Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những giao thừa cười ra nước mắt của các táo quân

Đóng Táo Giáo dục trong đêm giao thừa, diễn viên Quang Thắng bị "vạ lây" khi nhiều người làm trong ngành Giáo dục nói bóng gió xa gần. Còn diễn viên Thành Trung đã phải luyện xiếc trước khi vào vai Táo Dân...

Những giao thừa cười ra nước mắt của các táo quân

Đóng Táo Giáo dục trong đêm giao thừa, diễn viên Quang Thắng bị "vạ lây" khi nhiều người làm trong ngành Giáo dục nói bóng gió xa gần. Còn diễn viên Thành Trung đã phải luyện xiếc trước khi vào vai Táo Dân...

>> Táo Quân: 'Tóm' được... Ngọc Hoàng Quốc Khánh
>> Vân Dung: 'Diễn Táo Quân, sợ... vào bệnh viện lắm'

Màn hài kịch đặc sắc Táo quân chầu trời trong chương trình Gala cười Gặp nhau cuối năm lâu nay đã là một món ăn tinh thần được khán giả cả nước chờ đợi trước mỗi giao thừa chào đón năm mới. Cũng như các chương trình "Táo quân" đã qua, năm nay, khán giả cả nước lại tiếp tục được thưởng thức màn "biến hóa" các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội dưới góc độ hài hước nhưng không kém phần sâu sắc. Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các Táo về những chuyện hậu trường trước giờ lên gặp Ngọc Hoàng Thượng đế.

Diễn viên Quang Thắng (Táo Giáo dục): Bị "vạ lây" khi đóng Táo quân

Quang Thắng vào vai táo Kinh Tế trong Táo Quân 2012

- Thưa anh Quang Thắng, trong số các diễn viên tham gia chương trình "Gặp nhau cuối năm", anh dường như là người được thử sức ở nhiều vai  nhất, như: Táo Giáo dục, Táo Giao thông, Táo Quy hoạch, Táo Kinh tế… Vậy, nếu được chọn một Táo "ruột" của mình thì anh thích nhất Táo nào?

- Năm 2011, trong chương trình chào đón năm mới, tôi đã vào vai Táo Giáo dục và đây quả thật là một vai Táo mà tôi tâm đắc. Tôi diễn "sung" lắm! Nhưng cũng vì thế mà tôi bị "vạ lây". Chả là bà con họ hàng với tôi có nhiều người ở trong ngành Giáo dục (ngay cả mẹ tôi cũng là một nhà giáo), khi Táo Giáo dục nêu lên một vài nhược điểm trong ngành thì dù điều tôi đang nói là của người viết kịch bản, của đạo diễn song tôi vẫn bị đưa ra "chặt chém", như chính tôi là... thủ phạm. Tôi vẫn còn nhớ, khi  đến chúc Tết gia đình họ hàng nhân dịp năm mới, thỉnh thoảng tôi lại bị nói bóng gió, xa gần. Cho đến bây giờ, khi một năm đã sắp trôi qua rồi, thỉnh thoảng về Hải Phòng, có vài người họ hàng làm trong ngành Giáo dục nhìn tôi vẫn còn… tự ái lắm!

- Anh hiện nay vẫn thuộc quân số của Đoàn kịch nói Hải Phòng, mà Hà Nội lại là nơi "tung hoành" của anh. Gia đình anh vẫn chỉ được đoàn tụ vào dịp cuối tuần và… cuối năm. Vậy anh định bao giờ mới thôi cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ?

