Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những món ăn có tên gọi dễ gây hiểu lầm

Nếu chỉ nghe tên gọi mà chưa thưởng thức, thực khách có thể bất ngờ bởi thực tế những món ăn dưới đây khác với tưởng tượng.

Ẩm thực Việt Nam được khách du lịch quốc tế yêu thích bởi nhiều đặc sản ngon khắp 3 miền. Mỗi món ăn có thể được đặt tên theo nét riêng của vùng miền, những đặc trưng độc đáo trừ nguyên liệu, cách chế biến.

Cháo canh

Cháo canh là món ăn nổi tiếng ở xứ Nghệ. Nhiều người chưa biết thường sẽ nghĩ đây là một loại cháo. Tuy nhiên, đặc sản này không phải là sự kết hợp giữa bánh canh và cháo như tên gọi. Nguồn gốc của cái tên độc đáo này bắt nguồn từ cách chế biến.

Theo đó, nước dùng phải có độ sánh như cháo. Độ sánh được tạo ra từ việc đun sôi sợi bánh. Không chần qua như bún, phở, sợi cháo canh làm từ bột mì và bột gạo phải được đun sôi lại vài phút rồi vớt ra. Bát cháo canh đầy đủ gồm có nước dùng, sợi bánh, thịt lợn, chả, trứng cút luộc, thịt cá hoặc tôm, rau thơm, hành phi.

Bánh đa cua

Có mặt ở nhiều quán ăn từ Bắc vào Nam, bánh đa cua là đặc sản thành phố Hải Phòng. Thoạt nghe, nhiều người lầm tưởng đây là một món bánh thuần túy. Tuy nhiên, món ăn này có hình thức và cách thưởng thức gần giống bún, phở.

Tên gọi của đặc sản này bắt nguồn từ 2 thành phần không thể thiếu trong chế biến là bánh đa đỏ và cua đồng. Bánh đa đỏ là nguyên liệu phổ biến của người Hải Phòng. Bánh có màu nâu sậm, sợi mỏng, giòn, được làm từ gạo.

Ngoài ra, các thành phần trong món ăn còn có chả lá lốt, rau muống hoặc cần, hành lá, hành phi, ớt...

Bánh canh

Bánh canh là món ăn dân dã, quen thuộc ở nhiều vùng miền. Món ăn này được chế biến nhiều cách khác nhau. Tùy vào sở thích và nguyên liệu sẵn có, bạn có thể trổ tài vào bếp với bánh canh ghẹ, thập cẩm, tôm cua, chả cá giò heo...

Ngoài ra, món ăn này còn là đặc sản của nhiều địa phương như bánh canh Nam Phổ (Huế), bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh canh bột xắt (miền Tây)... Dù chế biến bằng cách nào, bánh canh cũng được phục vụ như món nước, gần giống bún, phở chứ không phải một loại bánh.

Sợi bánh canh được làm từ bột gạo hoặc bột lọc. Bánh canh bột gạo có sợi màu trắng đục, mềm, thơm. Bánh canh bột lọc có sợi màu trắng trong, mềm, dẻo và dai.

Bánh da lợn

Bánh da lợn là món tráng miệng quen thuộc của người Nam Bộ. Tên gọi độc đáo này được đặt bởi người dân địa phương. Vừa nghe tên, thực khách thường nghĩ món bánh này được làm từ da lợn. Tuy nhiên, nguồn gốc của cái tên đến từ hình thức bên ngoài. Bánh có từng lớp bột mỏng như da lợn.

Bột năng, dừa nạo, đường trắng, vanilla, lá dứa, đậu xanh, khoai môn nghiền mịn... là những nguyên liệu chính để chế biến món ăn này. Để tạo mùi vị riêng, người làm bánh có thể xay sầu riêng trộn chung với nhân. Bánh được hấp trong khuôn đợi chín rồi cắt nhỏ thành miếng và thưởng thức.

Bánh bông lan

Có nguồn gốc từ Pháp, bánh bông lan là món ăn không còn xa lạ với người Việt. Nếu không tìm hiểu, bạn có thể nghĩ món bánh này có bề ngoài giống hoa lan. Tuy nhiên, bánh bông lan có thể làm theo nhiều hình dáng khác nhau như cuộn tròn, vuông, chữ nhật...

Các nguyên liệu chính để chế biến món bánh này là bột mì, bột nở, trứng, vanilla... Trong đó, vanilla là thành phần tạo nên mùi thơm cho bánh. Nguyên liệu này được chiết xuất từ hương của một loại hoa phong lan. Tên gọi bánh bông lan bắt nguồn từ đó.

Hương vị trứng trong loạt món đường phố ở Việt Nam

Súp cua, bánh mì chảo, cơm tấm... luôn chinh phục giới sành ăn. Trứng lòng đào, bắc thảo hay chả trứng muối được kết hợp với các món ngon này tạo hương vị hấp dẫn.

Bích Phương

Bạn có thể quan tâm