Nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin bị lừa hàng nghìn USD. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels. |
Theo The New York Times, Jon Boulder gặp Amy Todd, nhân viên văn phòng, sống tại Canada, trên một website hẹn hò vào năm 2018. Không lâu sau đó, Jon thuyết phục người phụ nữ này đầu tư hàng nghìn USD vào công việc kinh doanh ngựa với lời hứa hẹn công việc này sẽ giúp cô ấy có thêm thu nhập khi làm mẹ đơn thân.
Trước lễ tình nhân, Trung tâm Chống gian lận ở Canada tung ra báo cáo, nhắc nhở nhiều phụ nữ về việc những kẻ lừa tình tại quốc gia này đang kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ sự nhẹ dạ cả tin của họ.
Lừa tình là một trong những phương thức lừa đảo phổ biến nhất tại quốc gia Bắc Mỹ này, chỉ đứng sau lừa đảo đầu tư.
"Thật nhục nhã. Tôi đã căm ghét bản thân mình trong nhiều năm vì một sai lầm lớn. Chỉ vì mù quáng với tình yêu đó, tôi đã khiến cuộc sống của mình bị ảnh hưởng nặng nề", Amy Todd nói với The New York Times.
Amy đã vay ngân hàng hơn 15.000 USD để đầu tư vào công việc kinh doanh của người tình. Sau này, cô mới vỡ lẽ đó là một công ty “ma”, thậm chí anh ta còn không phải tên Jon Boulder như từng giới thiệu.
Theo báo cáo, hơn 1.000 nạn nhân đã mất 27,8 triệu USD trong năm 2020, 1.391 nạn nhân bị chiếm đoạt 64,2 triệu USD trong năm 2021 chỉ vì bị lừa tình.
Jeff Horncastle, phát ngôn viên của Trung tâm Chống gian lận, cho biết nhiều nạn nhân cảm thấy xấu hổ khi báo cáo thiệt hại tài chính của họ, do đó số liệu mà trung tâm này có chưa thể thật đầy đủ.
Tên thật của kẻ lừa đảo mà Amy nhắc đến là Jon Mulder. Người đàn ông này đang đối mặt với hàng loạt các buộc liên quan đến việc gian lận. Từ một thập kỷ trước, Jon đã bị kết tội lừa đảo vì có hành vi chiếm đoạt tài sản của những người phụ nữ mà hắn hẹn hò qua mạng.
"Những kẻ này lợi dụng cảm xúc, sự tổn thương của người khác để tiếp cận", Jeff Horncastle khẳng định.
Cũng theo Jeff, chúng ta không nên chấp nhận yêu cầu kết bạn trên những nền tảng mạng xã hội và đặc biệt thận trọng trước những liên kết từ email lạ.
Những kẻ lừa đảo gần đây còn có xu hướng đặc biệt chú ý đến người cao tuổi. Theo CTV Calgary, một góa phụ ở Canada đã mất khoảng 800.000 USD, số tiền tiết kiệm cả đời của bà, trong một phi vụ lừa đảo tình cảm tinh vi.
"Điều quan trọng là chúng ta phải cảnh báo cho các thành viên trong gia đình hoặc người thân của mình về những chiêu trò gian lận mới xuất hiện hoặc bàn luận về việc những kẻ lừa đảo đang sử dụng kỹ thuật nào. Điều này có vẻ sẽ rắc rối và tốn một thời gian dài, nhưng đừng bỏ cuộc", Jeff nói thêm.
Matthew McGuire, chuyên gia phòng chống rửa tiền, nhà đồng sáng lập The AML Shop, một công ty tư vấn ở Toronto, cho biết trước đại dịch, hầu hết trường hợp gian lận, chiếm đoạt tài sản đều rất đơn giản. Nhưng Matthew nhận ra những kẻ lừa đảo hiện nay đang ngày càng tinh vi.
"Những kẻ này thao túng tâm lý nạn nhân, hướng dẫn họ nên nói gì tại quầy ngân hàng để rút ra một số tiền lớn nhưng không hề bị nghi ngờ", Matthew nói.
Chuyên gia cho rằng các ngân hàng cũng nên tìm hiểu và đưa ra lời cố vấn cho nhiều trường hợp có khả năng bị lừa đảo dựa vào các yêu cầu rút tiền, vay tiền bất thường.
Amy nhận ra cô ấy bị lừa quá muộn vì những thủ đoạn mà Jon cố tình sắp xếp. Hắn lái một chiếc xe tải với đầy ắp logo, mẫu áo, sản phẩm từ công ty "ảo", trong suốt quá trình trò chuyện anh ta luôn gửi những hình ảnh minh chứng cho công việc của mình, với các buổi thương lượng cùng đối tác, ký hợp đồng màu mỡ.
"Tôi không dám tin tưởng ai đó và bắt đầu hẹn hò trở lại. Thật kinh khủng", Amy nói.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.