Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kỳ kiến tập hãi hùng: Các cuộc đối thoại như 'dọa dẫm' sinh viên

Nỗi bức xúc về kỳ kiến tập của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang (TKTT) của ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là như nhau.

Sinh viên (SV) ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Họ gọi điện thoại báo cáo với giáo viên, thầy cô chỉ ừ ào. Đến lúc gặp nhóm PV, tức là chỉ còn vài ngày nữa thì hết kỳ thực tập, vẫn chưa có một buổi trao đổi nào, ngoài việc cải thiện một chút đồ ăn thức uống do kết quả của việc “đấu tranh” của nhóm SV.

Còn SV và gia đình SV ĐH Công nghiệp Hà Nội đã gửi đơn thư thẳng đến hiệu trưởng; nhà trường, lãnh đạo khoa, các cán bộ trong cuộc đã buộc phải tổ chức đối thoại.

sinh vien kien tap anh 1
Xưởng may, nơi các sinh viên kiến tập. Ảnh: Lao Động.

Làm đến 9 giờ tối, làm thêm vài tiếng đồng hồ: 'Ăn thua gì!'

Có hay không khuất tất trong việc đưa SV đi kiến tập 3 tháng thay vì chỉ đi một tháng như nhiều SV đã bức xúc viết vào trong đơn kiến nghị? Nhà trường vội vàng đưa ra quyết định đi thực tập do thầy phó hiệu trưởng ký, là kiến tập 3 tháng.

Tuy nhiên, ngay tại cuộc đối thoại, nhiều SV tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của quyết định này. Họ lục vấn về số của quyết định, về sự chữa xóa bằng bút mực lên văn bản giấy in có chữ ký và triện đỏ.

Sinh viên cho rằng họ có lý, khi lãnh đạo lớp và giáo viên đều đã đưa cho các SV một tờ giấy in chính thức, có kế hoạch kiến tập dài khoảng một tháng. Chỉ khi SV kiến nghị, họ mới biết được là có quyết định của ban giám hiệu về việc kiến tập 3 tháng.

SV bức xúc cách giải thích của cán bộ giáo viên đã bộc lộ nhiều điều khó hiểu, bất cập, thậm chí mờ ám. Ví dụ, việc thầy giáo phụ trách việc kiến tập là ông Nguyễn Gia Linh bảo lớp trưởng ký thay các bạn (giả mạo chữ ký của nhiều người) vào đơn tự nguyện đi kiến tập 3 tháng. Lớp trưởng thừa nhận thầy bảo cứ ký thay các bạn còn lại.

Trong cuộc đối chất với SV, cô giáo Nguyễn Thị Sinh - Phó khoa Công nghệ May và Thiết kế Thời trang (ĐH Công nghiệp Hà Nội) - cũng thừa nhận “lỗi của thầy Linh”, “cách làm của thầy Linh chưa đúng”. Cô còn nhấn mạnh: SV nào không ký vào đó thì khoa sẽ đình chỉ không cho đi kiến tập.

Vậy là, đã rõ ràng, cái việc đi kiến tập ở xưởng may gây nhiều bức xúc kia là thứ “ép uổng” chứ không tự nguyện. Thêm nữa, sự thật về việc giả mạo chữ ký cũng được chính SV Hảo - lớp trưởng - thừa nhận trong cuộc họp với lãnh đạo khoa, công ty và đông đảo SV. Đó là cái sai thứ nhất.

Cái sai thứ hai, cô Sinh giải thích trong băng ghi âm được thu từ cuộc họp kể trên đã làm “lòi” ra một sự thật đáng buồn hơn. Cô giáo Sinh giải thích: Việc nhà trường sắp xếp SV kiến tập 12 tuần (thay vì khoảng một nửa thời gian đó, tức là 5-6 tuần), là bởi vì cái “kiến nghị” của công ty may. Cách giải thích này rất nực cười.

Ai cũng biết, doanh nghiệp họ muốn SV về thực tập, lao động cật lực ngày đêm, làm ra sản phẩm... càng nhiều càng tốt. Thử hỏi, nếu DN muốn SV phải lao động kiến tập hơn 8-12 tiếng/ngày ở đó trong suốt 12 tháng, thì nhà trường cũng đồng ý ư? Xin hỏi, sản phẩm mà SV lao động cật lực để làm ra kia sẽ đem lại lợi ích cho ai?

