Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kỳ án sông Hồng

Vài năm trở lại đây Hà Nội năm nào cũng có ít nhất một vụ án nạn nhân bị đẩy xuống sông. Mỗi vụ lại là một hành trình tìm xác với những bất ngờ khó đoán.

Mười chín ngày trôi dạt

Nhiều thợ chuyên vớt xác trên sông Hồng chắc hẳn vẫn còn nhớ một ngày tháng 8/2012, có một người đàn ông khắc khổ tìm đến thuê để tìm xác con gái. Người đàn ông đó là Phạm Quốc Doanh (SN 1960, trú tại phường Hùng Vương, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) năn nỉ toán thợ cố gắng lên đường sớm kẻo thi thể con gái ông là chị Phạm Thị Thu Huyền (SN 1983) trôi ra biển mất. Chị Huyền đã bị chồng là Trần Văn Lâm (SN 1980, ở Lâm Thao, Phú Thọ) đẩy ngã xuống sông vào đúng sinh nhật lần thứ 29.

Hung thủ Trương Mạnh Quân, kẻ đã gói xác đồng nghiệp ném xuống cầu Vĩnh Tuy phi tang.

Cùng lúc với việc thuê người tìm xác con, gia đình ông Doanh cũng gửi đơn trình báo đến Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an Hà Nội.

Theo thông tin từ người nhà chị Huyền cung cấp, khoảng 19h ngày 7/8/2012 anh Trần Văn Lâm đến cơ quan của vợ tại phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) đón chị Huyền. Tại đây, giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn. Sau đó Lâm chở chị Huyền bằng xe máy Honda Lead màu đen theo hướng Hà Nội đi Vĩnh Phúc. Từ khi rời khỏi cơ quan, không ai liên lạc được với chị Huyền nữa. Còn Lâm đã "cắm" chiếc xe máy trên cho một đối tượng rồi bỏ trốn.

Chị Huyền và Lâm đã ly thân một thời gian và thuê trọ ở riêng. Tuy vậy Lâm vẫn thường xuyên đến nhà, đến cơ quan chị Huyền để đòi tiền, đòi nối lại tình cảm. Chị Huyền kiên quyết không đồng ý khiến Lâm vô cùng tức giận. Bạn bè, đồng nghiệp ở công ty và người thân chị Huyền không ít lần chứng kiến cảnh hai người mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí xô xát.

Lực lượng điều tra đã khẩn trương tổ chức xác minh các di biến động của đối tượng Lâm. Hành động của Lâm được phác họa: Sau khi rời khỏi cơ quan chị Huyền trên phố Nguyễn Lương Bằng, Lâm đã chở chị đi qua cầu Thăng Long, rồi chạy thẳng về Phú Thọ. Lâm cắm chiếc xe được 20 triệu đồng rồi đi tiếp về huyện Lâm Thao. Lâm gặp hai người bạn ở đây, cả nhóm rủ nhau đi rượu chè, rồi Lâm bắt xe về Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội - là chỗ trọ của chị Huyền).

Hôm sau Lâm vào Thanh Hóa, rồi lại vòng ngược ra làng Đình Thôn (Từ Liêm, Hà Nội - nơi hắn đang thuê nhà). Từ đây, Lâm đi thẳng vào TP.HCM chạy trốn. Qua việc theo dõi mọi di biến động của Lâm, cùng những lời khai của nhân chứng có mặt trên cầu Thăng Long thì giả thiết Lâm phi tang vợ xuống là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cơ quan Công an đã phối hợp cùng gia đình nạn nhân tiến hành thông báo truy tìm người mất tích, chú trọng những địa bàn có dòng sông Hồng chảy qua và phụ lưu như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh… Đồng thời thuê đội thuyền chài trên sông Hồng tìm xác chị Huyền. Gia đình nạn nhân cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng như khi chị Huyền rời công ty thì trên tay vẫn đeo một chiếc nhẫn vàng (nhẫn đính hôn).

Theo điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, nếu người dân đi qua cầu rồi nhìn xuống sông thì có cảm giác bình yên, hiền hòa và có vẻ "nhỏ nhoi"; nhưng nếu đặt chân xuống hai bên bờ sông, và lên thuyền thì mới thấy sự mênh mông, phức tạp của dòng sông. Hai bên bờ có rất nhiều lau lách, hàm ếch, và hàng trăm thùng, bao tải, xác súc vật, rác rưởi… trôi nổi khắp nơi.

Gần 20 ngày gia đình chị Huyền cùng cơ quan chức năng tổ chức đi tìm dọc theo sông Hồng qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, các nhánh sông ở Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng… mà vẫn bặt tăm. Một người chú của chị Huyền cho chúng tôi biết, trong thời gian ấy gia đình cũng phát hiện đến 6-7 xác người trôi nổi, tuy nhiên tất cả đều không phải là chị Huyền.

Thực nghiệm hiện trường vụ Trần Văn Lâm ném vợ xuống cầu Thăng Long.

