Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những khe hở trong thẩm lậu ma túy qua đường hàng không

Kẻ buôn ma túy luôn nghĩ ra cách cất giấu hàng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như: trong va ly hai đáy; thùng loa; giày, đồ lưu niệm, thậm chí những chỗ kín trên cơ thể.

Liên tiếp những vụ vận chuyển ma túy trót lọt qua đường hàng không thời gian gần đây cho thấy những dấu hiệu rất đáng lo ngại về loại hình tội phạm này.

Tình hình này cũng phản ánh một số bất cập, tồn tại của lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn thẩm lậu ma túy qua cửa khẩu hàng không- những “khe hở trắng” để tội phạm lợi dụng, hoạt động.

Kiểm tra hành lý khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, từ năm 2006 đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu hàng không trong toàn quốc phát hiện, bắt giữ gần 60 vụ, hàng trăm đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua tuyến hàng không.

Các lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng 67,45kg heroin, 75,54kg và hơn 7.600 viên ma túy tổng hợp, 2,39kg cần sa.

Các cơ quan chức năng các nước như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Canada, Singapore…cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép số lượng lớn qua tuyến đường này.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày 14/10/2013, Li Chun Ying, 26 tuổi, quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với 2 chiếc va ly du lịch và chiếc túi xách tay.

Nhìn bề ngoài, Li Chun Ying không có gì khả nghi, nhưng đây là đối tượng trọng điểm nằm trong đường đây vận chuyển ma túy lớn mà Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập chuyên án theo dõi.

Qua kiểm tra, phát hiện dưới đáy một chiếc va ly lớn của Li Chun Ying với hai lớp khóa có chứa 2,2kg ma túy đá.

Với thủ đoạn này, Li Chun Ying đã đi qua trót lọt một số nước, nhưng khi về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì thủ đoạn tinh vi này đã bị các cán bộ Hải quan vạch trần.

Ngày 7/1, trong khi kiểm tra kỹ lô hàng được khai báo là ba lô du lịch và quần áo của khách hàng T.T.T gửi ra nước ngoài, Hải quan Tân Sơn Nhất phát hiện hơn 2kg tiền chất ma túy Pseudoephedrin được cất giấu tinh vi trong lô hàng thực phẩm.

Ước tính số tiền chất ma túy trên trị giá gần hai tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối tháng 11/2013, cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phát hiện và thu giữ 600 bánh heroin trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đến sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan).

Vụ việc này đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra xử lý.

Phạm tội có tổ chức, tính chuyên nghiệp cao

Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, đặc điểm của loại tội phạm trên tương đối đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp và chủ yếu hoạt động theo đường dây, ổ nhóm mang tính chuyên nghiệp; chất ma túy được vận chuyển, mua bán rất đa dạng từ heroin, cần sa cho đến cocain, ma túy tổng hợp.

Cách thức cất giấu ma túy vận chuyển qua đường hàng không của tội phạm rất tinh vi và thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, bắt giữ.

Theo phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng thực thi pháp luật, các đối tượng buôn bán ma túy luôn nghĩ ra cách cất giấu ma túy bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt dưới những hình thức khác nhau như: Giấu ma túy trong va ly hai đáy; trong thùng loa; trong giày, đồ lưu niệm; thậm chí ở những chỗ kín trên cơ thể.

Nguyên nhân gia tăng tội phạm ma túy qua đường hàng không có nhiều nhưng trước hết là do những bộ phận trực tiếp, nhất là chốt kiểm soát người và hàng hóa qua đường hàng không còn mỏng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi nhằm đối phó với các biện pháp kiểm soát của cơ quan chức năng.

Mặt khác, các phương tiện máy móc phục vụ việc kiểm tra, phát hiện ma túy còn thiếu và lạc hậu. Công tác phối hợp phòng, chống ma túy giữa các lực lượng chức năng liên quan mới chỉ thực hiện tại các sân bay lớn, sân bay quốc tế nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng phòng, chống ma túy cho các lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm soát người và hàng hóa tại các sân bay chưa được thường xuyên và chuyên sâu.

Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường hàng không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tăng cường nắm tình hình, bố trí lực lượng chuyên trách, có phương án đấu tranh hiệu quả với tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy trên tuyến đường biển, đường hàng không và tại các sân bay, cửa khẩu, cảng biển. Ngăn chặn có hiệu quả việc thẩm lậu ma túy vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác qua đường hàng không.

Biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất tình trạng thẩm lậu ma túy là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ đối tượng có nguy cơ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại hình tội phạm này.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Hải quan, An ninh hàng không, Đồn Công an cửa khẩu và những lực lượng có liên quan tại sân bay. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt tập trung vào những tuyến trọng điểm và Cảnh sát các nước có mạng lưới văn phòng đại diện tại Việt Nam; tăng cường kênh thông tin, đường dây nóng với Cảnh sát một số nước có hoạt động của tội phạm ma túy như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Thế Mạnh cho rằng: Song song với việc cung cấp, quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, chó nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ...cần nhanh chóng trang bị hệ thống camera quan sát, triển khai xây dựng hệ thống thông tin trước chuyến bay, kết nối mạng giữa các hãng hàng không với cơ quan Hải quan để thuận tiện cho công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ đấu tranh, phòng chống loại hình phạm tội này.

Từ kinh nghiệm hoạt động của mình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phải hoàn thiện hệ thống giám sát an ninh bằng camera tại Cảng hàng không quốc tế; nâng cao chất lượng máy soi chiếu an ninh đối với người, hành lý của hàng khách, không để lọt ma túy lên, xuống máy bay.

Tuy nhiên, ngoài những giải pháp trên, các lực lượng chức năng cần thường xuyên nắm bắt và cập nhập thông tin, dự báo kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường hàng không để rút kinh nghiệm, đồng thời đề ra giải pháp phù hợp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm ma túy tinh vi này.

http://vietnamplus.vn/nhung-khe-ho-trong-tham-lau-ma-tuy-qua-duong-hang-khong/242353.vnp

Theo TTXVN

Bạn có thể quan tâm