Phim ảnh
Những hình ảnh tạo nên huyền thoại Lý Tiểu Long
- Thứ tư, 27/11/2013 09:55 (GMT+7)
- 09:55 27/11/2013
Đối với người dân Hong Kong cũng như người yêu điện ảnh trên toàn thế giới, ngày 20/7/1973 mãi mãi là ký ức mà họ không thể nào quên. Bởi đó là thời điểm định mệnh đã cướp đi sự sống của nam tài tử được xem là bức tượng đài nghệ thuật trong tâm trí họ.
|
Lý Tiểu Long tên thật là Lý Chấn Phan. Ông sinh ngày 27/11/1940 tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Một vài năm sau, ông theo cha mẹ trở về Hong Kong sinh sống. |
|
Ngay từ lúc còn nhỏ, cậu bé Lý Chấn Phan đã bộc lộ tư chất hơn người. Cậu bé được bố mẹ cho chụp ảnh từ sớm và thường tỏ ra hứng khởi với việc được lên hình. |
|
Tố chất tự nhiên và vẻ ngoài ăn hình mang đến cho Lý Chấn Phan cơ hội bén duyên màn ảnh từ rất sớm. Khi mới chỉ 3 tháng tuổi,cậu bé đã nhận được cơ hội đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng, với bộ phim nói tiếng Quảng được thực hiện tại San Francisco Kim môn nữ. Nối tiếp sự thành công của tác phẩm này, Lý Chấn Phan bỗng chốc trở thành ngôi sao nhí đắt show trên màn bạc Hoa Kỳ, cậu bé liên tiếp góp mặt trong các phim Phú quý phù vân năm 1948 và Tế lộ tường năm 1950. |
|
Đáng chú ý là, vai diễn trong Tế lộ tường là vai diễn nam chính đầu tiên của Lý Chấn Phan, khi đó cậu bé 10 tuổi và được biết đến với nghệ danh Lý Hâm (chữ “Hâm” ngụ ý giàu có, thịnh vượng). Nhân vật cậu bé mồ côi với biến đổi tâm lý phức tạp đã mang về cho Lý Chấn Phan nhiều đánh giá triển vọng từ giới làm nghề.
|
|
Do thể chất gầy gò, ốm yếu, Lý Chấn Phan theo cha học Thái Cực Quyền từ năm 7 tuổi, với hy vọng cải thiện vóc dáng và sức khỏe của mình. Từ đây cũng chính thức mở ra mối nhân duyên đặc biệt của cậu bé với võ thuật truyền thống Trung Hoa.
|
|
Đến năm 13 tuổi, Lý Chấn Phan may mắn được Nhất đại tông tư Diệp Vấn thu nhận làm đệ tử và được ông tận tình truyền dạy môn võ Vịnh Xuân Quyền. Về sau, Lý Chấn Phan lần lượt được lĩnh ngộ các môn võ khác như Thiếu Lâm Quyền, Hồng Quyền, Bạch Hạc Quyền… mở ra cho cậu bé họ Lý một chân trời rộng lớn của nghệ thuật võ học cổ truyền. Bên cạnh đó, những môn võ theo học ngày ấy cũng tạo nển tảng vững chắc để Lý Tiểu Long sáng tạo ra Tiệt Quyền Đạo của sau này. |
|
Để củng cố và nâng cao khả năng võ thuật, Lý Tiểu Long ngoài việc luyện tập võ cổ truyền còn miệt mài nghiên cứu võ thuật phương Tây. Ông thường xuyên tham gia các cuộc thi võ thuật để trau dồi kinh nghiệm và rèn luyện bản thân.
|
|
Năm 1960, Lý Chấn Phan vào học tại đại học Washington thuộc thành phố Seatle. Song song với việc học tập trên giảng đường, chàng sinh viên họ Lý vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật. Để truyển bá và phát triển võ thuật Trung Hoa, Lý Chấn Phan đã dành dụm tiền thuê lại một góc của bãi đỗ xe trong trường, treo biển “Chấn Phan quốc thuật quán”, thành lập Đội kungfu Trung Quốc và tự mở một võ quán nhỏ. Hàng ngày, Lý Tiểu Long vừa dạy võ cho các sinh viên khác vừa kiên trì luyện tập. |
|
Trong thời gian theo học tại đại học Washington, Lý Chấn Phan đã quen biết với cô gái người Mỹ Linda. Tình yêu giữa họ chớm nở sau một năm quen biết và làm bạn. Tháng 8/1964, họ tổ chức đám cưới tại Mỹ và cùng nhau tiếp tục hoàn thành việc học cũng như kinh doanh võ quán.
|
|
Tiếng lành đồn xa, tài năng của Lý Chấn Phan lưu truyền khắp nơi trên đất Mỹ. Các đài truyền hình thi nhau mời võ sư người Trung Quốc này đến biểu diễn, còn các ngôi sao võ thuật và hành động của Hollywood thì tìm đến bái anh làm thầy. |
|
Năm 1971, hãng phim Gia Hòa ra giá 15.000 USD để mời Lý Chấn Phan trở về Hong Kong đóng chính trong hai bộ phim do họ sản xuất. Đó cũng là thời điểm cái tên Lý Tiểu Long lần đầu xuất hiện trên ảnh đàn Hong Kong, viết nên huyền thoại về chú rồng nhỏ của điện ảnh võ thuật Trung Hoa.
