Ở tuổi 69, nhà quay phim lừng danh Roger Deakins lần đầu tiên cầm trên tay tượng vàng Oscar cho Nhà quay phim xuất sắc sau 14 lần được đề cử trong hơn 20 năm qua.
|
Là một trong những nhà quay phim vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh, kể từ năm 1995 đến nay Roger Deakins từng nhận được 14 đề cử Oscar hạng mục Quay phim xuất sắc nhất. Phải đến năm 2018 với những thước phim xuất sắc trong tác phẩm Blade Runner 2049 mới có thể giúp nhà quay phim 68 tuổi bước lên sân khấu nhận giải. Dưới đây là những khung hình kinh điển trong các bộ phim mà ông đảm nhận vai trò kiến tạo hình ảnh.
|
|
Blade Runner 2049 (2017): "Tay máy vàng" ở Hollywood cuối cùng đã được Viện Hàn lâm vinh danh với giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp, sau hơn 20 năm của mình. Bộ phim được xem là kiệt tác về hình ảnh, âm thanh và kỹ xảo. Roger Deakins sử dụng những gam màu nóng, tương phản mạnh để thể hiện sự cô độc của các nhân vật đồng thời nói lên sự bức bí, ngột ngạt trong một thế giới ô nhiễm.
|
|
Mỗi khung hình trong phim đều là sự phối hợp giữa các sắc màu huyền ảo, các mảng ánh sáng tách biệt và đều chứa đựng những bố cục thiết kế mang tính mẫu mực. Đạo diễn Denis Villeneuve và nhà quay phim Roger Deakins đã thành công khi tạo ra được một thế giới vừa huyền ảo, quyến rũ, vừa quái đản và chứa đầy sự nguy hiểm.
|
|
Sicario (2015): Xuyên suốt Sicario, ống kính của Roger Deakins thu trọn được ánh sáng vàng tuy không chói nhưng gắt gỏng ở Mexico. Đặc biệt những khung cảnh ngược sáng, với những bóng đen cầm súng di chuyển của các đặc vụ FBI trên nền trời hoàng hôn đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả. Từng khung hình của phim đều bao trùm không khí khó chịu, khiến sự mệt mỏi trên gương mặt nhân vật hòa lẫn với sự khô hanh của thời tiết.
|
|
Prisioner (2013): Xuyên suốt bộ phim trinh thám này được bao trùm bởi không khí kịch tính, hồi hộp. Chính vì thế, mỗi khung hình của nhà quay phim 68 tuổi cũng đặc tả được những nét căng thẳng, lo sợ của các nhân vật. Deakins đã sử dụng khá nhiều cảnh quay cận đắt giá trong bộ phim này.
|
|
Skyfall (2012): Sự khác biệt của Skyfall so với các phần phim trước đến từ cảnh đấu súng tại Thượng Hải (Trung Quốc), với ánh sáng đèn led rực rỡ. Cảnh đánh nhau này được Deakins quay chỉ trong một khuôn hình và một cú máy (one-shot). Hình ảnh là yếu tố quan trọng đem lại thành công rực rỡ cho phần phim này.
|
|
True Grit (2010): Bộ phim hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của dòng phim về cao bồi miền viễn Tây. Màu phim vàng rực nóng bỏng cũng là cách để Deakins thể hiện không khí rực lửa của miền tây nước Mỹ. Những hình ảnh thường thấy trong phim miền Tây cổ - các vùng đất đai rộng lớn mênh mông, những thị trấn với các quán bar nhỏ, những chai rượu whiskey, những gã cao bồi cưỡi ngựa, bắn súng đều được thể hiện hoàn hảo qua ống kính của Roger Deakins.
|
|
A Serious Man (2009): Bối cảnh diễn ra ở thành phố Minnesota thuộc tiểu bang vùng Trung Tây của Mỹ vào năm 1967, quy mô hạn hẹp cùng những cảnh phim diễn ra trong trường đại học vẫn trở nên đặc biệt qua góc nhìn tài hoa của nhà quay phim này. Roger Deakins chuộng các góc máy sắc nét, chắc gọn với nhiều hình ảnh sống động ở cự ly khó ai nghĩ tới.
|
|
The Assassination of Jesse by the Coward Robert Ford (2007): Bộ phim tiểu sử về tên cướp nhà băng đình đám trong lịch sử Jesse James là bước đột phá mới của Roger Deakins trong những cảnh quay ngược sáng, cân bằng và tĩnh mịch. Màu sắc u tối cùng những mảng màu vàng vọt bởi ánh sáng mặt trời là những ấn tượng khó quên của khán giả dành cho bộ phim này.
|
|
No Country for Old Men (2007): Với bộ phim đoạt giải Oscar này, nhà quay phim Roger Deakins gần như tái hiện hoàn hảo cảnh quan heo hút của vùng nông thôn ở Texas. Ông thử thách bản thân trong những cảnh quay gần như không có ánh sáng. Nhà quay phim tài ba này đã xoay xở với những bóng đen của các nhân vật, với chút ánh sáng của buổi bình minh hay những bóng đèn leo lét. Đặc biệt ấn tượng là cảnh nhân vật của Josh Brolin chạy trốn.
|
|
The Man Who Wasn't There (2001): Bộ phim với tông màu đen trắng với cách chơi ánh sáng đỉnh cao. Dù lấy đề tài xã hội gai góc nhưng phim vẫn để lại ấn tượng về những khung hình lãng mạn, đậm chất nghệ thuật và đầy ám ảnh, phong cách đặc trưng của Roger Deakins.
|
|
Fargo (1996): Với bộ phim này, Roger Deakins thể hiện được tài năng sắp đặt của mình khi tạo ra những khung cảnh rất sống động dưới một lớp vỏ ảm đạm, khô khốc và lạnh lẽo trên nền tuyết trắng xoá. Từng khung hình của ông đều thể hiện được những bố cục chuẩn mực của điện ảnh. |
|
The Shawshank Redemption (1994): Đề cử Oscar đầu tiên mà Roger Deakins giành được là với kiệt tác The Shawshank Redemption. Bộ phim có điểm số cao nhất trên IMDb kể về hành trình vượt ngục đầy gian khổ của một người đàn ông bị tù oan. Roger Deakins đã đóng góp vào những khung hình thể hiện sự thống khổ, bần cùng, hy vọng xen lẫn với tuyệt vọng, phẫn nộ. Đặc biệt khung cảnh nhân vật chính Andy tắm mình dưới cơn mưa tự do khi thoát khỏi nhà tù thật sự tạo ra nhiều cảm xúc cho khán giả.
|
|
1984 (1984): Đến nay đây vẫn được là tác phẩm ưng ý nhất của Deakins. Những khung cảnh tĩnh lặng, màu sắc nhợt nhạt các khung hình góp phần khắc họa chân thực bầu không khí ảm đạm và bế tắc của một xã hội giả tưởng đầy khắc nghiệt. Đặc biệt, mỗi cảnh quay của phim không cần phải can thiệp hậu kỳ, kỹ xảo ngoài trừ việc sử dụng kỹ thuật tẩy màu được xem là vượt thời đại vào thời đại thập niên 1980.
|
khung hình đẹp của Roger Deakins
Oscar
Roger Deakins
Oscar 2018
quay phim xuất sắc