Trong hai ngày 17 và 18/7, thí sinh ở Hà Nội tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021. Tại TP.HCM, kỳ thi này diễn ra ngày 16 và 17/7.
Sĩ tử tại cả hai thành phố lớn đều phải làm 3 bài thi để cạnh tranh suất vào trường công lập.
Do dịch Covid-19, Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ tư trong tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2020-2021. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Hà Nội chỉ còn 3 môn thi
Năm ngoái, ngoài Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh thi lớp 10 ở Hà Nội có thêm môn thi thứ tư (Lịch sử). Theo kế hoạch ban đầu, việc thi 4 môn cũng được áp dụng cho năm nay.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie - viết đơn kiến nghị gửi chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ông đề nghị bỏ môn thi thứ tư (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng ba) để giảm áp lực cho thí sinh, giáo viên.
Ngày 17/4, UBND Hà Nội quyết định kỳ thi vào lớp 10 có 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nội dung đề thi nằm trong chương trình tinh giản do Bộ GD&ĐT ban hành.
Về lịch thi, trong sáng 16/7, thí sinh làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót, nghe phổ biến quy chế, lịch thi.
Thí sinh thi Ngữ văn sáng 17/7, Ngoại ngữ chiều cùng ngày và Toán vào sáng 18/7.
Trong đó, Ngữ văn và Toán thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút.
Điểm xét tuyển vào THPT công lập, không chuyên là tổng điểm môn Ngữ văn, Toán nhân hệ số 2 cộng với điểm môn Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).
Năm nay, các thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng vào hai trường công lập, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hai nguyện vọng phải trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng) là 88.928. Tổng số nguyện vọng lên đến 174.743. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 64.200. Như vậy, khoảng 24.700 em sẽ không thể theo học lớp 10 công lập.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), mức độ cạnh tranh cao thường thuộc về một số trường tốp đầu như Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Nhân Chính, Thăng Long, Việt Đức…
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM cơ bản giữ nguyên như năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Trang. |
TP.HCM: Khoảng 30% thí sinh rớt công lập
Đầu tháng 6, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Theo đó, năm học tới, thành phố có 240 trường gồm THPT công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP tuyển sinh lớp 10.
Trong đó, 3 trường có tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 dẫn đầu là THPT Marie Curie (quận 3) với 1.265 chỉ tiêu, THPT Hùng Vương (quận 5) 1.035 và THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) 1.020.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập trên địa bàn khoảng 67.000 thí sinh. Trong khi đó, thành phố có 96.697 học sinh lớp 9. Như vậy, khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS rớt lớp 10 công lập.
Cũng như năm trước, thí sinh dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Lịch thi lùi muộn (16 và 17/7) do trong học kỳ II, dịch Covid-19 khiến việc dạy học bị gián đoạn.
Thời gian làm bài thi môn Toán và Ngữ văn là 120 phút. Điểm hai môn này nhân hệ số 2. Môn Ngoại ngữ thi trong 60 phút, điểm nhân hệ số 1.
Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề, được cho theo thang điểm từ 0 đến 10; điểm lẻ đến 0,25.
Điểm tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải dự đủ 3 bài thi, không môn nào bị điểm 0.
Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1, nguyện vọng 3 cao hơn nguyện vọng 2 không quá một điểm.
Học sinh đăng ký 3 nguyện vọng, theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THPT năng khiếu ĐH Quốc gia). Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.