Không chỉ cô giáo phó khoa, cả thầy Gia Linh - người phụ trách việc kiến tập - trong băng ghi âm qua điện thoại mà SV cung cấp luôn yêu cầu SV phải đi làm, ngay cả khi các bạn có bệnh án về tình trạng sức khỏe nguy hiểm.

- Sinh viên: “... Em đi khám bệnh em lấy thuốc, em thấy đỡ rồi ạ. Em bị loét hang vị dạ dày”.

- Thầy Linh: “Ừ, thầy bảo này, làm ở dưới công ty là người ta đang thiếu công nhân, thiếu người làm, kiểu bọn em dưới đấy là hỗ trợ người ta thêm. Giờ bọn em mới làm như thế mà bọn em bảo ép (lao động), thầy tưởng là làm nhiều lắm. Làm đến 6h tối, ăn thua gì, các lớp khác người ta đi làm còn đến 8 giờ, 9 giờ tối cơ. Em làm có đến 6h thôi thì ăn thua gì”.

Tiếp đó là băng ghi âm các cuộc thầy giáo thuyết phục SV phải đi tăng ca, làm cả chủ nhật, dù ốm đau bệnh tật, dù cả tuần vất vả. SV bảo em kiệt sức cần nghỉ, thầy vẫn năn nỉ: “Bây giờ người ta tăng ca, người ta gấp, người ta vét hàng thì người ta mới nhờ mình (làm cả chủ nhật), các khóa trước cũng thế em hỏi mà xem”.

Câu hỏi của chúng tôi: Vì sao cán bộ giáo viên luôn “đồng hành” cùng doanh nghiệp ép SV làm kiệt sức trong kỳ kiến tập như vậy?

Có thể thấy, SV bị thả vào các khu kiến tập, thực tập, ở các công xưởng kiểu này rất nhẫn tâm. Xin hỏi, SV thực tập kiến tập, là người được đào tạo thiết kế thời trang, chứ họ có phải công nhân đứng máy đâu.

Thử hỏi, nếu con trai, con gái 20-21 tuổi của quý vị, đang học đại học mà bị đối xử như vậy, thậm chí nhập viện chưa yên, nhập viện xong thì “lưu ban” luôn vì thiếu sức chịu đựng trong kiến tập như thế, quý vị có chịu đựng được không? Đừng nói là cơ sở còn vất vả, người ta chịu được mình cũng phải chịu được. Câu chuyện ở đây hoàn toàn khác.

Ngụy biện và liên tục 'phủ đầu'

Trong cuộc họp kể trên, mở đầu, cô giáo Sinh - Phó khoa - còn kể một ví dụ cách đây 7 năm, sinh viên cũng “đình công” (theo cách gọi của ông hiệu phó bấy giờ) tương tự như hiện nay, và nhà trường đã định kỷ luật tất cả luôn. May mà sau này các bạn SV “tỉnh ngộ” xin lỗi thầy cô. Có lẽ, cô giáo Sinh kể chuyện “ôn cố tri tân” như thế để phủ đầu các bạn SV? Song, không vì thế mà không khí chất vấn chùng xuống.

SV nói gì là cô giáo Sinh “phản pháo” với sự áp đảo, với giọng điệu vô cùng gay gắt. SV tên Hảo - lớp trưởng - thắc mắc là em rất buồn vì “cả tháng nay em chỉ làm công việc nhặt chỉ, nhồi bông”, chả liên quan gì đến ngành TKTT mà em học đã 3 năm qua.

Cô Sinh mắng át đi: “Các bạn đừng nghĩ thầy cô đưa các bạn xuống đây là đày đọa các bạn, bắt làm cái nọ cái kia”. Rồi cô đọc cái quyết định của nhà trường cho SV đi kiến tập 3 tháng, còn cái thông tin về kiến tập hơn một tháng kia là lỗi do thầy cô phổ biến chưa chuẩn.