Đồng thời với việc tìm thi thể chị Huyền, Cơ quan điều tra tiếp tục lần theo dấu vết Trần Văn Lâm. Sau khi trốn vào TP.HCM một thời gian, thấy êm êm Lâm mò trở ra Hà Nội. Không may cho hắn khi vừa tới bến xe Mỹ Đình đã bị Công an Hà Nội giăng lưới tóm gọn. Tại Cơ quan điều tra, Lâm đã khai khoảng 20 giờ ngày 7/8/2012, Lâm đưa chị Huyền đến khu vực cột 48-49 cầu Thăng Long rồi đẩy chị xuống sông.

Ngày 25/8/2012, một điều tra viên thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Bình thông báo cho Phòng CSHS Công an TP Hà Nội về việc họ vừa tìm thấy một thi thể nạn nhân nữ, có nhiều đặc điểm trùng với thông báo truy tìm của Công an Hà Nội gửi khoảng 2 tuần trước tại khu vực xã Đông Huy (Đông Hưng, Thái Bình). Đặc biệt, trên tay nạn nhân vẫn đeo chiếc nhẫn vàng có ký hiệu: "Lâm - trái tim - Huyền".

Đội Điều tra trọng án, PC45 đã cử cán bộ xuống xác minh. Sau khi giám định ADN thì Cơ quan điều tra khẳng định đó chính là chị Huyền. Như vậy là sau 19 ngày trôi dạt qua hàng trăm km, thi thể người vợ xấu số bị chồng đẩy xuống sông mới được tìm thấy, là chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi của gã chồng đốn mạt. Lâm sau đó đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình.

 

Nhân viên ngân hàng phi tang xác đồng nghiệp ở cầu Vĩnh Tuy

Thượng tá Ngô Văn Đáp (nguyên là điều tra viên cao cấp của Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS) vẫn còn nhớ rất rõ ngày mùng 4 Tết năm Tân Mão (tức ngày 6/2/2011).

Khoảng 8h cùng ngày, khi Thượng tá Đáp vừa bắt đầu ca trực thì có một nam thanh niên bộ dạng lấm lét, miệng lắp bắp xin được đầu thú. Ban đầu Thượng tá Đáp chỉ nghĩ anh ta có vấn đề về… thần kinh. Tuy nhiên, sau một vài câu hỏi nghiệp vụ, đồng thời anh lờ mờ nhận thấy đây có thể là một vụ trọng án.

Lãnh đạo Phòng CSHS lập tức chỉ đạo một tổ công tác tiến hành xác minh lời khai của người thanh niên. Anh ta là Trương Mạnh Quân (SN 1979, trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) công tác tại Cục Kho quỹ phát hành, thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong ngày hôm ấy, người thân của anh Nguyễn Hữu Tài (SN 1982, thường trú tại Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa từ trong Hà Tĩnh ra Hà Nội trình báo về việc anh Tài mất liên lạc từ ngày 28/1/2011 (tức ngày 25 tháng Chạp) đến thời điểm ấy vẫn chưa có thông tin gì. Họ cũng cho biết Tài từng có thời gian thuê trọ tại nhà Quân, song khi hỏi thăm về Tài thì Quân một mực chối là không biết.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo, các điều tra viên đã nhanh chóng làm rõ vụ án giết người, cướp tài sản do Quân gây ra đối với đồng nghiệp của mình. Quân khai có nợ Tài 500.000 đồng, và hẹn ngày 28/1/2011 sẽ trả. Chiều cùng ngày, Tài đến nhà Quân để đòi tiền. Tại đây xảy ra mâu thuẫn, Quân đã dùng xà cầy sát hại Tài.

Sợ việc bại lộ, Quân đã cho thi thể Tài vào hai bao tải, dùng dây đồng trục và dây điện buộc lại rồi mang ra cầu Vĩnh Tuy ném thẳng xuống sông Hồng. Trong mấy ngày Tết, Quân ăn không ngon, ngủ không yên; lúc nào hắn cũng bị ám ảnh về tội ác mình đã gây ra nên sau đó đã tới Cơ quan Công an đầu thú.

Cơ quan Công an cùng người thân nạn nhân Tài đã tiến hành rà soát trên sông Hồng, đoạn xung quanh cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Sau 3 ngày tìm kiếm cật lực, lục lọi từng khóm cây, từng hàm ếch, kiểm tra các loại bao bố, túi nilon trôi dạt song gia đình nạn nhân Tài vẫn chưa tìm thấy.

Một điều tra viên phân tích: thời điểm tháng một nước sông Hồng đang cạn, dòng chảy yếu nên nhiều khả năng thi thể của nạn nhân sẽ chưa thể trôi xa. Bên cạnh đó, thi thể khi bị thả trôi sông chỉ chìm khi bị mổ bụng, hoặc bị chân vịt của xà lan, tàu bè làm tổn thương vùng bụng (khả năng này là không cao). Ngoài ra, căn cứ vào việc khám nghiệm hiện trường cho thấy hung thủ đã nhét nạn nhân vào bao tải, trói theo tư thế ngồi thì gia đình có thể căn cứ vào đó để rà soát những bao, túi có hình thẳng đứng.

