Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'giấc mơ Mỹ' vỡ vụn của Kpop

Không ít sao Kpop đã từng mang chuông đi đánh xứ người nhưng lại có rất ít vinh quang mang về cho người Hàn.

Châu Á là nhà, Mỹ là mục tiêu lớn

Trong 1 thập kỷ qua, nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đã tạo được chỗ đứng vững chắc và tiên phong ở châu Á. Vượt ra ngoài biên giới của xứ Kim chi, Kpop tạo nên sự thành công tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.

Việc sao Kpop mở rộng tầm ảnh hưởng bên ngoài biên giới quốc gia mang lợi ích 2 chiều. Một mặt các ngôi sao thần tượng có thêm thị trường âm nhạc và người hâm mộ. Mặt khác, nổi ở nước láng giềng thì càng nổi hơn ở Hàn.

SM Entertainment là một trong những công ty đi đầu và thành công trong chiến lược này. Các nhóm nhạc thần tượng như TVXQ, SNSD hay BoA đều có thời gian dài hoạt động tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc.

Các nghệ sĩ như BoA đã tạo nên sự bùng nổ của Kpop khắp châu Á.

Những nghệ sĩ đi sau như Super Junior, EXO hay 2PM, Wonder Girls, Kara, T-Ara... đều có những thành công nhất định tại thị trường châu Á. 

Thậm chí với trường hợp của nhóm CNBlue và ca sĩ Juniel, họ chọn tấn công thị trường Nhật Bản trước khi trở lại chinh phục Hàn Quốc.

Nhưng có vẻ như thành công tại châu Á chưa khiến cho các công ty giải trí lớn của Hàn Quốc hài lòng. Với sự bùng nổ của nhiều lớp sóng văn hoá Hàn liên tiếp, đích nhắm của Kpop chính là các thị trường phương Tây mà đặc biệt là Mỹ.

Những đại diện tiêu biểu

Nhiều tên tuổi của Kpop đã từng nhăm nhe tấn công vào thị trường Mỹ. Cuối năm 2007, Se7en dưới trướng của công ty YG Entertainment đã lên kế Mỹ tiến. Anh là một trong những nam ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên phát hành album tại Mỹ và gây sức hút với truyền thông. 

Se7en cũng chưa tạo được nhiều dấu ấn khi Mỹ tiến.

Ngoài việc phát hành album, Se7en thăm dò thị hiếu khán giả Mỹ bằng cách tổ chức những bữa tiệc âm nhạc sôi động cũng như chủ động lập trang cá nhân Myspace, chia sẻ thông tin với khán giả nước ngoài.

Sau Se7en, một loạt các sao Hàn khác cũng lần lượt bị nước Mỹ quyến rũ. Bi Rain và đặc biệt là BoA lần lượt tuyên bố sẽ Mỹ tiến. BoA, công chúa nhạc pop của Hàn Quốc phát hành album debut I did it for love vào năm 2009. Nữ ca sĩ có cơ hội hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc Sean Garrett, người từng làm việc với các ngôi sao như Beyonce, Britney Spears, Chris Brown... Đĩa đơn Eat you up của BoA khá được chú ý nhưng vẫn chưa tạo được cú hích cho sự nghiệp của cô tại thị trường này.

Wonder Girls mang cả chất Hàn và sự đổi mới đã có những thành công nhất định trên đất Mỹ.

Sau thế hệ này, nhiều ca sĩ thần tượng Hàn Quốc có thêm động lực để "đánh lớn" trên đất Mỹ. Wonder Girls, SNSD, Psy và mới nhất là CL đều có những kế hoạch Mỹ tiến với chiến lược bài bản và tỉ mỉ hơn. 

Wonder Girls là nhóm nhạc Kpop đầu tiên có ca khúc đạt được thứ hạng trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Nhóm cũng đã ký kết hợp đồng với hãng ghi âm The Jonas Group, công ty từng giữ trong tay ban nhạc đình đám The Jonas Brothers.

