Yếu tố an toàn ngày càng được người dùng chú trọng khi chọn mua ôtô, ngay cả ở các dòng xe phổ thông. Vậy nên các nhà sản xuất trong vài năm qua đã dần nâng cấp danh sách tính năng hỗ trợ và bảo vệ cho người lái cùng hành khách đi xe. Trong số đó, chức năng phanh hỗ trợ tự động vốn chỉ có những dòng ôtô cao cấp đắt tiền cũng dần phổ biến hơn trên xe hơi phổ thông tại Việt Nam.
Tuỳ theo hãng xe mà hệ thống hỗ trợ phanh tự động sẽ có tên gọi riêng, cách thức thiết lập vận hành cũng khác biệt để hạn chế va chạm trong quá trình vận hành. Dưới đây là 3 dòng xe có giá bán dưới 1 tỷ đồng được trang bị chức năng an toàn này.
Ford Ranger Wildtrak - 853-918 triệu
Từ lâu, Ford đã là cái tên tiên phong mang các công nghệ hỗ trợ lái mới mẻ đến với người dùng Việt Nam. Trình làng gần như cùng lúc với mẫu bán tải Ford Ranger, dòng sedan hạng C Focus đã có hệ thống Active City Stop chủ động giảm tốc tránh va chạm khi di chuyển trong đô thị.
Còn với Ford Ranger, các phiên bản Wildtrak từ đời 2016 đã được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm bằng âm thanh, hình ảnh trên kính lái tích hợp phanh chủ động. Trên 2 phiên bản Ranger Wildtrak nâng cấp facelift 2020 chức năng này tiếp tục được Ford trang bị. Hãng xe Mỹ gọi đây là Phanh chủ động khẩn cấp - Automatic Emergency Braking (AEB) nằm trong hệ thống Phòng ngừa va chạm Pre-Collision Assist.
Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4x2 và 2.0L AT 4x4 có giá bán cao nhất phân khúc bán tải, 853 và 918 triệu đồng. Ảnh: Ford VN. |
Khi xe di chuyển trong dải vận tốc 5-80 km/h, các cảm biến và camera ở đầu xe sẽ hoạt động để nhận biết các phương tiện hoặc người đi bộ phía trước. Khi phát hiện nguy cơ va chạm sẽ có âm thanh và đèn đỏ trên kính lái cảnh báo, đồng thời chân phanh được điều chỉnh để tăng độ nhạy. Nếu người lái vẫn không kịp phản ứng, chiếc xe sẽ tự động phanh để tránh va chạm.
Tuy vậy, Ford khuyến cáo rằng tính năng này không thể thay thế việc điều khiển xe của người lái. Đồng thời hệ thống này có thể không hoạt động chính xác trong một số điều kiện lái, thời tiết và đường sá.
Mazda3 và Mazda3 Sport Premium - 839-939 triệu
Với việc Ford Việt Nam ngừng sản xuất và kinh doanh Focus, Mazda3 đời 2020 trở thành mẫu xe hạng C duy nhất sở hữu tính năng hỗ trợ phanh tự động. Mazda đặt tên cho hệ thống này là Hỗ trợ phanh thông minh - Smart Brake Support (SBS). SBS là trang bị nằm trong gói an toàn chủ động i-Activsene của Mazda và có mặt trên 4 phiên bản Premium của Mazda3 cùng Mazda3 Sport mới.
Tính năng SBS của Mazda3 có cách thức hoạt động tương tự với AEB của Ford Ranger là dựa vào dữ liệu mà camera khoảng cách và cảm biến thu thập được để can thiệp vào hệ thống phanh, chủ động giảm tốc hoặc dừng xe để tránh tai nạn. Mazda công bố hệ thống SBS có tầm quét lên đến 200 mét và hoạt động ở dải vận tốc 15-145 km/h.
Trước Mazda3, phanh chủ động đã có mặt trên 2 model khác của Mazda là CX-8 Premium và Premium AWD. Tuy nhiên chức năng có tên gọi khác và được chia nhỏ là 2 phần, bao gồm: hỗ trợ phanh thông minh trong thành phố phía trước và phía sau - Smart City Brake Support Forward/Reverse (SCBS F/R). Khác với SCBS F/R, SBS của Mazda3 2020 hoạt động dựa trên phần mềm thiết lập mới.
Vào tháng 1/2020, tại Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp Mazda3 sản xuất có trang bị SBS trong nước gặp hiện tượng tự phanh gấp dù phía trước không có vật cản nào giống với xe Mazda3 tại thị trường Bắc Mỹ. Đã có hơn 35.000 xe Mazda3 thế hệ thứ 4 được thông báo triệu hồi tại Mỹ và Mexico vào tháng 12/2019 để cập nhật phần mềm điều khiển mới cho hệ thống SBS.
Trong email gửi tới Zing.vn, Thaco lên tiếng xác nhận hệ thống SBS trang bị trên các phiên bản Premium của Mazda3 và Mazda3 Sport gặp trục trặc. Hãng cũng cho biết đã làm việc với tập đoàn Mazda để tìm ra nguyên nhân và xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức.
Theo ý kiến từ chuyên gia ôtô Sơn Nguyễn tại TP.HCM, để tránh hiện tượng hệ thống SBS hoạt động không chính xác người dùng đang sử dụng xe Mazda3 2020 bản Premium nên chủ động tắt chức năng này trước khi lái xe thông qua cài đặt trên màn hình trung tâm. Cần lưu ý rằng tính năng SBS sẽ tự kích hoạt trở lại sau mỗi lần khởi động xe.
Chức năng SBS có thể được tắt thông qua cài đặt của hệ thống điều khiển trung tâm. |
Mitsubishi Triton 4x4 MIVEC Premium - 865 triệu
Ở đợt nâng cấp thứ 2 cho Triton trong năm 2019, Mitsubishi Việt Nam đã giới thiệu phiên bản Premium mới có trang bị thêm hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước - Forward Collision Mitigation System (FCM). Mitsubishi Triton là dòng bán tải thứ 2 tại Việt Nam sau Ford Ranger có phanh chủ động.
Cũng như 2 hệ thống phanh chủ động của Ford và Mazda, FCM sử dụng camera và cảm biến để phát hiện các vật cản phía trước xe trong quá trình di chuyển, từ đó sẽ chủ động can thiệp phanh nhằm giúp hạn chế va chạm phía trước hoặc giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có va chạm nếu người lái không kịp xử lý. Còn nếu người lái chủ động đánh lái hoặc tăng tốc thì FCM có thể sẽ không hoạt động.
Mitsubishi cho biết thêm là FCM có thể hỗ trợ ngăn ngừa tai nạn với phương tiện phía trước ở dải vận tốc 5-80 km/h và với người đi bộ khi xe chạy 5-65 km/h. Đi kèm với đó là nhắc nhở người lái cần tập trung, tránh phụ thuộc vào FCM khi điều khiển xe bởi trong một vài hệ thống có thể không nhận diện được vận cản.
Ngoài FCM, Mitsubishi Triton 2020 còn có một chức năng hỗ trợ tránh va chạm khác là hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn - Ultrasonic Misacceleration Mitigation System (UMS). Trong trường hợp người lái đột ngột đạp mạnh chân ga ở số tiến hoặc lùi, UMS sẽ can thiệp giảm công suất động cơ để hạn chế nguy cơ va chạm.
Nhìn chung, các công nghệ an toàn ngày càng phát triển, và công nghệ hỗ trợ phanh là một trong những trang bị được đánh giá là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe đều khuyến cáo đây chỉ là công nghệ hỗ trợ, và người lái vẫn cần tập trung điều khiển xe, cũng như chủ động phanh trong các tình huống xuất hiện trên đường.
Trên thực tế, hệ thống hỗ trợ phanh không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả, Mazda3 thế hệ mới tại Việt Nam cũng ghi nhận các lỗi xe bất ngờ tự phanh trên đường mà không có vật cản, hoặc xe đâm vào vật cản khi thử nghiệm hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp này.