Đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc có nên ăn mừng bàn thắng vào lưới đội bóng cũ hay không? Và nếu ăn mừng thì nên như thế nào để không bị chỉ trích?
Không ăn mừng trước đội bóng gọi bạn là huyền thoại
Lampard, người đã có 13 năm khoác áo Chelsea, từ chối ăn mừng khi ghi bàn vào lưới "The Blues" mùa 2014/15. Sau khi đánh bại Courtois, Lampard phun mưa rồi đập tay với đồng đội Man City nhưng mặt cúi gằm. Anh là huyền thoại của Chelsea, sở hữu 211 bàn thắng sau 648 trận khoác áo đội chủ sân Stamford Bridge, giành tất cả danh hiệu có thể ở nước Anh, kèm theo 1 Champions League và 1 Europa League.
Lampard từ chối ăn mừng sau khi ghi bàn vào lưới Chelsea. |
Henrik Larsson cũng là ví dụ điển hình. Sau khi ghi bàn vào lưới Celtic, anh chỉ cười nhẹ rồi quay trở về. 242 bàn sau 7 mùa giải thi đấu trong màu áo Celtic không cho phép Larsson ăn mừng cuồng nhiệt.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ như Van Persie, người đã có 8 mùa giải gắn bó với Arsenal. Sau khi ghi bàn hạ gục đội bóng cũ ở mùa 2013/14, Robin van Persie phấn khích chạy nước rút rồi trượt trên thảm cỏ tới tận cột cờ góc. Tuy nhiên, trường hợp của Van Persie có thể "du di", vì trước đó fan Arsenal đã coi tiền đạo người Hà Lan là kẻ phản bội.
Không ăn mừng bàn thắng làm tổn thương đội bóng cũ
Denis Law là huyền thoại vĩ đại của Man United. Ông được dựng tượng bên ngoài sân Old Trafford, bên cạnh hai huyền thoại Sir Bobby Charlton và George Best. Denis Law đã có 237 bàn thắng sau 11 năm khoác áo MU và đang xếp thứ 3 trong danh sách ghi bàn hay nhất mọi thời đại của Quỷ Đỏ.
Denis Law buồn bã khi ghi bàn vào lưới MU. |
Năm 1974, Denis Law (khi ấy đã trở về Man City dưỡng già) ghi bàn vào lưới Man United khiến đội bóng cũ rớt hạng. Huyền thoại MU cúi gằm mặt sau khi ghi bàn, ông cảm thấy suy sụp và xin ra ngoài sân ngay lập tức. Từ đó, Denis Law không còn chơi 1 trận đấu nào nữa. Law thông báo giải nghệ dù còn 1 năm hợp đồng với Man City.
“Tôi đã suy sụp. Tôi không muốn điều đó xảy ra chút nào. Tôi muốn chết quách đi cho rồi. Trái tim tôi vỡ tan sau khi ghi bàn thắng đó”, Denis Law bộc bạch trong sự hối hận.
Đơn giản hóa màn ăn mừng trước đội bóng làm bệ phóng
Trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Lyon, Benzema gắn bó với đội bóng Pháp 5 năm trước khi chuyển sang khoác áo Real Madrid hè 2009. Sau đó, Benzema 5 lần gặp lại đội bóng cũ ở Champions League và ghi 3 bàn thắng. Tuy nhiên, cả ba lần Benzema chỉ khẽ cười đáp lại sự chia vui của đồng đội.
Ronaldo từ chối ăn mừng khi ghi bàn vào lưới MU ở Champions League 2012/13. |
Một ví dụ khác là Ronaldo. Sau khi ghi bàn vào lưới cả Sporting Lisbon lẫn MU, Ronaldo đều từ chối ăn mừng. “Tôi sẽ không ăn mừng nếu ghi bàn vào lưới Man United. Tôi rất nhớ Ferguson và Man United. Với tôi nơi đó như một gia đình”, Ronaldo nói. “Tôi đã có 6 năm tuyệt vời ở đó. Nhờ Man United, tôi mới tới được Real Madrid. Không có họ, tôi đã không có ngày hôm nay”.
Ngược lại, màn chạy 100 mét rồi trượt trên mặt cỏ với tất cả sự phấn khích và thách thức của Emmanuel Adebayor, sau khi ghi bàn cho Man City vào lưới Arsenal được CĐV Pháo thủ bầu chọn là pha ăn mừng đáng ghét nhất lịch sử. Màn ăn mừng như hóa điên của Adebayor thực sự thiếu tôn trọng và thậm chí còn bị cho là cố tình khiêu khích. Tiền đạo người Togo nhận 1 thẻ vàng, hàng loạt "ngón tay thối" và bị CĐV Arsenal căm ghét như kẻ thù.
Tại Serie A mùa 2016/17, tiền đạo Luis Muriel của Sampdoria đã bị đồng đội cũ xông tới bóp cổ vì ăn mừng quá khích. Muriel thực hiện thành công cú đá 11 mét giúp Sampdoria hòa Udinese. Sau khi ghi bàn, Muriel chạy vào vùng cấm địa ăn mừng khiêu khích, dù anh đã gắn bó 5 năm với Udinese. Có khoảng 5 đồng đội cũ đã xông tới bóp cổ Muriel.
Luis Muriel bị đồng đội cũ bóp cổ. |
Có thể ăn mừng trước đội bóng kìm hãm sự nghiệp
Xu hướng từ chối ăn mừng bàn thắng bị lạm dụng với nhiều trường hợp khá miễn cưỡng thời gian qua. Shaun Wright-Phillips và Chelsea năm 2013 là một ví dụ. Chelsea chi nhiều tiền để mang về Wright-Phillips (21 triệu bảng), nhưng đây là bản hợp đồng thất bại trong những năm đầu chi tiêu điên cuồng dưới thời Roman Abramovich.
Wright-Phillips chỉ ở Chelsea 3 năm, gây thất vọng não nề và bị tống khứ. Lúc anh ghi bàn vào lưới Chelsea năm 2013, Wright-Phillips đã rời CLB áo xanh được 5 năm, điều đó khiến cho việc từ chối ăn mừng của anh không chỉ là sự học đòi vô lối, mà còn là sự coi thường với CĐV đội bóng đang trả lương cho anh, Queens Park Rangers.
Wright-Phillips không thèm nở nụ cười, bất chấp đồng đội bóp mồm và nói: "Cười lên đi nào". |
Một fan QPR bày tỏ sự tức giận: “Thật lố bịch khi anh ta làm như thế. Tôi có thể hiểu việc Cristiano Ronaldo không ăn mừng khi ghi bàn vào lưới Sporting, nhưng Wright-Phillips không ăn mừng một bàn thắng lớn cho CLB mới, bất chấp Chelsea đã hủy hoại sự nghiệp của anh ta".
Một trường hợp khác là của Adam Johnson năm 2013 khi anh ghi bàn cho Sunderland vào lưới đội bóng cũ Man City. Johnson đã không ăn mừng, dù 2 mùa chơi cho Man City cũng là 2 mùa giải đánh dấu sự nghiệp của anh bắt đầu tụt dốc không phanh, khi Johnson bị HLV Roberto Mancini đày ải trên ghế dự bị và cuối cùng bán đi không thương tiếc.