Những khoảnh khắc lịch sử của thời trang London
Thời trang không bó hẹp trong khuôn khổ catwalk. Thời trang đã trở thành một phần của cuộc sống, của xã hội, được tái hiện dưới những hình ảnh đi cùng năm tháng, bởi những nhiếp ảnh gia sinh nghề tử nghiệp.
1. Cecil Beaton: “Thời trang là những xu hướng không thể phá hủy” (năm 1941)
Thời trang và chiến tranh - dường như không ai tìm được yếu tố đồng điệu bất kỳ giữa hai khái niệm này vào những năm 40 của thế kỉ trước. Nhưng bằng óc sáng tạo đi trước thời đại của Beaton, ông đã tạo nên nền móng sơ khai của nhiếp ảnh thời trang phóng sự thời chiến. Những tấm hình nghệ thuật của ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới giới nhiếp ảnh thời bấy giờ. Chúng được biết đến như một cách để tưởng niệm những người dân London đang phải chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, chứ không phải nhằm khai thác những khổ đau, mất mát của họ.
Hình ảnh trên được ghi lại trước một tòa nhà sụp đổ trong phút chốc bởi bom đạn chiến tranh. Nhân vật chính trong ảnh đang nhìn vào sự đổ nát với ngụ ý rằng nơi đây rồi sẽ lại tái thiết.
2. James Barnor: "Cô gái tại quảng trường Trafalgar" - Tạp chí Drum (năm 1966)
Thời tiết đặc trưng của London thực sự không dễ chịu với mây và sương mù quanh năm, nhưng với nhiếp ảnh gia, đó lại là không gian tác nghiệp bay bổng. Bầu trời “trong suốt”, những tòa nhà gạch xám, những chú chim câu và cái “chất” thời trang độc đáo của những quý cô London đã thực sự là chủ đề cho nhiều bức ảnh huyền thoại của giới nhiếp ảnh.
Trở về quá khứ, năm 1966, có một tác phẩm nhiếp ảnh ra đời, dưới đôi mắt và óc quan sát chân thực của một người con xứ Ghanaian là James Barnor. "Bức ảnh được ví von như một sự chuyển giao sâu sắc của văn hóa", đó là lời nhận xét của Leanne Wierzba, giáo sư Học viện Thời trang London.
3. Juergen Teller: "Thuở ban đầu của Kate Moss" (năm 1995)
Bây giờ, cả nhiếp ảnh gia Juergen Teller và người mẫu Kate Moss đều đã trở thành những tên tuổi lẫy lừng trong ngành thời trang. Nhưng thời điểm năm 1995, khi Kate mới ở độ tuổi 19 thì dường như cũng ít người biết đến Juergen Teller. Tấm hình này được chụp tại một thị trấn nhỏ ngoại ô London, với ý tưởng ghi lại những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp của Kate. Giờ đây, sẽ khó có thể gặp lại một Kate Moss chất phác, như Oriole Cullen - phụ trách thời trang tại V&A nhận xét: “Đây là một tấm hình có giá trị thời gian bởi nó ghi lại khoảnh khắc của cả sự hào nhoáng và hồn nhiên”.
4. Terry Richardson: American “Harper’s Bazaar” (năm 2011)
Với phong cách rock-star, người mẫu Georgia May Jagger hoàn toàn không thể giống “người đàn bà thép” Margaret Thatcher. Nhưng dưới sự biến hóa của Terry Richardson, mọi chuyện đều có thể. Cùng thời điểm ra đời bộ phim The Iron Lady (2011), bức ảnh là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mang đậm dấu ấn cá nhân của ông: mẫu chính bóng bẩy, nổi bật cùng bối cảnh có tính chất điển hình. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ, bạn đọc sẽ nhận thấy chút gì đó không thật "Anh quốc" trong tấm hình, đặc biệt là con đường quá rộng và trơn láng.