- Biết làm sao được khi cuộc sống phải thế. Tôi hiện vẫn đang giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn của Đoàn kịch nói Hải Phòng. Đầu tuần bao giờ tôi cũng phải họp giao ban để biết kế hoạch của một tuần. Họp xong thì khăn gói quả mướp lên Hà Nội… ở trọ, có việc gì lại phi xe về Hải Phòng. Tôi là một người không thức thời lắm nên ngay thời điểm tiết kiệm được chút tiền thì tôi đi mua… ôtô! Trong khi đó, đáng lẽ thay vì mua ôtô, tôi nên mua nhà thì hơn. Nếu tính ra, giờ mua nhà mà bán đi thì trị giá sẽ bằng 20 cái ôtô ấy chứ! Tôi may mắn có được người vợ biết hy sinh, hiểu và thông cảm cho chồng nên đi diễn xa cũng yên tâm lắm. Con cái, gia đình một mình cô ấy lo lắng cả. Nhiều khi vào những dịp Noel hay lễ Tết, trong khi tôi đi diễn, đóng ông già Noel tặng quà cho các em nhỏ thì các con của mình chỉ ở nhà… xem tivi. Nhiều khi nghĩ cũng thương, cũng tủi lắm nhưng biết sao được, nghề nghiệp của mình là thế rồi. Gần đây không biết tôi có duyên thế nào mà toàn được mời vào bếp để… nếm thức ăn. Chả thế mà dạo này tôi cứ mập ú ra. Các con tôi xem tivi, thấy chương trình món ngon nào cũng có bố thì gọi điện thoại bảo khi nào bố về nhà phải đưa đi ăn. Tôi "họ Hứa" với vợ con mãi mà chưa thực hiện được!

Diễn viên Công Lý (vai Bắc Đẩu): Từng khóc trong đêm giao thừa

Diễn viên Công Lý (vai Bắc Đẩu)

- Thưa anh Công Lý, thời gian gần đây, có nhiều bậc nam giới hóa thân giả gái trên màn ảnh cũng như sân khấu, nhưng phải thừa nhận là trong số đó, anh là người thành công nhất với vai "Cô Đẩu" (Bắc Đẩu). Anh có bí quyết gì để mình trông thật hấp dẫn trong hình hài một… người phụ nữ?

- Thực ra lúc đầu, trong kịch bản Bắc Đẩu và Nam Tào (Xuân Bắc) là hai nhân vật bình thường đứng cạnh Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) để hỏi han các Táo chuyện hạ giới chứ không… õng a õng ẹo như thế này. Nhưng trong quá trình tập, tôi và Xuân Bắc có bàn với nhau làm sao để cho Nam Tào và Bắc Đẩu trông sinh động hơn. Trông cái mặt tôi hơi "đầu gấu" thì cho ẻo lả, còn Xuân Bắc trông nhỏ con, hiền lành hơn thì lại… ăn to nói lớn. Sự tương phản này nhìn bên ngoài đã tạo sự hài hước rồi, trong quá trình diễn xuất mình cố gắng đẩy tính cách của mỗi người lên thêm nữa thì hiệu quả rõ ràng đã được khán giả ghi nhận. Thời gian đầu phát sóng trên truyền hình, những người trong gia đình tôi, đặc biệt là bố mẹ tôi ngạc nhiên lắm. Các cụ bảo: "Trông mày giống như cái thằng… dở hơi!". Nhưng lâu rồi cũng quen dần. Bây giờ thì, thậm chí nhiều người trong ê kíp chương trình, các bạn hữu thỉnh thoảng chè chén vẫn quen miệng gọi tôi là… cô Đẩu, cô Đẩu!

- Mỗi người đều có những khoảnh khắc giao thừa đáng nhớ trong cuộc đời mình. Anh thì sao, có giao thừa nào đáng nhớ mà anh vẫn còn lưu giữ trong ký ức?

