Theo thạc sĩ Phạm Thị Thùy Linh, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, đề thi minh họa khá vừa sức với thí sinh. Với học lực trung bình thí sinh vẫn có thể hoàn thành cơ bản yêu cầu của đề thi.
Tuy nhiên, để làm tốt và đạt điểm cao, thí sinh phải có lộ trình ôn tập và chiến thuật làm bài hợp lý.
Đề minh họa nhẹ nhàng, quen thuộc
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhận định đề minh họa môn Ngữ văn năm nay giữ nguyên cấu trúc như đề thi các năm gần đây. Đề gồm 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm).
Đề thi minh họa môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Về độ khó và sự phân hóa, thầy Minh đánh giá đề thi nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình tinh giản do Bộ GD&ĐT công bố trước đó.
Theo phân tích của giáo viên trường chuyên Lương Văn Chánh, phần đọc hiểu ra một đoạn trích trong “Tất cả đều là chuyện nhỏ” của Richard Carlson và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Ba câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, hầu như thí sinh nào cũng có thể làm được, câu 4 (mức độ vận dụng) cũng tương đối nhẹ nhàng.
Câu nghị luận xã hội năm nay cũng nằm ở mức độ cơ bản, không làm khó thí sinh. Tương tự, câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong một đoạn thơ trong “Tây Tiến” của Quang Dũng. Câu này chỉ ra ở mức độ cơ bản mà không có yêu cầu nâng cao kèm theo như mọi năm.
"Về dạng câu hỏi, đề thi tập trung vào những dạng câu hỏi quen thuộc, đã từng được ra nhiều lần trong đề thi của các năm trước, không có gì mới lạ, không làm khó, không đánh đố học sinh. Có lẽ vì mục đích xét tốt nghiệp THPT là chính nên đề thi năm nay nhẹ nhàng, không phân hóa cao", thầy Minh nhận định.
Luyện viết và giải đề mẫu
Với đề thi ở mức độ nhẹ nhàng, quen thuộc, thạc sĩ Phạm Thị Thùy Linh cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu thí sinh để mất điểm ở những câu dễ. Do đó, cô khuyên thí sinh nên có tinh thần tự giác ôn tập và xây dựng lộ trình ôn tập hợp lý.
"Chúng ta đã trải qua một kỳ nghỉ khá dài do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc cảm thụ hay hiểu các tác phẩm văn học qua việc học online hoặc trên truyền hình sẽ khác rất nhiều so với hình thức học truyền thống. Do đó, thí sinh cần phân chia thời gian hợp lý và đồng đều cho việc ôn tập kiến thức phần đọc hiểu và kiến thức văn học, tranh thủ hỏi ngay giáo viên với những phần mình không hiểu", giảng viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhắn nhủ.
Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Linh nhắc thí sinh thường xuyên luyện tập cách viết và giải đề thi mẫu. Ảnh: Văn Nguyện. |
Ngoài thời gian ôn tập, cô Linh cũng khuyên sĩ tử nên tìm đọc những bài viết, câu chuyện, vấn đề hay về cuộc sống và lưu lại cho bản thân những câu tâm đắc nhất.
Đây có thể là những trích dẫn đắt mà các bạn có thể đưa vào bài làm của mình để tăng thêm sức mạnh cho lập luận, lý lẽ trong những câu hỏi mở. Dù vậy, thí sinh cũng không nên lạm dụng quá nhiều và nên trích dẫn có tên tác giả, người nói cụ thể.
Để đạt điểm cao khi làm bài thi, thí sinh nên luyện tập trước các đề thi mẫu để biết khả năng viết của mình và phân bổ thời gian làm bài hợp lý.
Theo thạc sĩ Thùy Linh, sĩ tử có thể làm phần đọc hiểu trước để nắm trọn điểm phần này, sau đó là các câu hỏi thể hiện suy nghĩ bản thân từ những ngữ liệu được cho ở phần đọc hiểu và cuối cùng là phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học.
Thí sinh có thể dành 1/2 thời gian cho phần làm văn để đảm bảo bài viết đủ ý, không rơi vào tình trạng hụt hơi hay kết thúc vội khi hết thời gian.
Đối với bài thi ngữ văn, thí sinh cần nhận diện rõ câu hỏi, câu nào là câu hỏi nội dung, câu nào là phân tích ý, thể hiện quan điểm bản thân. Để tránh việc đọc không kỹ, nhầm lẫn dẫn đến viết lạc đề, cô Linh khuyên thí sinh nên gạch chân những từ khóa trong mỗi đề bài, câu hỏi.
Khi trình bày quan điểm của bản thân, các thí sinh cần liệt kê các ý theo mức độ quan trọng từ cao xuống thấp trên giấy giáo trước khi đưa vào bài viết. Việc nhấn nhá các ý mà các bạn cho là quan trọng rất có hiệu quả đối với những câu hỏi dạng này.
Phần lớn học sinh khi ôn tập môn Văn thường học thuộc lòng các bài văn mẫu hoặc học "tủ" một số tác phẩm, giảng viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng đây là cách học rất sai lầm.
"Việc phân tích hay nói về các tác phẩm văn học là đọc hiểu bằng lý trí, cảm nhận bằng tâm hồn nên việc thuộc lòng rồi viết lại là phương pháp không phù hợp, một khi quên bài thì các bạn rất dễ bỏ giấy trắng.
Học văn là hiểu văn và chỉ có ý của mình thì mới có thể nhớ rõ và diễn đạt trọng vẹn. Không phải ai cũng viết hay ngay từ đầu. Tất cả là một quá trình luyện tập và đọc thêm nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Do vậy, thí sinh không nên xem nhẹ việc luyện tập và giải thử các đề mẫu", thạc sĩ Linh nói.
Cuối cùng, giảng viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhắn nhủ thí sinh nên dành thời gian trước ngày thi để thả lỏng đầu óc để có tâm trạng thoải mái nhất khi thi. Đồng thời, sĩ tử nên cố gắng viết, trình bài bài làm rõ ràng, sạch sẽ để tạo ấn tượng tốt với giám khảo chấm thi.
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) là đơn vị đồng hành cùng Zing thực hiện tuyến nội dung “Tiếp sức mùa thi 2020” nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử trước thềm “vượt vũ môn”.
Năm 2020, UEF thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và dành hơn 50 tỷ đồng mỗi năm để trao học bổng cho tân sinh viên các suất từ 25%, 50% đến 100% học phí. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ 50% thời lượng học tập tiếng Anh, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho mọi sinh viên trúng tuyển bất kể phương thức nào.
Thí sinh tham gia xét tuyển vào trường đăng ký tìm hiểu thông tin tại đây.