Trong khoảng 2 năm gần đây, xe gầm cao dần trở nên phổ biến, là sự lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu sử dụng gia đình hoặc kinh doanh. Bên cạnh những mẫu MPV, SUV hạng B cũng được ưa chuộng vì tính tiện dụng đi kèm kích thước nhỏ gọn. Trong tầm giá 700 triệu đồng, khách hàng có nhiều sự lựa chọn SUV như Mitsubishi Xpander Cross, Suzuki XL7 hay Hyundai Kona...
Mitsubishi Xpander Cross (670 triệu đồng)
Vừa ra mắt Việt Nam cách đây vài ngày, Mitsubishi Xpander Cross được sinh ra để tiếp nối sự thành công của Xpander. Xpander Cross là phiên bản SUV của Xpander - hướng đến nhóm khách hàng thích phong cách thể thao hơn.
Tổng thể, Xpander Cross giống Xpander MPV đến 80%. Một số khác biệt nằm ở lưới tản nhiệt, cản va trước hầm hố hơn, đèn sương mù LED, ốp sườn và vòm bánh xe mở rộng hơn. Mitsubishi Xpander Cross trang bị động cơ hút khí tự nhiên 4 xy-lanh, dung tích 1.5L, cho công suất 105 mã lực và mô-men xoắn 141 Nm. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước và hộp số tự động 4 cấp.
Vẫn sở hữu cấu hình 7 chỗ nhưng không gian nội thất của Xpander Cross rộng rãi và thoải mái hơn phiên bản MPV do kích thước tổng thể được cải thiện đôi chút. Bên cạnh đó, khoảng sáng gầm của Xpander Cross cũng được nâng thêm 20 mm, giúp xe có khả năng lội nước 400 mm - phù hợp với điều kiện giao thông Việt Nam.
Với mức giá 670 triệu đồng, Xpander Cross sở hữu nhiều trang bị như màn hình cảm ứng 7 inch tương thích Android Auto/Apple CarPlay, khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm... Những tính năng an toàn trên xe gồm kiểm soát hành trình, phanh ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát lực kéo…
Toyota Rush (668 triệu đồng)
Với mức giá 668 triệu đồng, Toyota Rush là đối thủ ngang tầm nhất với Mitsubishi Xpander Cross. Phiên bản thu nhỏ của Fortuner sở hữu những trang bị khá tốt như đèn LED trước/sau, bộ mâm 17 inch...
Có mặt tại Việt Nam cùng thời điểm với Mitsubishi Xpander, Rush bị thất thế so với đối thủ. Mẫu xe của Toyota có mức giá cao, chưa kể tình trạng "bia kèm lạc" trong khi điều này không xảy ra với Xpander.
Xét về trang bị, Toyota Rush không thua kém các đối thủ trong phân khúc với 6 túi khí, hệ thống âm thanh 8 loa, điều hòa tự động. Điểm trừ của mẫu xe này là nội thất chỉ được bọc nỉ và hệ thống giải trí không hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto.
Toyota Rush sử dụng động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng, dung tích 1.5L, sản sinh công suất 102 mã lực và mô-men xoắn 134 Nm. Xe đi cùng hộp số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu sau. Mẫu SUV của Toyota được đánh giá là vận hành êm ái ở điều kiện đường xấu và khả năng cách âm gầm tốt.
Suzuki XL7 (589 triệu đồng)
Tương tự Xpander Cross, Suzuki XL7 được xây dựng dựa trên nền tảng mẫu MPV Ertiga. So với Toyota Rush và Mitsubishi Xpander Cross, XL7 có lợi thế khá lớn khi giá bán chỉ ở mức 589 triệu đồng.
So với Ertiga, Suzuki XL7 có kiểu dáng thể thao và năng động hơn nhờ các điểm nhấn như lưới tản nhiệt kép, cản va trước hầm hố, baga mui, ốp hốc bánh xe rộng.
Nội thất của Suzuki XL7 nổi bật với màn hình thông tin giải trí cảm ứng 10 inch kết nối Apple CarPlay/Android Auto, vô-lăng tích hợp nút chỉnh âm thanh và đàm thoại rảnh tay, khởi động bằng nút bấm. Các công nghệ hỗ trợ gồm hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi, 2 cảm biến lùi...
