1. Đánh giá học tập bị hạn chế: Trong các lớp học truyền thống, giáo viên có thể đưa ra đánh giá, phản hồi trực tiếp cho học sinh. Điều này có tác động tích cực vì quá trình trao đổi, tương tác dễ dàng, phong phú hơn, đồng thời nâng cao động lực học tập cho trẻ. Học trực tuyến khiến nhiều học sinh cảm thấy không thoải mái vì phải tương tác với giáo viên, bạn bè qua màn hình. Hiện, đánh giá, thi cử trực tuyến vẫn là vấn đề nan giải, chưa thể giải quyết triệt để. Nhiều cơ sở giáo dục mất lượng lớn thời gian để nghiên cứu và tìm ra hướng đi phù hợp. Ảnh: Objektiv. |
2. Tạo cảm giác bị cô lập: Các chương trình học trực tuyến được áp dụng hiện nay có xu hướng khiến học sinh phải giữ yên lặng, xa cách và thiếu tương tác với thầy cô, bạn bè. Kết quả, nhiều học sinh, thậm chí giáo viên, bắt đầu có dấu hiệu bị cô lâp với xã hội. Các chuyên gia nhận định điều này bắt nguồn từ việc thiếu giao tiếp giữa người với người. Cô lập xã hội cùng thiếu giao tiếp có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như căng thẳng cao độ, rối loạn lo âu, suy nghĩ tiêu cực. Ảnh: Newsbook. |
3. Dễ mất động lực học tập: Học online đòi hỏi kỹ năng quản lý thời gian và khả năng tự tạo động lực cho bản thân. Thiếu động lực là một trong những lý do hàng đầu khiến trẻ không thể hoàn thành các khóa học trực tuyến. Trong lớp học truyền thống, trẻ được tiếp nhiều động lực theo đuổi mục tiêu như: giao tiếp trực tiếp với giáo viên, trao đổi cùng bạn bè, lịch học được phân bố và áp dụng nghiêm ngặt. Khi học online, trẻ bị môi trường tác động, dễ gây ra cảm giác lười biếng, chán nản. Do đó, việc học online có thể trở nên khó khăn đối với những học sinh thiếu động lực và kỹ năng quản lý thời gian. Ảnh: BatmiExpress |
4. Giao tiếp, làm việc nhóm bị hạn chế: Khi học online, thời gian trò chuyện, trao đổi theo nhóm của học sinh sẽ bị cắt giảm. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể bị giảm khả năng giao tiếp, làm việc nhóm. Nếu bỏ qua các vấn đề này, nhiều học sinh sẽ đánh mất kỹ năng mềm sau khi tốt nghiệp. Để giải quyết tình trạng trên, các giáo viên cần tổ chức các hoạt động làm việc nhóm và khuyến khích học sinh trao đổi trong giờ học. Ảnh: Modern English Teacher. |
5. Khó ngăn chặn, phát hiện gian lận: Theo E-Student, trong những nhược điểm lớn nhất của học trực tuyến là khó ngăn chặn, phát hiện gian lận. So với việc thi trực tiếp, học sinh thi online có thể gian lận bằng nhiều hình thức khác nhau và tra tài liệu ngay trên máy tính, điện thoại. Thậm chí, nếu nhà trường không có hệ thống xác minh danh tính phù hợp, học sinh có thể nhờ bên thứ ba thi hộ, dẫn đến việc đánh giá kết quả không thể minh bạch, công bằng. Ảnh: Student Media Body. |
6. Lý thuyết nhiều hơn thực hành: Học online bị hạn chế về mặt không gian, nên việc thực hành diễn ra khó khăn hơn. Nhiều nền tảng học trực tuyến đã giải quyết và cải thiện vấn đề này, nhưng tình trạng lý thuyết lấn át thực hành vẫn chưa được biến mất hoàn toàn. Nói cách khác, nếu không được học trực tiếp và không có công cụ thực hành, học sinh vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào lý thuyết. Ảnh: US News & World Report. |