn đảo vào năm 2022, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm hơn 8%.

Đài Loan cũng đang dần loại bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân - một nguồn năng lượng phát thải thấp - vào năm 2025.

Hàn Quốc cũng trong tình trạng tương tự. Dữ liệu từ Công ty Điện lực Hàn Quốc cho thấy năng lượng tái tạo chỉ chiếm 8,95% sản lượng năm 2022, trong khi năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch chiếm gần 90%.

Đe dọa khả năng cạnh tranh

Trong khi đó, Mỹ đã tạo ra 22% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2022, dù 78% vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Dữ liệu chính thức của EU cũng cho thấy năng lượng tái tạo chiếm 41% năng lượng sản xuất tại khu vực này vào năm 2021.

Sự chênh lệch có thể ảnh hưởng đến đầu tư và thậm chí đe dọa các đơn đặt hàng với các nhà cung cấp châu Á từ các khách hàng toàn cầu như Apple, Google và Microsoft.

Cả ba đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và đang thúc đẩy chuỗi cung ứng của họ hướng tới mục tiêu này.

san xuat chip anh 2

Năng lượng tái tạo là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Reuters.

T.H. Tung - Giám đốc chiến lược của nhà sản xuất chất nền vi mạch Kinsus Interconnect Technology - cho biết mục tiêu cung cấp 20% năng lượng tái tạo vào năm 2025 của Đài Loan đang đi sau phần còn lại của thế giới, và là rủi ro đối với vị trí của hòn đảo này trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Ông Kwon Kyung-rak, chuyên gia về năng lượng tái tạo tại tổ chức vận động chính sách phi lợi nhuận Plan 1.5, cũng cảnh báo "việc các công ty Hàn Quốc không nhận đủ nguồn cung năng lượng tái tạo có thể làm suy yếu hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của họ".

Đối với nhà sản xuất chip châu Âu ASML, nguồn năng lượng sẽ là tiêu chí thiết yếu khi chọn nơi đầu tư, ông Christophe Fouquet, phó chủ tịch ASML, nói với Nikkei Asia.

"Theo thời gian, (năng lượng xanh) trở thành điều kiện để chúng tôi điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi chọn địa điểm (đầu tư), chúng tôi phải đảm bảo có khả năng tiếp cận năng lượng xanh", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, một giám đốc điều hành tại Infineon - nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu cho biết không giống EU và Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt nhiều hơn, khiến việc tạo ra một thị trường thống nhất cho các chứng chỉ năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn.

Infineon đã đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng xanh tại châu Âu và Mỹ, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu này ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Việc đáp ứng các nhu cầu như của Infineon có thể là vấn đề sống còn với GlobalWafers.

"Đài Loan không chỉ cần đủ điện cho sự phát triển trong tương lai mà còn cần đủ năng lượng xanh để duy trì khả năng cạnh tranh”, bà Hsu kết luận.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Kinh tế Quốc tế giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cách các thành phố trên thế giới cố thoát 'bẫy điều hòa'

Điều hòa có thể khiến các thành phố đã nóng còn nóng hơn. Để đối phó, một số đô thị đã triển khai các biện pháp hạ nhiệt không khí, giảm nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân.

Kinh tế Đức chia tay thời hoàng kim

Kinh tế Đức có nguy cơ trở lại thời kỳ trước năm 2000 khi nước này phải vật lộn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm