Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lầm tưởng về căn bệnh đứng thứ 2 về nguy cơ gây tử vong ở phụ nữ

Ung thư cổ tử cung cướp đi sinh mạng của nhiều phụ nữ và có dấu hiệu trẻ hóa. Hiểu rõ phương pháp tầm soát, phát hiện sớm là cách hạn chế nguy cơ tử vong do căn bệnh này.

Mỗi 2 phút, thế giới có một phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung (UTCTC). Tại Việt Nam, hơn 5.000 bệnh nhân mới mắc UTCTC và một nửa trong số đó tử vong mỗi năm. Những con số đáng giật mình và suy nghĩ này được đưa ra trong chương trìnhTọa đàm trực tuyến về tầm soát UTCTC sớm tại bệnh viện Từ Dũ ngày 20/3 vừa qua.

Những tháng gần đây, chị H.A 30 tuổi (Cẩm Phả, Quảng Ninh) thấy biểu hiện mỏi mệt và thỉnh thoảng hơi đau vùng hố chậu. Cảm giác đau xuất hiện rõ rệt hơn khi “gần gũi” chồng mới cưới; cộng thêm chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không đều đặn như trước. Đem những lo âu tâm sự với người thân, chị được tư vấn nên đi khám phụ khoa.

Video: Ung thư cổ tử cung Nhiều phụ nữ lầm tưởng về cách phòng ngừa và chữa trị ung thư cổ tử cung dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ban đầu, H.A nghĩ đây là biểu hiện của việc có bầu lần đầu và không nghiêm trọng, bởi cách đây hơn một năm, chị đã tầm soát UTCTC với kết quả âm tính. Nhưng lần khám này, tầm soát bằng ThinPrep Pap Test và Aptima HPV đã cho ra kết quả khác khiến chị H.A chết lặng: Chị mắc UTCTC chớm sang giai đoạn 2.

May mắn hơn, chị Phương T. 38 tuổi (quận 7, TP.HCM) chia sẻ câu chuyện bất ngờ khác sau khi đi tầm soát và phát hiện mắc UTCTC. “Đất trời như sụp đổ, lo cho mình ít mà cho 2 đứa nhỏ mới học cấp 1 thì nhiều. Mình là mẹ đơn thân, bố các cháu đã sang nước ngoài lập gia đình mới, nếu có mệnh hệ gì không biết ai sẽ chăm lo cho các cháu”, chị T. bộc bạch.

Được người bạn làm trong ngành y động viên đi kiểm tra lại bằng phương pháp ThinPrep Pap Test, T. không ngờ chị âm tính với UTCTC, không phải dương tính khi xét nghiệm bằng Pap Smear truyền thống trước đó.

Đây là hai trong số rất nhiều “lầm tưởng” và câu chuyện ngang trái về căn bệnh đang cướp đi cuộc sống của 7 phụ nữ Việt Nam mỗi ngày. Nhắc đến ung thư, ai cũng nghĩ đến căn bệnh vô phương cứu chữa. Thế nhưng, “Ung thư cổ tử cung không phải án tử”, ThS. BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khẳng định tại buổi tọa đàm.

Ung thu co tu cung anh 1
Bác sĩ Lê Quang Thanh và bác sĩ Hồ Thị Hoa chia sẻ tại chương trình.

Như các loại ung thư khác, thời gian sống của bệnh nhân UTCTC phụ thuộc vào phương pháp điều trị và sự thích ứng của mỗi người. Quan trọng hơn, giai đoạn phát hiện quyết định gần như khả năng sống của người bệnh. Theo ông Lê Quang Thanh, nếu phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư, gần như sẽ bảo tồn 100% tỷ lệ sống còn. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ bệnh nhân sống được trên 5 năm chỉ còn 15%.