Trong suốt 1 năm qua, cái tên CL trở thành điểm nóng khi nữ ca sĩ cá tính này công bố kế hoạch Mỹ tiến. Cùng với công ty quản lý YG Entertainment, CL ngôi sao Kpop có chiến lược toàn diện nhất khi xâm nhập thị trường Mỹ. Nữ ca sĩ hợp tác với nhiều tên tuổi lớn của làng nhạc pop đương đại như Diplo, Skrillex...

CL liệu có thành công như người Hàn đang mong đợi?

Không chỉ chăm chút về mặt âm nhạc, CL liên tục tham gia sự kiện, cập nhật đều đặn trên truyền thông phương Tây. Dù đang phải hoãn lịch phát hành album nhưng cả công ty quản lý YG lẫn CL vẫn đang được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trên đất Mỹ.

Chưa tạo nên sự đột phá

Sau hơn 1 thập kỷ tấn công vào thị trường âm nhạc Mỹ, Kpop đã tạo nên được một số thành công đáng kể mà bằng chứng là một BXH riêng biệt trên hệ thống của Billboard. Tin tức về Kpop cũng xuất hiện liên tục và đều đặn trên các tạp chí âm nhạc lớn, các giải thưởng âm nhạc như MTV EMAs, Youtube Awards... cũng có sự xuất hiện của nhiều ngôi sao Hàn Quốc.

Nhân vật nổi bật nhất, tạo dấu ấn không chỉ với thị trường Mỹ mà ở quy mô toàn cầu chính là Psy với Gangnam style. Nhưng thành công của Psy trên đất Mỹ được đánh giá là trường hợp cá biệt và không đồng nhất với cả làn sóng Kpop. Từ hiện tượng này, Psy cũng bắt đầu nghiêm túc trong con đường Mỹ tiến. Anh hợp tác với rapper Snoop Dogg trong đĩa đơn Hangover như một sự khẳng định hướng tới khán giả Mỹ.

Psy và Gangnam Style là trường hợp rất cá biệt cho thành công của Kpop ở Mỹ.

Tuy nhiên, ngoài những dấu ấn thiểu số trên cũng như sự thổi phồng của truyền thông, thực tế là Kpop vẫn còn xa lạ đối với thị trường Mỹ.

Qua kênh Youtube và một số diễn đàn âm nhạc, Kpop vẫn được khán giả Mỹ đánh giá ở mức trung bình và gần như chỉ tập trung ở mặt hình ảnh, vũ đạo.

Bên cạnh đó, việc sao Kpop hợp tác với các nghệ sĩ pop đương đại nổi tiếng gây sức hút truyền thông đến công chúng nhưng lại khó đảm bảo về mặt thành công. Ông Rob Schwartz, người đứng đầu văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) của tạp chí Mỹ Billboard,  nhận định: "Nếu muốn chinh phục thị trường Bắc Mỹ, Kpop phải khác biệt thay vì quá giống với nhạc Mỹ". Quan điểm của chuyên gia này nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn.

Rob Schwartz đánh giá: "Sự thành công của Kpop trên thế giới rất khác so với những gì nó được tiếp nhận ở Hàn Quốc. Ở Mỹ, Kpop không phổ biến như người Hàn nghĩ đâu".

Một nguyên nhân khác cũng được nhiều chuyên gia cho rằng quyết định khá lớn tới dấu ấn chưa đậm nét của Kpop ở Mỹ chính là bản thân sức sống nội tại của nó. Sau thời bùng nổ cách đây 1-2 năm, Kpop đang ở giai đoạn chững lại và cũng đang chờ đợi những cảm hứng mới từ các nghệ sĩ.

Sau một thập niên, có vẻ "giấc mơ Mỹ" của nghệ sĩ Hàn vẫn mới chỉ là giấc mơ...

Cảnh Chung

Bạn có thể quan tâm