Phát triển trí tuệ nhân tạo là ước mơ của nhân loại và từng nhiều lần được Hollywood khai thác dưới các góc độ khác nhau. Trong đó, nổi bật là những mặt trái với tương lai đáng sợ.
2001: A Space Odyssey (1968): Tác phẩm kinh điển của đạo diễn Stanley Kubrick xoay quanh hành trình thực hiện “Sứ mệnh Sao Mộc” của con tàu Discovery One do siêu máy tính HAL 9000 điều khiển. Trên con tàu không gian còn có phi hành gia Dave Bowman (Keir Dullea) cùng nhiều đồng nghiệp khác. Trong quá trình vận hành, HAL 9000 gặp lỗi, và “hắn” quyết định thủ tiêu toàn bộ phi hành đoàn để che đậy khiếm khuyết của mình. 2001: A Space Odyssey là bộ phim đã đặt nền móng cho dòng viễn tưởng khám phá không gian, và là một trong những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về tham vọng quá lớn của con người.
The Terminator (1984): Đạo diễn James Cameron vẽ ra bối cảnh tương lai tăm tối khi con người bị những cỗ máy, cụ thể là trí thông minh nhân tạo Skynet, thống trị. Niềm hy vọng mong manh của nhân loại phụ thuộc vào thủ lĩnh John Connor. Nhưng Skynet gửi người máy T-800 (Arnold Schwarzenegger) về quá khứ để sát hại Sarah Connor (Linda Hamilton) và khiến John không thể sinh ra. Cuộc chiến bất tận giữa nhân loại và Skynet với sự góp mặt của những cỗ máy hủy diệt lạnh lùng tới nay đã trải qua năm tập phim. Thời gian tới, James Cameron sẽ làm tiếp phần sáu với nội dung mới, gần như bỏ qua ba tập gần đây.
Robocop 2 (1990): Nhân vật phản diện của bộ phim - ED-209 - là sự kết hợp giữa máy móc và bộ não của tên trùm ma túy Cain (Tom Noonan) sau khi hắn bị hạ gục. Ban đầu, cỗ máy được Tập đoàn OCP tạo ra với sứ mệnh trở thành Robocop 2 tân tiến hơn và dần thay thế thế hệ Robocop đầu tiên, tiếp tục bảo vệ thành phố. Nhưng sau đó, ED-209 chứng minh rằng OCP đã sai bởi nó vẫn giữ bản chất xấu xa của Cain và ra tay giết hại nhiều người vô tội. Cuối cùng, Robocop (Peter Weller) đầu tiên buộc phải tham gia cuộc chiến đầy nguy hiểm nhằm tiêu diệt tên robot to lớn và mạnh mẽ hơn mình nhiều lần.
The Matrix (1999): Câu chuyện trong Ma trận thực tế bắt đầu khi những cỗ máy do con người sáng tạo đã nổi loạn trong đầu thế kỷ XXI. Chúng nuôi cấy con người và sử dụng bộ não của chúng ta như một dạng năng lượng sinh học để vận hành. Đám tay sai đắc lực của chương trình trí tuệ nhân tạo đồ sộ đứng sau mọi thứ chính là các Sentinel với hình dạng như những con bạch tuộc máy cùng các cú ra đòn nguy hiểm chết người. Tất cả tạo ra bầu không khí u ám của tương lai cho chuyến hành trình của người hùng Neo (Keanu Reeves). Sự hấp dẫn của The Matrix không chỉ dừng lại ở nội dung phức tạp, thực ảo đan xen, mà còn bao hàm hàng loạt cảnh quay ấn tượng, trau chuốt và kỹ xảo tân tiến.
