- Thưa Đại tá Lê Hồng Sơn, từ vụ phát hiện công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng cung ứng phần mềm nghe lén qua điện thoại di động, ông đánh giá thế nào về thực trạng tràn lan thiết bị nghe lén trên thị trường hiện nay và yêu cầu phòng, chống tội phạm lợi dụng công nghệ cao?
- Có thể nói tình trạng bán tràn lan các thiết bị nghe lén trên thị trường hiện nay là rất đáng báo động. Dễ dàng nhận biết điều này qua các trang web, ở nhiều dịch vụ bán các thiết bị số... và không khó khăn gì có thể mua để sở hữu một thiết bị nghe lén ngụy trang rất tinh vi, như cái bật lửa, ổ điện, cái bút, hay cài vào điện thoại... Sở dĩ còn tình trạng bán tràn lan thiết bị nghe lén như thế, về khách quan, khi có “cầu” thì ắt có “cung”, trong khi công nghệ số phát triển nhanh như vũ bão. Nhưng về chủ quan, rõ ràng là công tác quản lý của ta còn lỏng lẻo, để lộ những kẽ hở từ việc thiếu kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, đến việc thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa thật triệt để. Nguy hiểm ở chỗ, việc quản lý không tốt các thiết bị sao chụp, nghe lén... trên thị trường như hiện nay, sẽ là môi trường tốt cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội.
- Vậy việc cài đặt phần mềm nghe lén cho 14.000 thuê bao nguy hiểm như vậy mà vẫn trót lọt cho đến khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp khác cung ứng thiết bị nghe, chụp... lén nhưng chưa bị phát hiện. Ông bình luận gì trước thực tế này?
- Hiện có nhiều “cửa” để thực hiện việc rao, bán, trao đổi, quảng cáo các thiết bị số nói chung, phần mềm và các thiết bị sao chụp, quay, nghe lén nói riêng. Cụ thể như mạng Internet, các trang web, facebook... Điều đó nói lên thách thức đối với các nhà quản lý là cực lớn, cho dù là các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực. Đơn giản như tin nhắn rác, nhiều năm qua báo chí và cơ quan chức năng đấu tranh với nó nhưng đến nay cũng chưa triệt để. Với công an Hà Nội, Giám đốc luôn quan tâm, quán triệt phương châm chủ động phòng ngừa, tích cực bám sát địa bàn mục tiêu, nên có thể nói là chúng tôi chủ động phát hiện ngăn chặn việc làm sai trái trên của công ty Việt Hồng, cũng như các loại tội phạm khác liên quan đến sử dụng công nghệ cao, đồng thời tham mưu cho ngành chủ quản quản lý tốt hơn lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để trục lợi, hoặc hoạt động phạm tội còn tiếp diễn và ngày càng có xu hướng phức tạp, cần nâng cao cảnh giác đấu tranh.
Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Hà Nội (PC50). |
- Bằng kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với loại tội phạm này, nhất là qua khám phá vụ công ty Việt Hồng, ông có thể cho biết những kẽ hở cần khắc phục để phòng tránh loại tội phạm sử dụng công nghệ cao?
- Như tôi đã nói, hiện có nhiều trang web lạ mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được chặt chẽ; mạng Internet phát triển bên cạnh ưu điểm, chúng ta cũng chưa kiểm soát chặt nội dung; ngoài ra, còn facebook, điện thoại di động (phổ biến)... Nói dễ hiểu, công tác quản lý hiện nay của chúng ta phần nào đó chưa theo kịp tình hình. Yêu cầu đấu tranh cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương và cơ quan chức năng với nhau. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan ở nhiều địa phương hiện nay không phải lúc nào cũng thuận lợi, đó là chưa nói tới tình trạng thiếu những cán bộ chuyên sâu, có trình độ cao về công nghệ. Còn bọn tội phạm thì luôn tìm mọi cách lách luật và sử dụng tối đa ưu thế của công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, trục lợi. Vì thế, một mặt các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác nắm tình hình; tuyên truyền sâu rộng cho người dân và các doanh nghiệp hiểu về công nghệ cao và thủ đoạn lợi dụng của bọn tội phạm; đồng thời, quản lý chặt chẽ các thuê bao di động, tránh để tình trạng thuê bao bằng tên giả, sim rác tràn lan... Qua công tác trực tiếp đấu tranh, chúng tôi thấy việc xử lý loại tội phạm như nói trên cũng gặp không ít khó khăn, nhất là còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật, để trên cơ sở đó đưa ra chế tài phù hợp.
- Ông có lời khuyên gì với người dân để họ được hưởng giá trị của công nghệ cao mà thông tin cá nhân được tôn trọng, bảo vệ, qua đó góp phần cảnh giác tham gia phòng, ngừa tội phạm?
- Với người dân, thứ nhất là không nên vào các trang web lạ, trò chơi, các trang mạng với lời quảng cáo hấp dẫn, hot, bởi các đối tượng xấu luôn tìm cách cài đặt mã độc nghe lén hoặc chụp lén thông qua các loại trò chơi hay hoặc nội dung quảng cáo hấp dẫn đó, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Nếu mua điện thoại di động, thì tốt nhất nên mua ở các hãng có uy tín trên thị trường hoặc cần thiết nhờ người có hiểu biết công nghệ thông tin kiểm soát các phần truy cập vào máy. Những người dùng điện thoại smatphone Android, Ios, Windows phone,... thì chỉ nên tải các ứng dụng trên kho ứng dụng “chính chủ” của nền tảng đang sử dụng. Người dùng điện thoại trước hết phải tự bảo vệ mình, bằng cách không cho người lạ tùy tiện mượn mà không kiểm soát được việc cài đặt các phần mềm vào máy. Cách nhận biết điện thoại bị dính phần mềm cài đặt nghe lén, dễ thấy nhất là sụt pin nhanh, cước phí tăng đột biến và một số biểu hiện khác.
Đặc biệt lưu ý, trong cuộc sống khi nảy sinh nhu cầu nào đó cần tìm hiểu thông tin, thì người dân nên tin tưởng vào các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội tìm cách giải quyết tuân theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không nên tự ý mua các thiết bị nghe lén, chụp lén rồi tùy tiện sử dụng. Điều này dẫn tới hậu quả khôn lường, thậm chí phải trả giá bằng việc bị truy cứu trách nhiệm cả hình sự và dân sự.