Ngày nay, Wonder Woman không đơn thuần là nhân vật bước ra từ truyện tranh hay màn ảnh, mà họ còn là những con người của hiện thực, những “wonder human” (con người phi thường) sống giản dị và truyền cảm hứng cho nhiều người. Nếu như sứ mệnh của nhân vật Wonder Woman trong những bộ truyện tranh và màn ảnh là truyền tải thông điệp về tình yêu, sự hy sinh, vị tha, thì những “wonder woman” phiên bản Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò ấy.
Cô Ba Bình Dương - “người lái đò” nâng đỡ những đứa trẻ kém may mắn
Không ít người độc hành trong những chuyến phiêu lưu của cuộc đời, nhưng không phải ai cũng biết cách cân bằng và vui vẻ trong mọi hoàn cảnh như cô Nguyễn Thị Ba - giáo viên đã về hưu 17 năm ở Bình Dương. “Cô Ba Bình Dương" nổi tiếng với câu chuyện sáng bán vé số, chiều đứng lớp tình thương gieo con chữ cho trẻ em nghèo ở tuổi 72.
Sau khi nghỉ hưu, cô Ba dùng tiền hưu trang trải cho cuộc sống. Không lập gia đình nên cô Ba có ý định vào viện dưỡng lão. Thế nhưng, cô không thực hiện bởi suy nghĩ: “Vào đó thì làm gì?”.
Cuối cùng, cô Ba quyết định bán vé số. Cô dùng số tiền bán vé số hàng tháng khoảng 2 triệu đồng để mua gạo tặng học sinh ở lớp tình thương của mình. Mỗi học trò đến lớp của cô được mang về nhà 5kg gạo/tháng. Nếu phụ huynh nào khó khăn quá, cô cũng giúp như học sinh.
Học sinh đến lớp học tình thương của cô không chỉ được dạy con chữ, mà còn được uốn nắn cách làm người.
Cô Ba Bình Dương. |
Chia sẻ về cảm giác sống một mình ở tuổi 72, “Cô Ba Bình Dương” chia sẻ: “Buổi sáng, tôi bán vé số ở 3 quán cà phê, khi lên tới dốc Ông Cò thì bán hết vé. Trên đường về, tôi mua thêm vé số mới. Đến khoảng 13h30, tôi bán tiếp, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Khoảng 16h, tôi đến lớp tình thương. Sau khi các em trực ban quét lớp, dọn vệ sinh, tất cả học trò mang bàn ghế ra sân để ăn cơm chiều. Sau khi các em ăn xong, rửa tay sạch sẽ và uống nước, tôi mới điểm danh và bắt đầu buổi học. Tan lớp, tôi đi chùa bà Thiên Hậu, đây là thói quen 9 năm nay”.
Cô Ba không chỉ mang đến câu chuyện đẹp về lòng bao dung của một cô giáo về hưu vẫn muốn giúp đời, mà còn lan tỏa năng lượng sống tích cực. Trao đi lòng tốt sẽ nhận về niềm vui và đích đến của cô là giúp những trẻ em nghèo.
Nghệ sĩ Thiên Kim - hơn 80 năm tuổi nghề vẫn cống hiến thầm lặng
Năm gần 70 tuổi, nghệ sĩ Thiên Kim chủ động vào sống trong viện dưỡng lão. 20 năm trôi qua, ở tuổi gần 90, nữ nghệ sĩ cải lương năm nào vẫn nhận lời mời đóng phim, chụp ảnh. Gương mặt hằn rõ dấu vết thời gian nhưng thần thái của nghệ sĩ Thiên Kim vẫn linh hoạt. Bà thường đùa nhờ tổ nghiệp thương nên bà chưa bao giờ bị lãng quên, dù đã qua phía bên kia con dốc đỉnh cao.
Nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự, mấy năm qua ở viện dưỡng lão, bà cũng mắc những căn bệnh của người già như tiểu đường, cao huyết áp. Song, việc sống cạnh và bầu bạn cùng chị em nghệ sĩ ngày xưa khiến bà đỡ nhớ nghề, quên đi bệnh tật, tìm thấy những an yên tuổi già, tinh thần thoải mái.
Nghệ sĩ Thiên Kim. |
“Số tôi cơ cực từ nhỏ, 8 tuổi theo mẹ hát cải lương, 20 tuổi chồng mất. Tôi đơn độc suốt cuộc đời. Nhưng sống trong này, tinh thần tôi thoải mái lắm. Mấy chị em hay chuyện trò với nhau. Số tiền tôi có được nhờ đóng phim, chụp ảnh đều dùng giúp đỡ các con trang trải cuộc sống, chúng đều là công nhân nghèo”, nghệ sĩ Thiên Kim trải lòng.
An yên là một lựa chọn, không phải hoàn cảnh. Cũng giống cô giáo Ba, cái tâm thiện lương và đam mê cống hiến cho nghề là bàn tay xoa dịu những nỗi buồn riêng tư và giúp nghệ sĩ Thiên Kim mạnh mẽ trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật.
Cô giáo Ba, nghệ sĩ Thiên Kim, artist TiDu (bên trái) và Giám đốc OBV Việt Nam - Yên Thảo là những người luôn cống hiến trong niềm hạnh phúc vô hạn. |
Những nhân vật với độ tuổi và cuộc đời khác nhau nhưng cùng truyền đi một thông điệp: “Wonder Woman có thể là bất cứ người phụ nữ nào xung quanh bạn”. Họ hiện hữu dưới nhiều hình hài và dù số đông có biết đến họ hay không, họ vẫn luôn cống hiến trong niềm hạnh phúc vô hạn. Chúng ta luôn tìm thấy ở họ tinh thần lạc quan, sự tự tin, tấm lòng đẹp và tâm thế sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Bình luận