Về vấn đề này, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM tư vấn:
Ốc là loại thủy sản nước ngọt dễ nhiễm ký sinh trùng, nhất là ốc sên, ốc bươu, ốc ma, cua đá (sống ở khe suối khu vực Tây Bắc).
Ký sinh trùng sống trong ốc sên tên là Angiostrongylus cantonensis. Ấu trùng của loài này sống ở đất ẩm, trên các lá rau, trong vũng nước, ao hồ, sau đó bị các loài ốc nước ngọt nuốt vào. Người nhiễm Angiostrongylus cantonensis khi ăn ốc nấu chưa chín, rau sống, uống nước lã có chứa ấu trùng. Đây là loại ký sinh trùng nguy hiểm, gây bệnh viêm màng não.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân bị viêm màng não, hôn mê sâu, sống đời thực vật. Các bệnh nhân này đều xuất hiện triệu chứng bệnh sau khi ăn ốc sên. Còn cua đá lại dễ làm nhiễm sán lá phổi. Trẻ em vùng Tây Bắc hay bắt cua nướng ăn. Do chưa nướng chín kỹ nên một số bé bị nhiễm sán. Bệnh nhân có triệu chứng giống lao phổi nhưng điều trị kháng sinh dài ngày không khỏi, khi khạc ra đàm có màu sôcôla.
Hải sản ít khi nhiễm ký sinh trùng, nhưng một số loại chứa độc tố, tốt nhất không nên ăn các loại hải sản lạ. Cảnh giác cao với các loại hải sản chết người như con so biển, cá nóc.
Lưu ý, so biển trong mùa sinh sản thì trứng trở nên cực độc. Vẻ ngoài con so giống hệt sam biển, chỉ nhỏ hơn chút xíu, nếu ăn phải, nguy cơ tử vong gần như cầm chắc.