I, Robot (2004): Bộ phim lấy bối cảnh năm 2035 khi robot phát triển vượt bậc và can thiệp rất sâu vào đời sống con người. Tại đó, người ta tin rằng tất cả robot đều tuân theo “Ba điều luật” - những quy tắc giới hạn nhiệm vụ và quyền hạn của người máy. Song, thanh tra Del Spooner (Will Smith) không tin vào điều đó và anh đã đúng khi các cỗ máy nổi loạn. Lúc này, con người rơi vào khủng hoảng bởi họ quá chủ quan và lệ thuộc vào người máy. Nhưng điều bất ngờ hơn cả là nhân vật đồng hành cùng Spooner lập lại trật tự cũng chính là một robot mang hình dáng con người: Sonny (Alan Tudyk).
X-Men: Days of Future Past (2014): Cũng mang tên Sentinel, nhưng đó là những cỗ máy do Tiến sĩ Bolivar Trask (Peter Dinklage) sáng tạo nên. Mang quan điểm người đột biến là giống loài nguy hiểm, Trask âm thầm thí nghiệm và chế tạo nên các Sentinel với mục đích duy nhất: tận diệt dị nhân. Đó là lý do mà nhóm X-Men cử Wolverine (Hugh Jackman) trở về quá khứ để ngăn chặn Trask chế tạo thành công Sentinel. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Sentinel cũng chỉ là những cỗ máy. Một khi hệ điều hành của bị ảnh hưởng, bọn chúng sẵn sàng chuyển đổi mục tiêu từ “dị nhân” thành “con người.”
Avengers: Age of Ultron (2015): Ultron (James Spader) vốn là một chương trình do Tony Stark (Robert Downey Jr.) chế tạo ra với mục đích bảo vệ thế giới, giúp nhóm Avengers bớt gánh nặng. Tuy nhiên, trí tuệ vượt bậc của Ultron tự nhận ra rằng thứ đang hủy diệt thế giới là chiến tranh, mà yếu tố tạo nên chiến tranh lại chính là con người. Nó quyết định giết sạch nhân loại để “cứu rỗi” hành tinh xanh. Rốt cuộc, Tony Stark cùng biệt đội siêu anh hùng Avengers phải ra tay để trừ khử Ultron để cứu lấy nhân loại, cũng như sửa chữa sai lầm của mình.
Blade Runner (1982): Trong bộ phim giả tưởng kinh điển, tới năm 2019, công nghệ phát triển đến mức tập đoàn Tyrell tạo ra loại người máy có hình dạng y hệt như con người, thậm chí sở hữu cảm xúc, và được gọi là Replicant. Những vật thể chỉ có thể sống trong bốn năm, nhưng lại được cấy vào não lượng ký ức đồ sộ của con người, khiến chúng nghĩ rằng mình thực sự là con người. Với cảm xúc của riêng mình, các Replicant nhận ra sự tàn bạo của con người và khao khát được đối xử công bằng. Đó là lúc thế giới cử những Blade Runner đến để tận diệt Replicant. Song, Roy (Rutger Hauer) - một replicant cực kỳ mạnh mẽ - đã đảo ngược tình thế trong trò chơi sinh tử với kẻ săn người máy Rick Deckard (Harrison Ford).
Với phần hậu truyện mang tên Blade Runner 2049 chuẩn bị ra mắt, sau ba mươi năm, Replicant đã phát triển tới trình độ cao hơn, có tuổi thọ dài hơn và tất nhiên là phản loạn hơn nữa. Phim hứa hẹn đem tới lời giải đáp cho câu hỏi khiến nhiều fan đau đầu trong suốt nhiều thập kỷ qua: liệu Rick Deckard là con người hay replicant?
Bộ phim kinh dị “Happy Death Day” giúp xưởng Blumhouse gặt hái chiến thắng vang dội mới. Trong khi đó, siêu phẩm “Blade Runner 2049” vẫn tỏ ra chật vật tại các quầy vé.
Bộ phim "Blade Runner 2049" - siêu phẩm khoa học viễn tưởng được giới phê bình khen ngợi là phần nối tiếp loạt sự kiện đã diễn ra trong tác phẩm năm 1982.
Ra mắt năm 1982, “Blade Runner” là một trong những kiệt tác Hollywood. 30 năm sau phần I, “Blade Runner 2049” tái hiện cuộc chiến không dứt về bản ngã con người và người nhân bản.