Little Women (2019): Thời gian qua, khi theo dõi lại bộ phim của nữ đạo diễn Greta Gerwig, một số khán giả chỉ ra chiếc bình nước có kiểu dáng hiện đại ngay sau lưng nhân vật Laurie (Timothée Chalamet) trong một phân cảnh. Với viền kim loại, đó trông giống bình giữ nhiệt - thứ không thể nào tồn tại vào bối cảnh thời gian thế kỷ XIX của Little Women. |
The Mandalorian (2019): Trong tập thứ tư của series ngoại truyện Chiến tranh giữa các vì sao trên Disney+, khán giả tinh tường đã nhìn thấy một chiếc mic thu âm thò ra từ phía trên màn hình. Chuyện xảy ra vào khoảng phút thứ 16 khi nhân vật Omera của Julia Jones và Mandalorian của Pedro Pascal đang trò chuyện. |
Game of Thrones (2011-2019): Trong một tập thuộc mùa cuối cùng của Trò chơi vương quyền, ê-kíp quên không dọn chiếc cốc cà phê dùng một lần khỏi trường quay trước khi ghi hình. Nó ở lại trên bàn và xuất hiện cùng nhân vật Daenerys Targaryen (Emilia Clarke) trong lần phát sóng đầu tiên, rồi sau này được đội ngũ kỹ xảo xóa bỏ. Sự kiện gây xôn xao mạng Internet một thời. Nhà sản xuất HBO vui vẻ đùa về sự việc rằng: “Cốc latte trong cảnh đó là nhầm lẫn thôi. Daenerys gọi trà thảo mộc cơ”. Ngoài ra, chỉ đạo nghệ thuật của series là Hauke Richter tiết lộ với tạp chí Variety rằng những “tai nạn" như vậy không phải hiếm. Anh nói: “Vụ cốc cà phê bị thổi phồng quá mức vì chuyện chưa bao giờ xảy ra trong suốt bảy mùa trước thôi”. |
Game of Thrones (2011-2019): Tưởng chừng thế là xong, nhưng series sử thi giả tưởng đồ sộ của kênh HBO tiếp tục vấp phải một “hạt sạn" khác trong tập cuối cùng: vài chai nước nhựa cạnh chân Samwell Tarly (John Bradley) và Ser Davos (Liam Cunningham). Chúng rõ ràng không thuộc về thời kỳ bối cảnh của Game of Thrones. |
Bernie (2011): Dựa trên vụ Bernie Tiede sát hại người tình là góa phụ giàu có Marjorie Nugent vào năm 1996, bộ phim có sự tham gia của Jack Black trong vai kẻ sát nhân. Tuy nhiên, một cảnh phim cho thấy rõ ràng chiếc điện thoại iPhone có cuộc gọi đến, trong khi chiếc điện thoại Apple đầu tiên phải tới 2007 mới trình làng. |
The Hurt Locker (2008): Tác phẩm đề tài chiến tranh từng thắng giải Oscar 2009 lấy bối cảnh năm 2004. Nhưng trong một cảnh phim, khán giả thấy nhân vật đang chơi trò Gears of War trên máy Xbox 360. Máy Xbox ra đời sau bối cảnh phim hẳn một năm, còn trò chơi trên là hai năm. |
Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl (2003): Ở phần đầu tiên của loạt bom tấn Cướp biển vùng Caribbean, một người thuộc ê-kíp sản xuất đứng lẫn trong đám cướp biển bỗng trở nên nổi bật với trang phục áo phông trắng và mũ cao bồi. Người này không hề liên quan đến bối cảnh của phim. |
Gladiator (2000): Nếu soi thật kỹ vào những cỗ chiến xa ngựa kéo trong trận đánh ở đấu trường Colosseum, khán giả sẽ thấy một bình khí nén cỡ lớn bằng kim loại đặt phía sau. Vật dụng nhiều khả năng được dùng để tạo hiệu ứng đặc biệt, nhưng nó không thể tồn tại ở bối cảnh Rome thời cổ đại của bộ phim. |
Braveheart (1995): Trong một cảnh chiến đấu, khán giả tinh mắt sẽ thấy một chiếc ôtô trắng ở nền phía sau. Câu chuyện của Braveheart diễn ra vào thế kỉ XIII ở Scotland - lúc chắc chắn xe hơi chưa ra đời. |
Newsies (1992): Trước khi được chuyển thể thành một vở diễn tiêu biểu của sân khấu Broadway, Newsies là thất bại phòng vé đối với Disney. Vài chiếc đèn báo lối thoát hiểm đã lọt vào khung hình trong màn biểu diễn High Times, Hard Times của Medda Larkson. Bộ phim lấy cảm hứng từ sự kiện có thật là cuộc đình công của những đứa trẻ bán báo mồ côi hoặc xa nhà ở thành phố New York vào năm 1899, mà phải hàng chục năm sau đó công nghệ đèn điện lẫn thiết kế biển chỉ dẫn mới ra đời. |
O Brother, Where Art Thou? (2000): Tương tự như Newsies, đèn điện báo lối thoát hiểm xuất hiện sáng rõ trong cảnh một nhóm người bước vào rạp chiếu phim, trong khi O Brother, Where Art Thou? lấy bối cảnh những năm 1930. |
Glory (1989): Bộ phim lấy đề tài nội chiến Mỹ từng giúp Denzel Washington nhận được giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trong Glory, ê-kíp đã quên nhắc một nhân vật quần chúng tháo đồng hồ điện tử. Cuộc nội chiến nổ ra năm 1861, còn chiếc đồng hồ phải gần một thế kỷ sau mới ra đời. |
M*A*S*H (1976): Trong tập phim Der Tag, Radar O'Reilly (Gary Burghoff ) ngủ thiếp đi với con gấu bông và quyển truyện tranh Avengers ôm trong tay. Điều đáng nói là M*A*S*H diễn ra trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953 khi đầu comic của Marvel còn chưa ra mắt. Một số người tinh mắt hơn còn chỉ ra Radar ôm tập truyện số 60, xuất bản lần đầu tận năm 1969. |