Đi lễ đầu năm đã trở thành phong tục văn hóa tâm linh phổ biến đối với nhiều người Việt. Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm, từng chia sẻ với Zing.vn: "Năm mới, đi chùa là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật". |
Trước khi đi lễ tại các đền, chùa, mọi người thường chuẩn bị lễ vật để dâng lên cúng. Đồ lễ thường là hoa, quả, hương. Hoa quả không cần thiết phải đắt tiền mà chỉ đơn giản là những thứ bình dị, tùy thuộc vào khả năng và lựa chọn của từng người. Đồ cúng không được là đồ mặn như thịt, cá... Trong chùa, vàng mã nếu có mang theo chỉ được đốt ở khu vực nhất định chứ không nên đặt lên bàn thờ phật để cúng. |
Cổng chùa có 3 cửa, gọi là cổng Tam Quan. Khi đi lễ chùa không nên đi bằng cửa chính của Tam Quan mà nên đi bên phải (cửa Giả Quan) vào chùa và trở ra ở cửa bên trái. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đến chùa, cần lựa chọn trang phục kín đáo, nền nã, tránh mặc quần áo hở hang, quá lòe loẹt hay phản cảm như áo hai dây, quần đùi quá ngắn khi bước vào chùa chiền. Ảnh: Chí Toàn. |
Theo quan niệm truyền thống, đi lễ chùa là để cầu an, mong muốn sự thanh thản trong tâm hồn nên người đến đây quan trọng là thành tâm. Đến chùa cần ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, cư xử chừng mực, tránh to tiếng, cãi vã trong chùa. Ảnh: Việt Linh. |
Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho rằng nên tránh những điều kiêng kỵ khi vào chùa như đặt tiền thật, tiền âm phủ lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, sờ mó chân tay, thoa lên mặt lên mũi của tượng cầu may, chen chúc tranh nhau cướp đồ lễ... Ảnh: Nhóm phóng viên. |
Khi vào chùa, kiêng kỵ dùng miệng thổi tắt đèn dầu, nến. Không được đi dép vào Phật đường, Tam Bảo. Không nên tùy tiện quay phim, chụp ảnh trong khuôn viên chùa nếu chưa được cho phép. |