Gần trưa ngày 9/2/2011, một đội thuyền chài đã phát hiện một bao tải đang trôi lập lờ trên đoạn sông giữa cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy. Kiểm tra thì đúng là thi thể của nạn nhân. Hung thủ Trương Mạnh Quân sau đó cũng phải nhận án tử hình.

 

Vụ án Cát Tường: Trường hợp tìm được xương vẫn xác định được nguyên nhân tử vong của nạn nhân

Từ khi phát hiện vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi ném xác xuống sông Hồng phi tang đến nay, các lực lượng Công an Hà Nội đã rất nỗ lực, tích cực trong việc tìm kiếm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền phục vụ công tác điều tra.

Sáng 15/11, lực lượng chức năng đã tiếp tục tiến hành công tác tìm thi thể nạn nhân tại chân cầu Thanh Trì. Đây là thời điểm nước sông Hồng cạn ở mức thấp thuận tiện cho đội thợ lặn làm việc và áp dụng các biện pháp tìm kiếm. Ở khu vực trên cạn, sáng 20/11, gia đình nạn nhân đã cho người đi bộ dọc hai bên bờ sông Hồng từ cầu Thanh Trì đến bến sông ở ven làng gốm Bát Tràng và tìm ở các bờ bãi gần chân cầu nhưng cũng không có kết quả gì.

Trước đó, khoảng 10h ngày 14/11, sau khi người dân phát hiện xác một phụ nữ mặc quần đen, đi giày thể thao nổi ở bến đò Văn Đức, Gia Lâm, có thông tin cho rằng đó là xác của chị Lê Thị Thanh Huyền, Cơ quan Công an đã khẩn trương tiến hành vớt xác, khám nghiệm điều tra.

Cơ quan Công an làm rõ nạn nhân nữ trên ở phường Bạch Đằng, mất tích khoảng 5h sáng khi đi tập thể dục buổi sáng. Trong túi quần nạn nhân thu được chứng minh nhân dân. Người nhà nạn nhân cũng đã đến nhận diện và đưa xác về mai táng.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, việc chưa tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền là do nhiều nguyên nhân khách quan.

Đối với các nạn nhân chết ngạt nước, tùy từng trường hợp mà thời gian nổi xác khác nhau. Có người từ 3-5 ngày, một tuần, hoặc có người tới 25 ngày mới nổi xác. Như trường hợp nạn nhân nữ phát hiện ở bến Văn Đức, Gia Lâm nêu trên thì thời gian nổi xác rất nhanh. Nạn nhân mất tích lúc 5 giờ sáng thì đến 10 giờ cùng ngày đã nổi xác. Và xác nạn nhân cũng trôi rất nhanh, từ địa điểm mất tích là bờ sông thuộc khu vực phường Bạch Đằng, sau 5 tiếng đã trôi đến bến Văn Đức, Gia Lâm, cách nơi mất tích nhiều cây số.

Đặt giả thiết với trường hợp nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị đối tượng Nguyễn Mạnh Tường ném xác xuống sông vào đêm 19/10, đến ngày 22/10 mới phát hiện. Nếu xác nạn nhân Huyền nổi sớm và trôi nhanh, không gặp vật cản thì trong thời gian 3 ngày như vậy, rất có thể xác đã trôi đến khu vực cửa sông, cửa biển, hoặc có thể dạt vào khu vực ven sông nào đó mà chưa phát hiện ra được.

Đại tá Nguyễn Văn Quyền cũng phân tích: thông thường thời gian xác nổi trong vòng 3-4 ngày. Đây là thời kỳ xác phân hủy mạnh. Sau khi phân hủy phần da thịt, nội tạng, phần xương tiếp tục chìm xuống lòng sông hoặc bị sóng đánh trôi dạt vào các khu vực bãi bồi đang ngập nước. Trường hợp sau này nếu tìm được xương, căn cứ vào việc giám định xương, cơ quan giám định có thể xác định được 3 khả năng: nạn nhân chết trên cạn hay dưới nước? Giới tính của nạn nhân? Xác định chính xác nạn nhân có phải là chị Lê Thanh Huyền hay không thông qua giám định ADN.

Theo một số người dân sống ở khu vực gần cầu Thanh Trì, để kiểm tra độ quan sát của thợ lặn khi tiến hành lặn mò xác nạn nhân Huyền tại khu vực chân cầu Thanh Trì, Cơ quan Công an đã thực hiện thí nghiệm, thả một con lợn đã chết có trọng lượng khoảng 50kg có gắn camera từ trên cầu Thanh Trì xuống sông, địa điểm đối tượng Nguyễn Mạnh Tường khai đã vứt xác nạn nhân.

Kết quả thí nghiệm trên cho thấy mặc dù nước sông mùa này đang đục nhưng vẫn đảm bảo độ quan sát của thợ lặn. Như vậy, khả năng xác chị Huyền không còn ở khu vực chân cầu Thanh Trì.

Trước thông tin cho rằng xác nạn nhân Huyền trôi ngược dòng lên khu vực Việt Trì, Đại tá Nguyễn Văn Quyền cho rằng đó chỉ là tin đồn không có căn cứ khoa học, không có chuyện sông Hồng chảy ngược dòng.

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm