Một bác sĩ y khoa ở Mỹ đã chia sẻ thói quen hiến máu thường xuyên của mình bắt đầu từ sự ra đi đau buồn của cha anh do mắc bệnh về máu. Thời trung học, anh đã được một chương trình hiến máu tình nguyện mời tham gia. Đó là lần đầu tiên anh hiến máu nên rất lo lắng.
Sau đó, khi vào đại học cũng một đôi lần anh hiến máu nhưng không thường xuyên. Thói quen hiến máu của anh chỉ bắt đầu sau sự ra đi của người cha, người đã qua đời vì hội chứng myelodysplasia, một chứng bệnh rối loạn máu hiếm.
Từ đó anh đã quyết định hiến máu thường xuyên với tần suất 5-6 lần/năm. Trước đây anh bị huyết áp cao và có những dấu hiệu bệnh tim, giờ anh đã khỏe mạnh hoàn toàn và huyết áp đã giảm đáng kể từ khi duy trì thói quen hiến máu được nhiều năm nay.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người béo phì
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Đức đã chỉ ra rằng hiến máu là một biện pháp trị liệu tiềm tàng cho những người có hội chứng chuyển hóa với hàm lượng sắt cao hơn bình thường. Nó làm giảm huyết áp cùng với những thay đổi khác liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn.
Hội chứng chuyển hóa là tên gọi một loạt các khó khăn ảnh hưởng đến những người béo phì. Nó bao gồm kháng insulin, không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Sự tích tụ của sắt trong cơ thể cũng có liên quan với tăng huyết áp.
Nhà nghiên cứu Andreas Michalsen tại ĐH Y khoa Berlin (Đức) đã chỉ định ngẫu nhiên hơn 60 người béo phì có hội chứng chuyển hóa. Giai đoạn đầu của nghiên cứu, những người trong nhóm cho máu được lấy 300ml, và bốn tuần sau được lấy tiếp 250-500ml. Sau 6 tuần, những bệnh nhân trong nhóm hiến máu có huyết áp tâm thu giảm trung bình 18 mmHg (từ 148mmHg xuống 130mmHg). Ngoài ra, lượng đường trong máu, nhịp tim cũng giảm đáng kể và lượng cholesterol được cải thiện.
Giáo sư Andreas Michalsen giải thích: Giảm liên tiếp lượng sắt trong máu có thể cải thiện các dấu hiệu của nguy cơ tim mạch và kiểm soát đường huyết. Do đó hiến máu có thể ngăn chặn không chỉ là bệnh đái tháo đường mà còn cả bệnh tim mạch, béo phì. Rõ ràng, phương pháp điều trị này sẽ không phù hợp với những người bị thiếu máu, tuy nhiên, với những người hội đủ điều kiện để hiến máu thì có thể áp dụng để ngăn chặn sự gia tăng nguy cơ của bệnh.
Những nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học Thụy Điển, Mỹ… cũng chỉ ra rằng việc cho máu làm nhịp tim và nồng độ đường trong máu giảm đáng kể.
Còn Ths. BS Trần Ngọc Quế (Trưởng khoa Hiến máu, Viện Huyết học Truyền máu TW) cho biết: Đối với những người béo phì, thừa cân, cơ thể phát triển vượt quá khả năng phát triển của tim nên tim phải làm việc gắng sức để đáp ứng được hoạt động của bộ phận khác trong cơ thể. Người béo phì thường có lượng mỡ máu cao gây xơ vữa động mạch, mỡ bọc nhiều ở tim cũng hạn chế hoạt động của tim nguy cơ gây nên các bệnh liên quan đến tim. Hiến máu giống như ăn kiêng, nó làm giảm đi các thành phần mỡ trong máu.
Giải thoát lượng sắt ứ đọng
Các nhà khoa học đã chứng minh mỗi lần hiến máu bạn có thể giảm nguy cơ ứ đọng sắt trong cơ thể. Nếu lượng sắt trong máu vượt quá một giới hạn nhất định nó có thể kích thích sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể, làm thay đổi tế bào, phá vỡ chức năng tế bào bình thường, từ đó làm tăng nguy cơ một số bệnh như bệnh tim, bệnh ung thư.
Theo Victor Herbert, bác sĩ chuyên khoa huyết học tại New York (Mỹ), trung bình trong cơ thể đàn ông lưu trữ khoảng 1.000mg sắt, nhưng chỉ có khoảng 300mg ở những phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Khi phụ nữ hết kinh nguyệt, lượng sắt trong cơ thể tích tụ nhiều hơn và theo đó, nguy cơ mắc bệnh tim mạch bắt đầu tăng cao. Lắng đọng sắt là một trong những nguyên nhân và cơ chế hình thành mảng xơ vữa ở lớp dưới nội mạc, việc hiến máu thường xuyên giúp giảm sự lắng đọng này và giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là cơn đau tim và đột quỵ tim.
Theo BS. Trần Ngọc Quế: Khi hiến máu, cơ thể sẽ sản sinh ra máu mới. Những người mắc bệnh tim xuất phát từ lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp thì hiến máu rất tốt vì nó làm giảm độ nhớt của máu, tăng tuần hoàn máu. Ngoài ra, những người gặp một số vấn đề về tim liên quan đến bệnh mạch vành, hiến máu cũng cải thiện tốt tình trạng của bệnh.
Còn đối với những bệnh như suy tim, hở van tim thì hiến máu là chống chỉ định. Lượng sắt trong máu được tích lũy nhiều sẽ gây ứ đọng ở gan, tim.... Hiến máu giúp giải thoát lượng sắt ứ đọng trong cơ thể. Tuy nhiên, khi hiến máu xong phải chú ý chế độ ăn uống hợp lý, không bồi dưỡng nhiều quá, tránh ngủ nhiều sẽ dễ tăng cân trở lại, và điều đó lại ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Tại sao bạn nên hiến máu?
1. Theo dõi sức khỏe: Ngoài việc kiểm tra nhóm máu, mỗi lần hiến máu bạn sẽ được kiểm tra nhiệt độ, huyết áp và hàm lượng sắt trong máu, thành phẩn trong máu có ổn định hay không, có nguy cơ mắc bệnh tim, gan hay huyết áp không…
2. Giải độc máu: Khi hiến máu cơ thể bạn có thể loại bỏ bất cứ chất độc nào trong máu. Máu mới được thay thế sau mỗi lần hiến máu giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
3. Giảm nguy cơ ung thư: Các nghiên cứu khoa học còn cho biết hiến máu giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng và ung thư họng.
4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Một nghiên cứu tại Đại học Florida (Mỹ) cho biết, khi hiến máu, sắt được loại bỏ nên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do sắt làm tăng quá trình ôxy hóa cholesterol, một quá trình làm ảnh hưởng đến các mạch máu và cuối cùng là dẫn đến bệnh tim mạch. Người thường xuyên hiến máu trong nhiều năm có thể giảm được 88% các cơn đau tim và 33% bệnh tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ.
5. Tránh ứ đọng sắt: Mỗi lần hiến máu, lượng sắt trong cơ thể có thể không bị ứ đọng. Khi lượng sắt trong máu cao nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch càng lớn vì nó làm tăng quá trình ôxy hóa cholesterol trong cơ thể, gây tổn thương động mạch. Nhờ đó, hiến máu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.