Suzuki XL7 sử dụng động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng, dung tích 1.5L cho công suất 103 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn 138 Nm tại 4.400 vòng/phút. Xe được trang bị hộp số tự động 4 cấp.
Hyundai Kona (615-725 triệu đồng)
Trong phân khúc SUV cỡ nhỏ, Ford EcoSport là đối thủ lớn nhất của Hyundai Kona. Kona đang được phân phối tại Việt Nam với 3 phiên bản có giá từ 615 triệu đồng đến 725 triệu đồng. Dù có giá đắt hơn EcoSport, Kona vẫn vượt trội đối thủ về mặt doanh số nhờ kiểu dáng cá tính, trẻ trung và động cơ mạnh mẽ.
Mẫu xe của Hyundai sở hữu hệ thống đèn chiếu sáng hoàn toàn bằng LED: đèn định vị đặt trên, đèn pha đặt dưới theo xu hướng hiện đại. Ở phía sau, đèn hậu thiết kế 3D đẹp mắt.
Ở bên trong, Kona sở hữu không gian nội thất rộng rãi dù là mẫu xe cỡ nhỏ. Xe còn được trang bị màn hình cảm ứng màu 8 inch, dàn âm thanh 8 loa, ghế lái chỉnh điện 10 hướng và kiểm soát hành trình... Các công nghệ an toàn trên Kona gồm phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, khởi hành ngang dốc, 6 túi khí, hỗ trợ xuống dốc, kiểm soát lực kéo, cảnh báo điểm mù và cảnh báo áp suất lốp.
Tại Việt Nam, Hyundai Kona có 2 tùy chọn động cơ gồm động cơ hút khí tự nhiên 2.0L công suất 149 mã lực, mô-men xoắn 180 Nm và động cơ tăng áp 1.6L công suất 177 mã lực, mô-men xoắn 270 Nm. Động cơ 2.0L đi kèm hộp số tự động 6 cấp, trong khi động cơ tăng áp đi cùng hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Kia Seltos (589-719 triệu đồng)
Kia Seltos là thành viên mới nhất của phân khúc SUV cỡ nhỏ cho đô thị tại thị trường Việt Nam. Trong nhóm xe này, kiểu dáng của Seltos gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Trong khi các đối thủ "an toàn" với kiểu dáng mềm mại thì Seltos có thiết kế vuông vức thừa hưởng từ các mẫu xe đàn anh.
Kiểu dáng hầm hố của xe được nhấn mạnh bởi hệ thống đèn LED 2 tầng, lưới tản nhiệt mũi hổ viền chrome, hốc bánh xe ốp nhựa tối màu và cánh lướt gió mui cỡ lớn.
Ở bên trong, ca-bin của Seltos được bọc da, vô-lăng 3 chấu dạng D-cut thể thao và màn hình đa thông tin ở giữa bảng đồng hồ. Các trang bị đáng chú ý khác của Seltos như điều hòa tự động, cửa sổ trời, ga tự động, khởi động bằng nút bấm, hệ thống thông tin giải trí hỗ trợ kết nối Apple CarPlay, màn hình cảm ứng 10,25 inch và cụm 6 loa.
Kia Seltos có 2 tùy chọn động cơ, gồm động cơ tăng áp 1.4L công suất 138 mã lực, mô-men xoắn 242 Nm đi kèm hộp số 7 cấp ly hợp kép và động cơ hút khí tự nhiên 1.6L. Thaco không công bố chi tiết về động cơ 1.6L.
Seltos được phân phối tại Việt Nam với 4 phiên bản 1.4 Deluxe, 1.4 Luxury, 1.6 Premium và 1.4 Premium đi kèm mức giá lần lượt là 589 triệu đồng, 649 triệu đồng, 699 triệu đồng và 719 triệu đồng. Theo đại diện Thaco, đây là mức giá ưu đãi dành cho khách hàng đặt trước xe. Dự kiến, Kia Seltos sẽ được bán ra từ đầu tháng 9.