“Các bạn đừng nghĩ doanh nghiệp họ lợi dụng các bạn, thế (nếu họ lợi dụng các bạn) thì khi các em đi (về), doanh nghiệp họ đóng cửa à?”.

Lý luận này chưa chuẩn ở chỗ: DN họ cần lợi nhuận, càng nhiều người làm không công càng tốt. Nói như cô giáo Sinh, có lẽ chỉ là cách ngụy biện.

Trích băng ghi âm cô Sinh: “Cho nên trong cái đơn các bạn thắc mắc là tại sao (lẽ ra) em chỉ phải làm 270 giờ thôi mà lên tận hơn 700 giờ, thì tôi thấy cái kiến nghị này nó hơi ngược. Vì người được học là họ hỏi tại sao e đóng tiền 5 tín chỉ mà chỉ được học 3 tín chỉ chứ không ai đòi hỏi ngược lại”.

- Cô Sinh: “Tôi nhắc đi nhắc lại sinh viên không được phép hỏi về tiền lương. Chúng ta đi thực tập là lấy kinh nghiệm, tất nhiên là sinh viên làm thì công ty sẽ có hỗ trợ. Tôi có hỏi anh Dũng (lãnh đạo công ty) là ăn giữa 2 ca được nghỉ một tiếng (vừa ăn vừa nghỉ) là đủ rồi. Tôi có hỏi các bạn thì các bạn bảo là các chị quản lý bảo ăn nhanh lên còn dọn. Nếu là cô, cô chỉ ăn 5 phút thôi (...)”.

- SV: Bọn em làm ca 1 thì 11h30 bắt đầu đi ăn. Trong khoảng thời gian bọn em ăn thì có bạn bị đau dạ dày. Bọn em chỉ ăn đến 11h40 là bọn em phải đi (khỏi bàn ăn). Có một số bạn bị dạ dày nên ko ăn nhanh được nhưng sau 10 phút vẫn phải đứng dậy cho các bạn khác ăn”.

- Cô Sinh: “Tôi đảm bảo không có ai bắt các em đứng dậy cả. Đề nghị lãnh đạo công ty điều chỉnh. Cái này cô nghĩ các em không cần phải viết đơn mà kiến nghị với quản lý là bác ơi cháu bị đau dạ dày không ăn nhanh được. Sinh viên phải năng động lên (chứ chuyện ấy) không có gì to tát”.

Với thái độ “đơn giản hóa” mọi việc như vậy, cô giáo này dường như không có ý định hỗ trợ cho SV bớt khổ, mà chỉ ghi nhận hoặc bảo các em cố chịu đựng.

Ví dụ, SV bức xúc phản ánh công việc quá vất vả, họ kiệt sức và ngất. Cô Sinh đổ lỗi cho SV, có người nhịn ăn sáng lấy tiền mua điện thoại”. Và cô ra lệnh có vẻ “ưu tiên”: “Có trường hợp bị ngất nhiều quá, chúng tôi không bắt thực tập lại mà chỉ làm bù”.

SV kêu trời, cực lực công kích việc bắt ngồi một chỗ mấy chục ngày làm những việc đơn giản, chứ không được quan sát, nghiên cứu để hoàn thành báo cáo kiến tập như yêu cầu được, cô Sinh chống chế: “Các bạn có thể tham quan khi đi qua chuyền hay đi ăn cơm thì (tranh thủ) nhìn người ta (làm ở dọc lối đi) cũng có thể viết được rồi. Phần nào các bạn thực tập (trực tiếp làm ở xưởng) thì các bạn viết không thì tham khảo”.

Sinh viên ngành Thiết kế Thời trang: Những kỳ kiến tập hãi hùng!

Suốt 3 tháng, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương ngồi mỗi ngày 9-12 tiếng ở máy may rồi bàn nhồi bông sản phẩm, trong các công xưởng xập xệ.

http://laodong.com.vn/phong-su/nhung-ky-kien-tap-hai-hung-cac-cuoc-doi-thoai-nhu-doa-dam-sinh-vien-ky-2-686335.bld

Theo Tâm Anh - Mạnh Ninh / Lao Động

Bạn có thể quan tâm