Nhiều loài thực vật mang độc tính cao xuất hiện xung quanh chúng ta và hoa mang vẻ đẹp rực rỡ. Thậm chí, nhiều người còn trồng những loài cây này ở nhà, trong công viên, trên vỉa hè để làm cảnh. Nếu không để ý, bạn có thể trúng độc do vô tình nuốt hoặc chạm phải quả, hoa, lá, hạt cây. Tại một số nước, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân và du khách. |
Cà độc dược lùn hay còn gọi là man đà la là loài thực vật có hoa trong họ cà. Ban đầu, người ta cho rằng giống cây này có nguồn gốc ở Mexico nhưng hiện tại, nó trở thành thực vật tự nhiên tại nhiều nơi khác. Lá của cây nhọn, có mùi rất khó chịu trong khi các cành cây có màu đỏ tím. Cây cao từ 0,9-1,2 m. Quả màu xanh lá, dài khoảng 5 cm, có gai nhọn. Tất cả bộ phận của cây đều mang độc, đặc biệt là quả. |
Một trong những loài cây bạn không chạm vào bất kể điều kiện thời tiết là manchineel (hay còn gọi là táo tử thần), thuộc họ thầu dầu và mọc ở châu Mỹ. Nhựa cây chứa phorbol gây kích ứng mạnh. Chỉ cần chạm vào cây, da của bạn cũng có thể bị phồng rộp. Trú dưới tán cây khi mưa rào có thể khiến bạn mẩn ngứa. Khi ăn quả của cây, miệng bạn sẽ bị phồng rộp, họng sưng lên và sau đó là các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng, dẫn đến một cái chết đau đớn. |
Kèn của thiên thần là loài cây bụi lớn có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới của Nam Mỹ. Giống như tên gọi, hoa của cây tựa những chiếc kèn, dài 25-30 cm, có mùi thơm dễ chịu và nhiều màu sắc. Tất cả bộ phận của cây chứa lượng lớn độc tố tropane alkaloid, đặc biệt trong hạt và lá. Nếu vô tình nuốt phải, bạn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, tê liệt, gặp ảo giác và thậm chí tử vong. |
Cây phụ tử có hoa giống mũ trùm đầu của thầy tu, là một trong những loài cây chứa độc tố mạnh nhất thế giới. Phần độc nhất là rễ cây dù lá cũng chứa chất độc. Cả hai đều chứa chất tác động đến hệ thần kinh và có thể hấp thụ qua da. Các triệu chứng nhiễm độc ban đầu là ngứa, tê dại tại nơi tiếp xúc, ói mửa dữ dội và tiêu chảy. Chất độc trong cây có thể làm chậm nhịp tim, dẫn đến tử vong. |
Cicutahay còn gọi là sâm độc nước, là một trong những loài cây độc nhất phát triển ở Bắc Mỹ. Cây thuộc họ hoa tán, có thể cao 2-2,5 m với thân chính dày và chứa chất lỏng cực độc, gây nguy hiểm cho con người vì ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương ngay lập tức. Đôi khi, người ta nhầm lẫn Cicuta với cây sâm độc, loài cây cùng họ nhưng chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến các loài gia súc. |
Cây cam thảo dây hay còn gọi là cây tương tư, là loài thực vật có hoa thuộc họ đậu. Hạt của cây gồm 2/3 màu đỏ và 1/3 màu đen giống bọ rùa, chứa độc tính cao nhưng khó gây tổn thương cho cơ thể người do lớp vỏ cứng và khó bị phá vỡ. Người ta dùng hạt làm đồ trang sức. Một số trường hợp tử vong do bị đâm vào tay trong khi khoan lỗ trên hạt để xỏ dây. |
Cây chữa rắn cắn trắng là một thành viên thuộc họ cúc và sinh trưởng ở Bắc Mỹ. Tất cả bộ phận, đặc biệt là cành và lá, đều chứa tremetol, có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Thậm chí, nếu dùng các sản phẩm từ gia súc ăn phải loài cây này, bạn vẫn bị trúng độc. Vào những năm đầu thế kỷ 19, loài cây này cướp đi sinh mạng hàng nghìn nạn nhân, trong đó có bà Nancy Hanks Lincoln, mẹ của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. |
Mọi bộ phận của cây trúc đào đều có độc. Trong đó, digitoxigenin, neriin, oleandrin và olendroside là những chất độc chính, tập trung chủ yếu ở thân và lá cây. Độc tố của trúc đào ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người, gây rối loạn nhịp tim, nôn mửa và tiêu chảy. Loài cây này được trồng rất nhiều ở Việt Nam. |
Cây thầu dầu hay còn gọi là đu đủ tía là loài cây bụi được ưa trồng làm cảnh trong vườn bởi có hoa lá đa sắc. Tuy nhiên, hạt của loài cây này chứa độc tố ricin cực mạnh. Nếu vô tình nhai và nuốt phải 5-10 hạt thầu dầu, con người sẽ nôn mửa, tiêu chảy, co giật, hoại tử xuất huyết ở một số cơ quan, suy thận, trụy tim và tử vong sau 6-14 ngày.
|
Người ta biết đến astropa belladonna như một loại cây cực độc có nguồn gốc từ bán cầu Đông. Loài thực vật này chứa nhiều hóa chất khác nhau có thể làm tê liệt chức năng của hệ thần kinh. Lá và quả của astropa belladonna chứa độc tố alkaloid và tropane. |