Theo The Guardian, từ năm 2001 đến năm 2021, Nigeria đã mất 1,14 triệu ha rừng. Con số này đồng nghĩa với việc độ che phủ của thực vật giảm tới 11%, kéo theo 587 triệu tấn khí carbon dioxide. Trong ảnh, Egbontoluwa Marigi (61 tuổi), một người ở Nigeria, đang chèo khúc gỗ với không gian xung quanh là những thân cây đã gãy. |
Người dân ở đây vẫn thiếu ý thức bảo vệ rừng. Họ chặt cây để lấy gỗ, canh tác và phục vụ cuộc sống hàng ngày. Cách khai thác thiếu trách nhiệm này tạo áp lực lớn lên những khu rừng tự nhiên của Nigeria. |
Marigi nói vào thời cha mình, họ có thể chặt tới 15 cây ở một chỗ. Tuy nhiên, lúc này, việc nhìn thấy 2, 3 cây lớn cũng là niềm hạnh phúc với họ. "Vào thời cha tôi, chúng tôi có nhiều cây lớn. Tới thời tôi, chỉ còn toàn những cây nhỏ. Thậm chí, chúng tôi còn không để chúng lớn lên trước khi chặt", ông nói. |
Những lâm tặc như Marigi hiểu việc mất rừng ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống. Tuy nhiên, ông thừa nhận mình quan tâm nhiều hơn đến việc kiếm sống. Trong ảnh, những chiếc bè chở gỗ được chuyển đến bang Lagos trên đường sông ở Ipare. |
Tương tự Magiri, Komiyo Ikuejamoye cũng là lâm tặc. Anh chủ yếu dùng cưa máy để lấy gỗ. |
Sau khi chặt cây, anh sử dụng thước để đo chiều dài "món hàng". |
Một lâm tặc đang kéo gỗ xuyên qua khu rừng ngập nước. |
Bữa ăn đạm bạc với những đồ thu hoạch được trong rừng của một nhóm lâm tặc. |
Gỗ được xếp đầy trên sông trước khi các lâm tặc kéo chúng đem đi bán. |
"Chúng tôi không ngủ vào ban đêm để đảm bảo các bè gỗ không bị tách ra", Magiri nói. Lâm tặc 61 tuổi này cho biết họ thường dừng ở một số điểm để đón thêm các lâm tặc khác hoặc bạn bè của họ. Mỗi chiếc thuyền có thể kéo tới 1.000 chiếc bè. Và mỗi chiếc bè chứa được 30 khúc gỗ. |
"Căn nhà" trên sông của các lâm tặc. |
Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari, cho biết nước này đã thành lập quỹ ủy thác lâm nghiệp quốc gia để giúp tái tạo rừng. Tuy nhiên, theo tờ ABC, điều này dường như không đủ so với tốc độ biến mất của những khu rừng ở Nigeria. Bà Femi Obadun, Giám đốc quản lý rừng của Bộ nông nghiệp bang Ondo (Nigeria), nhấn mạnh: "Bảo vệ rừng là bảo vệ chính chúng ta. Phá rừng chẳng khác gì đang tiêu diệt loài người". |