Điều đáng buồn, căn bệnh này không có nhiều triệu chứng đặc hiệu để kịp thời phát hiện và chữa trị. Khi có những dấu hiệu đầu tiên, đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn muộn và rất khó điều trị hoặc vô phương cứu chữa. Nhưng tin vui đi kèm theo là UTCTC nằm trong số hiếm có thể phát hiện sớm bằng tầm soát.

Hiện nay, các cơ sở y tế có một số phương pháp tầm soát chính. Với phương pháp truyền thống, các bác sĩ sẽ sử dụng que gỗ để lấy mẫu từ cổ tử cung. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này không cao, dẫn đến nhiều trường hợp âm tính giả. Cứ 10 người thì có đến 5-6 người sẽ không được phát hiện.

Ung thu co tu cung anh 2
Nhiều phụ nữ lầm tưởng về UTCTC.

Vài năm trở lại đây, kỹ thuật đã phát triển hơn, các bệnh viện ứng dụng phương pháp mới Pap nhúng ThinPrep Pap Test. Phương pháp này xử lý hoàn toàn tự động, loại bỏ chất nhày và máu giúp bác sĩ giải phẫu bệnh, phát hiện tốt hơn các tế bào bị biến đổi nên độ chính xác gần như tuyệt đối.

Nhưng bác sĩ lưu ý rằng, nếu chỉ làm xét nghiệm tế bào sẽ không đầy đủ cơ sở để chẩn đoán và loại trừ bệnh. Bởi 3 type HPV 16, 18, 45 được chứng minh có liên quan đến 94% các ca nhiễm virus HPV tuýp 16, 18, 45 mới - một trong những nguyên nhân lớn nhất gây UTCTC, đặc biệt ung thư tế bào biểu mô tuyến - loại UTCTC nguy hiểm và rất khó phát hiện, đang có xu hướng trẻ hóa.

Theo số liệu từ nghiên cứu Quest thực hiện trên hơn 8,6 triệu phụ nữ đã kết luận: 18,6% số ca ung thư sẽ bị bỏ sót nếu chỉ tầm soát bằng xét nghiệm HPV và 12,2% số ca ung thư sẽ bị bỏ sót nếu chỉ tầm soát bằng Pap. Vì thế, các chuyên gia sản phụ khoa, để tầm soát toàn diện nhất bên cạnh xét nghiệm ThinPrep Pap Test, phụ nữ nên đồng thời xét nghiệm cả Aptima HPV. Khi bộ đôi cho kết quả âm tính thì 3-5 năm sau, chị em mới cần đi tầm soát lại.

UTCTC là do di truyền, cứ tiêm vaccine sẽ yên tâm, cần tầm soát tế bào UTCTC 6 tháng/lần hay chỉ có phụ nữ trên 30 tuổi mới cần tầm soát ung thư… là nhiều lầm tưởng phụ nữ nêu ra trong buổi tọa đàm.

Thực tế, việc tiêm phòng vắc xin không ngừa được tất cả chủng HPV (HPV có hàng trăm chủng, hiện chỉ có vắc xin phòng ngừa được 2 hoặc 4 chủng HPV nguy cơ cao). Do vậy, khuyến cáo của các tổ chức y tế là những phụ nữ đã tiêm ngừa HPV thì vẫn phải tuân thủ tầm soát UTCTC như phụ nữ không có chủng ngừa. Phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát UTCTC định kỳ để chăm sóc sức khỏe của mình.

Ngoài ra, phụ nữ không cần đi tầm soát ung thư quá nhiều, chỉ cần 1-3 năm/lần là đủ, quan trọng là chọn phương pháp tầm soát cho kết quả chính xác nhất. Trước khi khám phụ khoa để làm xét nghiệm tầm soát UTCTC, phụ nữ cần nhớ những điều sau đây để có kết quả chính xác nhất: Tránh chu kỳ kinh nguyệt; tránh đặt thuốc âm đạo, thụt rửa âm đạo 48 giờ trước khi lấy mẫu; kiêng quan hệ vợ chồng vào đêm hôm trước; uống đủ nước (vì bạn có thể được bác sỹ yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu).

Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm