Liên tiếp những ngày qua, nghi vấn điểm thi bất thường của Sơn La, Lạng Sơn làm nóng dư luận sau khi gian lận thi cử ở Hà Giang được đưa ra ánh sáng.
Ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) - cho rằng Bộ GD&ĐT nên soi dữ liệu tất cả tỉnh thành trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, bộ nên thanh tra làm rõ.
Là người nhiều năm gắn bó với các kỳ thi đại học, ông Ngọc chia sẻ với Zing.vn bài viết về việc sử dụng công nghệ thông tin để phát hiện tiêu cực thi cử. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Quá trình kiểm tra, rà soát tại Hà Giang vẫn đang được khẩn trương tiến hành. Ảnh: Quang Anh. |
Năm nay, Hà Giang trở thành tâm điểm của cả nước sau những xôn xao về điểm thi cao bất thường. Tôi lại nhớ đến một số trường hợp tương tự Hà Giang. Tất cả đều được phát hiện nhờ công nghệ thông tin.
Đầu tiên, năm 2004, một tỉnh miền núi gian lận thi cử. Dấu hiệu đáng ngờ thể hiện ở chỗ cả nước có một thí sinh đạt tổng điểm 6 môn là 59,5, hai em đạt 59 điểm. 3 trường hợp trên cùng nằm ở tỉnh này. Đây là kết quả vượt trội so với các tỉnh thành khác.
Khoảng 3 năm sau, lãnh đạo một sở GD&ĐT lên gặp Cục Công nghệ Thông tin nhờ giúp đỡ khi tại kỳ thi học sinh giỏi, khi một huyện khó khăn đoạt nhiều giải. Chuyện này khiến dư luận xôn xao, đồn đoán mua giải.
Chúng tôi khởi hành về tỉnh ngay tối đó. Cả ban giám đốc sở và các phòng ban ngóng đoàn vì nếu không tìm ra, nội bộ sẽ nghi kỵ lẫn nhau. Sau hai tối làm việc, Cục Công nghệ Thông tin kết luận chuyên viên tin học của sở đã can thiệp vào hệ thống.
Để mọi người tâm phục khẩu phục, chúng tôi mách nước cách chứng minh rồi gọi chuyên viên tin học lên. Người này hoàn toàn không thể chối cãi.
TS Quách Tuấn Ngọc. Ảnh: Việt Hùng. |
Trong mỗi năm thi “3 chung”, Cục Công nghệ Thông tin rà soát dữ liệu và chuyển cho Thanh tra Bộ GD&ĐT vài trường hợp nghi vấn thi hộ.
Đó là những trường hợp bất thường như một dữ liệu họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán đến tận thôn xóm nhưng cùng ngày thi lại xuất hiện ở hai phòng khác nhau.
Nhờ đó, hàng chục trường hợp thi hộ bị phát hiện. Đương nhiên, kết quả xác minh cho thấy một số trường hợp thực sự trùng nhau.
Khoảng năm 1993, một chuyên viên tuyển sinh sửa điểm hộ thí sinh. Sau khi bị phát hiện, người này bị xử lý rất nặng - bị cho thôi việc.
Vì thế, dữ liệu điểm thi của một phòng thi THPT quốc gia mà toàn 9 với 10 thì chỉ có thể là tiêu cực cả phòng.
Chuyện tiêu cực thi cử bị phát hiện nhờ công nghệ thông tin không chỉ dừng lại ở vài ví dụ trên đây. Nó cho thấy rằng chỉ cần rà soát dữ liệu kết quả thi cũng đủ để phát hiện nhiều vấn đề. Đây chính là sức mạnh của công nghệ thông tin.
Theo quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đưa vào máy quét ảnh tốc độ cao, quét theo từng lô. Khi đó, phiếu trả lời của thí sinh sẽ ở định dạng file ảnh. Sau công đoạn đọc file ảnh để nhận biết thông tin của thí sinh, ảnh được chuyển sang file word dưới dạng text.
Ở dạng text, mỗi câu trả lời của thí sinh từ dạng tô đáp án sẽ chuyển thành một dòng chữ gồm số thứ tự câu hỏi và đáp án trả lời A, B, C, D hoặc 1, 2, 3, 4, tương ứng mỗi lựa chọn của thí sinh.
Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, có thể đã can thiệp vào các bài thi ở khâu này.
Có thể ông Lương đã xóa những câu trả lời của thí sinh và copy đáp án đúng theo từng mã đề đã được chuẩn bị trước, dán vào file text bài làm. Phần mềm chấm thi của bộ sẽ chấm những file text này. Do đó, bài làm của thí sinh trên giấy và trên file ảnh không bị chỉnh sửa.