Bức hình này thực chất được thực hiện tại New York, là một thành công trong sự nghiệp của Terry với khối óc “đạo diễn” tài tình nhằm thể hiện sự kính trọng dành cho “người đàn bà thép” Margaret Thatcher.
5. Tim Walker: "Malgosia Bela và những chiến binh" (năm 2009)
Với nét dị thường mang hơi hướng cổ kính, không thể nhầm lẫn những tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Anh Tim Walker với những tác phẩm khác. Bố trí một cách lộn xộn có dụng ý, hình ảnh những ma-nơ-canh trong trang phục bảo vệ truyền thống của xứ sở sương mù được tạo hình một cách nghệ thuật. Không giống những nhiếp ảnh gia sinh trưởng cùng thời tại khu vực ngoại thành London khác, Tim Walker có những góc nhìn về cuộc sống và ghi lại những khoảng khắc một cách mềm mại, lãng mạn hơn. Nhiều tấm hình của ông được lấy cảm hứng từ những kỉ niệm thời thơ ấu và được biến tấu bằng những chi tiết tưởng tượng mang màu sắc kì ảo.
6. Norman Parkinson: Tạp chí “Queen” (năm 1960)
Liệu Parkinson đã chờ sẵn khoảnh khoắc của chiếc xe buýt chạy vụt qua hay tất cả là một sự tình cờ? Cả hai!
Bóng dáng chiếc xe buýt hai tầng chạy qua được ghi lại với ngụ ý diễn tả sự luân chuyển không ngừng nghỉ của thời gian. Khi nhìn lại và đánh giá một chặng đường phát triển của những năm 60 tại London, giới thời trang nhận định đây là một thời kì của nhiều quyết định và trào lưu thiếu “suy nghĩ”. Đó là những motif chụp ảnh xưa cũ thực hiện theo lối mòn hay tại những studio chật chội mang phong cách giống nhau. Tại thời điểm đó, Parkinson đã mang đến những sản phẩm sáng tạo rất mới mẻ như mang tất cả ê-kip ra hè phố và thực hiện những tấm hình thời trang tại đây. Kết quả của sự sáng tạo này là những hình ảnh vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống và quan trọng hơn, truyền tải chân thực hơi thở của cuộc sống thường ngày tại London dưới góc nhìn thời trang.
7. Brian Duffy: "Marketing tại đường phố Cotton Board" (năm 1959)
Tại sao luôn phải chọn những bãi biển lộng gió hay những hòn đảo nhiệt đới làm bối cảnh cho những shot hình thời trang? Nhiều cảm hứng nghệ thuật bắt nguồn từ những dấu ấn cổ điển luôn cho ra đời những sản phẩm sáng tạo có tính thẩm mỹ cao. Duffy, một người mẫu chính gốc London nổi bật trong khu kiến trúc cổ tại tòa thành St Paul, mang đến một vẻ đẹp thật khác của thủ đô xứ sở sương mù. Như nhiếp ảnh gia nổi tiếng Robin Muir từng chia sẻ: “Trước khi những chiếc máy ảnh ra đời, không nhiều người biết tới London. Kể từ khi những chiếc máy ảnh trở nên phổ biến hơn, London là nơi ghi dấu của rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng”.
8. Nicole Nodland: American “Harper's Bazaar” (năm 2011)
Bức ảnh cho thấy một sự đa dạng trong văn hóa tại London, đến độ dường như mỗi góc phố, con đường tại đây đều hiện diện một dấu ấn riêng. Với những nhiếp ảnh gia, sự đa dạng trong văn hóa là một đề tài không giới hạn óc sáng tạo. Trong ảnh là mẫu chính, sang trọng, chỉn chu giữa những thanh niên đường phố phủi bụi, như Oriole Cullen nhận xét, người mẫu như một “sinh vật lạ” di chuyển vào khung hình một cách rất tự nhiên.
Theo Đẹp