- Tôi nhớ năm tôi chừng 5 tuổi, bố mẹ mua cho anh em tôi mỗi người một con gà để nuôi, vừa là chơi vừa để cải thiện đời sống trong thời buổi khó khăn. Tôi được nuôi một con gà trống. Tết năm đó, bố mẹ bảo phải thịt con gà của tôi để cúng giao thừa vì nó đã lớn rồi, nhưng tôi không đồng ý, nhất quyết không đồng ý và bảo rằng nếu bố mẹ thịt con gà này con sẽ bỏ nhà đi. Tuy nhiên, vì không còn sự lựa chọn nào khác, chú gà của tôi cũng phải… vào nồi! Tôi buồn lắm, khóc tức tưởi, giận bố mẹ nữa và bỏ đi khỏi nhà. Nhưng đêm hôm biết đi đâu, tôi đành vào sảnh của một thư viện cũ gần đường Ngọc Hà ngồi khóc một mình trong đêm tối. Tôi ngồi đó cho đến khi nghe thấy tiếng pháo giao thừa đã bắt đầu vang lên. Dù rất muốn về nhà nhưng tôi vẫn ngồi đó để chờ mẹ… đi tìm. Cuối cùng mẹ tôi cũng tìm thấy và bà dẫn tôi về nhà đón giao thừa chào năm mới.

Nghệ sĩ Thành Trung (vai Táo Dân): Từng phải tập luyện nhiều ngày cùng các nghệ sĩ xiếc

Táo Điện Thành Trung với khuôn mặt cháy đen vì cháy xe máy trên đường lên thiên đình (Táo quân 2012)

- Thưa anh Thành Trung, trong chương trình Táo quân 2011 - Táo Idol, anh được làm Táo Dân, và với vai này, anh đã có những pha mạo hiểm mà NSƯT Chí Trung từng nói đùa rằng, có cho anh ấy 10 tỷ anh cũng không diễn được như vậy. Anh chia sẻ gì về điều này?

- Những năm trước, tôi vào vai Táo Y tế, Táo Quy hoạch, Táo Kinh tế… nhưng đúng là năm vừa rồi, trong vai Táo Dân, tôi mới thực sự được trải nghiệm những trạng huống khác nhau của vai diễn. Chả là trong kịch bản, Táo Dân phải chui vào một cái hộp bằng gỗ đóng kín và các Táo khác chọc gậy sắt, gậy gỗ xuyên qua hộp. Để có được vai này, tôi đã phải tập luyện cùng các nghệ sĩ xiếc trong một ngày ròng rã để uốn dẻo người tránh các mũi gậy. Cũng may mà tôi thường xuyên tập luyện thể thao nên đã thực hiện suôn sẻ vai diễn. Anh Chí Trung khi xem tôi diễn vai này thì xuýt xoa khen rồi bảo: "Có cho anh 10 tỷ anh cũng đầu hàng!". Vui nhất là sau đó, khi ra đường, tôi được nhiều khán giả dành cho tình cảm quý mến và hỏi han nhiều điều không khác gì các… nhà báo!

- Có kỷ niệm giao thừa nào sâu sắc mà anh vẫn nhớ trong những ngày Tết đã qua?

- Năm 6 tuổi, tôi cùng anh trai đi ra phố đón giao thừa. Nhưng vì thấy ông em đi cùng… vướng quá nên anh tôi bảo tôi về nhà ngủ để anh đi chơi cùng đám bạn. Tôi trở về nhưng nhà đã đóng cửa (nhà tôi có cửa hàng ở ngoài và nhà ở phía trong cách nhau một lối đi). Khi đó, tôi chẳng biết làm thế nào, đành chui qua cửa sổ vào cửa hàng đắp chăn ngủ. Khi anh trai tôi đi chơi về, mẹ tôi hỏi em đâu thì anh ấy bảo tôi đã về từ lâu rồi. Thế là cả nhà tá hỏa đi tìm, tìm khắp nơi, từ nhà ga, bến xe rồi làng xóm đều không thấy. Bố mẹ tôi khóc hết nước mắt và đi báo Công an là tôi bị… bắt cóc! 6h sáng hôm sau mẹ tôi dậy mở cửa hàng thì nhìn thấy tôi đang vo tròn trong chăn ngủ.

Theo VNCA

Theo VNCA

Bạn có thể quan tâm