Hiện nay, mục tiêu hướng đến đầu tư cho trẻ em luôn nhận được sự quan tâm từ Chính phủ, toàn xã hội cũng như sự chung tay từ các tổ chức uy tín toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt đang tận dụng tối đa trợ lực này để kiếm “khoản lời”, biến thách thức thành cơ hội trên hành trình phát triển bền vững.
“Vé thông hành” tiếp cận thị trường toàn cầu
Thay vì chỉ số tài chính truyền thống, nhiều nhà đầu tư ngày càng coi trọng việc đánh giá tiêu chí ESG, đặc biệt doanh nghiệp hướng đến việc đầu tư cho trẻ em.
Bà Hà Đỗ - Trưởng bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững của KPMG Việt Nam và Campuchia - cho biết trong khoảng 2 năm trở lại đây, KPMG nhận được yêu cầu kiểm tra nhà cung cấp từ nhiều công ty đa quốc gia. Theo đó, nhà cung cấp Việt Nam không đáp ứng việc thực hành nguyên tắc về quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch VCCI - từng đánh giá: “Hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững phải mang lại lợi ích cho mọi người, bao gồm trẻ em”.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước chuyển dịch rõ nét trong “cuộc đua xanh” - từ tư duy, nhận thức đến hành động, thực hành kinh doanh bền vững, kinh doanh gắn với quyền trẻ em.
Diễn đàn doanh nghiệp do VCCI phối hợp với UNICEF tổ chức. Ảnh: VCCI. |
Tăng uy tín khi đồng hành cùng tổ chức toàn cầu chuyên trách về trẻ em
Với sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến trẻ em và là tổ chức uy tín toàn cầu, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hợp tác các doanh nghiệp để huy động nguồn lực, phát huy ưu thế của mỗi bên trong việc triển khai chương trình bền vững. Đồng thời, việc hợp tác cũng góp phần nâng tầm uy tín thương hiệu doanh nghiệp.
Tổ chức này đang thu hút cộng đồng doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, hướng đến tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em, thông qua bổ sung kiến thức, tăng cường năng lực, thực hiện cam kết được nêu trong “Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh”. Đơn cử việc hợp tác Công ty đa quốc gia Johnson & Johnson nhằm nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Hay, SME ký kết thỏa thuận hợp tác UNICEF trong việc tăng cường giáo dục âm nhạc cho trẻ em châu Á, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, đến năm 2025, các bên sẽ góp phần thúc đẩy giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Gần đây, UNICEF hợp tác chiến lược dài hạn với Masterise Group nhằm triển khai dự án “Innovation for children - Sáng kiến thay đổi tương lai”. Dự án hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em Việt Nam, thông qua giới thiệu và áp dụng các giải pháp công nghệ mới như thư viện số toàn cầu, nhà vệ sinh không phát thải…
Cô giáo Thạch Thị Via - giáo viên tiếng Khmer tại trường Tiểu học Long Phú C (Sóc Trăng) - hướng dẫn học sinh trải nghiệm dự án do UNICEF triển khai, với nguồn hỗ trợ từ Masterise Group. |
“Lồng ghép quyền trẻ em vào hoạt động kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là điều nên làm, mà còn là công cụ hiệu quả trong quá trình ra quyết định, cân nhắc đến yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Từ đó, các doanh nghiệp tạo ra tương lai bền vững hơn cho mọi người”, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - nhấn mạnh.
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. |
Lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp và đất nước
“Đầu tư ESG có tốn nhiều chi phí không?” - câu trả lời là “Có”. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hiểu chi phí dành cho phát triển bền vững là khoản đầu tư dài hạn, đặc biệt khi đầu tư vào trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Việc xây dựng quy trình, chuẩn mực, mô hình phục vụ cho chuyển đổi ESG có thể tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ cân bằng, dần dần lợi ích vượt xa chi phí. Khi chi phí bỏ ra mang lại lợi ích lớn, điều này đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Phân tích của Tập đoàn tài chính Fidelity (Mỹ) về các khoản đầu tư liên quan đến ESG trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 1970-2014 cho thấy hơn 50% các khoản đầu tư này cho hiệu suất tốt hơn các nhóm khác trên thị trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Công ty Morningstar (Mỹ) cũng cho thấy các quỹ đầu tư tập trung vào ESG có biến động thấp hơn, mang lại lợi nhuận đều đặn. Việc này góp phần giúp doanh nghiệp hút vốn đầu tư xanh - đang là xu hướng trên thế giới.
Hai năm qua, việc mức sinh giảm, không đạt mức sinh thay thế đang ảnh hưởng đến cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa. Do đó, doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong việc đầu tư vào sự phát triển của trẻ em.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 167/2022 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025. Quyết định này giúp doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh, đón đầu cơ hội hút dòng vốn xanh từ thế giới.
Có thể nói, việc thực hành ESG hiệu quả với tiêu chí liên quan đến trẻ em của các doanh nghiệp đang có sự chung tay của Chính phủ, xã hội cùng các tổ chức uy tín như UNICEF.