|
|
Sản xuất vào năm 1970 và ra mắt một năm sau đó, Đường Sơn đại huynh chỉ sau ba tuần công chiếu đầu tiên đã thu về 3,5 triệu HKD, phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé tại Hong Kong vào thời điểm đó. Đây không chỉ là phim đầu tiên Lý Tiểu Long đóng tại quê nhà, mà còn là tác phẩm khơi dậy cơn sốt phim võ thuật của điện ảnh xứ cảng thơm. |
|
Đường Sơn đại huynh được thực hiện tại một vùng quê hẻo lánh của Thái Lan, bối cảnh và câu chuyện cực kỳ đơn giản. Song, diễn xuất của Lý Tiểu Long trong phim lại vô cùng ấn tượng và lạ lẫm đối với cộng đồng người Hoa khi đó. Những động tác võ thuật đẹp mắt với quyền cước nhanh nhạy được Lý Tiểu Long phô diễn một cách mạnh mẽ, đầy cá tính nhưng cũng không kém phần thẩm mỹ. |
|
Trong số ít các bộ phim Lý Tiểu Long từng tham gia diễn xuất, Tinh võ môn được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Với phim điện ảnh này, ông cùng các nhà làm phim võ thuật Hong Kong đã tạo nên cuộc cách mạng triệt để cho dòng phim võ thuật. Thay vì những chủ đề nhỏ lẻ nhưng phức tạp lối mòn, bộ phim đi sâu khai thác tinh thần dân tộc. Những cú đá đầy uy lực của Lý Tiểu Long không chỉ hạ gục đối thủ trong phim, mà còn đá tung cánh cửa dẫn người Trung Quốc tới đấu trường thế giới. |
|
Bên cạnh đó, những hình ảnh sử dụng côn nhi khúc lần đầu được siêu sao võ thuật đưa lên phim cũng rất có sức hấp dãn dối với khán giả. |
|
Với vốn kinh nghiệm tích lũy được qua vai trò diễn viên, Lý Tiểu Long lấn sân biên kịch và đạo diễn trong tác phẩm thứ ba Mãnh long quá giang. Ngoài việc gắn với thương hiệu vàng Lý Tiểu Long, bộ phim còn đi tiên phong trong trào lưu quay ngoại cảnh ở châu Âu. |
|
Với biểu hiện xuất thần trong Mãnh long quá giang, Lý Tiểu Long tiếp tục thống trị phòng vé Đông Nam Á, đồng thời vinh dự được xướng tên tại Liên hoan phim Kim Mã với hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất. |
|
Gia đình hạnh phúc, sự nghiệp lại ngày càng thăng hoa, Lý Tiểu Long tự tin bắt tay thực hiện phim điện ảnh thứ tư mang tên Trò chơi tử thần. |
|
Nhưng không ai có thể ngờ rằng, đúng như với nhan đề của bộ phim, Trò chơi tử thần thực sự là cuộc đánh cược vận mệnh của siêu sao võ thuật họ Lý. Trong khi bộ phim vẫn chưa kịp hoàn thành thì Lý Tiểu Long đã vội vàng rời xa thế giới này. |
|
Cái chết bất ngờ và đầy bí ẩn của ông gây sốc cho nhiều người, và cũng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho vợ, con, những người bạn, đồng nghiệp và đông đảo fan hâm mộ của ông trên toàn thế giới. |
|
Chiều ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long cùng nhà sản xuất Trâu Văn Hoài đến nhà nữ diễn viên Đinh Bội (bạn diễn của Lý trong phim Trò chơi tử thần và cũng là bạn gái tin đồn của ông khi đó) để bàn bạc về kịch bản bộ phim. Khoảng 7h tối, Lý Tiểu Long cảm thấy đau đầu, Đinh Bội liền cho ông uống loại thuốc giảm đau bà vẫn thường sử dụng. Sau khi uống thuốc, Lý Tiểu Long nằm ngủ trong phòng ngủ của Đinh Bội. |
|
Đến 10h tối cùng ngày, Trâu Văn Hoài quay trở lại đánh thức Lý Tiểu Long mới phát hiện ông hôn mê sâu, tim đã ngừng đập. Bác sĩ gia đình của Đinh Bội có mặt ngay sau đó và xác nhận Lý Tiểu Long đã qua đời. Sau sự việc này, Đinh Bội bị toàn thể người dân Hong Kong nghi ngờ đầu độc sát hại bạn diễn. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào tố cáo bà. |
|
Xung quanh nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lý Tiểu Long, người ta từng đưa ra nhiều giả thuyết. Thậm chí có người còn cho rằng, Lý bị một người đàn ông lạ mặt điểm huyệt bất ngờ trên phim trường khiến ông chết dần chết mòn trong nội tạng và qua đời sau đó vài tháng. Tuy vậy, cho tới ngày hôm nay, câu chuyện này vẫn là một ẩn số không có lời giải đáp. |
|
Năm 1978, Trò chơi tử thần ra mắt khán giả tại Los Angeles, biến ngày 8/7 năm đó trở thành Ngày Lý Tiểu Long. Những phân đoạn Lý Tiểu Long còn đang dang dở được một nam diễn viên võ thuật Hàn Quốc đóng thế. |
|
Lý Tiểu Long đã rời xa những người thương yêu cùng các thế hệ người yêu điện ảnh hơn 40 năm nay. Nhưng những giá trị nghệ thuật ông cống hiến cho sự nghiệp võ thuật và điện ảnh Trung Quốc vẫn còn mãi với dòng thời gian. Lý Tiểu Long không phải diễn viên người Hoa đầu tiên xuất hiện trong phim Hollywood, nhưng lại là người có công trong việc khẳng định vị thế dân tộc Trung Hoa trên màn ảnh quốc tế, Với các thế hệ khán giả Hoa ngữ cũng như trên toàn thế giới, Lý Tiểu Long là huyền thoại sống mãi trong nỗi nhớ của mỗi người. |
Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long