Cùng với bánh chưng, xôi, thịt gà, mâm cơm Tết không thể thiếu khoanh giò. Để ẩm thực Tết của gia đình thêm phong phú, hãy thử “đổi gió” với những món giò lạ miệng mới.
Giò ngựa
Nếu giò lụa, giò bò là những món ăn đã có từ lâu thì giò ngựa mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây, từ các hộ gia đình buôn ngựa ở miền Bắc. Giò ngựa ngày càng được làm nhiều hơn để phục vụ cho dịp Tết.
Nếu bạn muốn tìm món đặc sản độc lạ, mới mẻ cho mâm cơm ngày Tết, đãi bạn bè thì giò ngựa là một gợi ý. Ảnh: Phương Vy. |
Giò ngựa khi thưởng thức có vị ngọt lạ miệng, giò nạc nhưng không bị dai mà vẫn mềm. Điều này có được nhờ vào nguyên liệu chính là thịt ngựa nạc, không gân, ít mỡ. Ngoài thịt ngựa, giò còn có thêm chút thịt mỡ lợn để tránh bị khô.
Giò me
Giò me là món ăn quen thuộc của người Nghệ An, còn được gọi là giò bê. Những năm trở lại đây, giò me bắt đầu trở nên nổi tiếng hơn, được không ít người ưa chuộng và lựa chọn cho trong dịp Tết cổ truyền. Nguyên liệu chính để làm giò me là thịt bê nguyên miếng, bì bê, hạt tiêu, nước mắm cùng một số loại gia vị khác.
Bạn có thể dùng giò me kèm tương ớt hoặc nước mắm cay. Ảnh: Lê Vĩnh Tiệp. |
Khi thưởng thức, giò me được cắt lát mỏng, những lát thịt chín đều màu tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng. Không chỉ có vậy, mùi vị của món ăn này rất đặc trưng, thơm ngậy và dễ ăn.
Giò đà điểu
So với những loại giò ngựa, giò me, giò đà điểu tương đối mới mẻ. Nó được làm từ nguyên liệu chính là thịt đà điểu. Món giò hấp dẫn này có hình thức gần tương tự giò me, hương vị có chút giống như giò bò nhưng lạ miệng hơn.
Giò đà điểu dù làm quà tặng hay một món ăn trong mâm cơm ngày Tết đều hợp lý. Ảnh: Ken Nguyễn. |
Giò đà điểu được nhiều người tìm mua không chỉ bởi hương vị thơm giòn, không ngấy, dễ ăn mà còn bởi lợi ích của thịt đà điểu. Thịt đà điểu sạch, chứa nhiều dinh dưỡng và đặc biệt là mỡ không no.
Giò ngũ sắc
Mùa Tết là mùa của những sắc màu rực rỡ. Cũng bởi thế mà nhiều món ăn được sáng tạo mang nhiều màu sắc ấn tượng, trong số đó có giò ngũ sắc. Món ăn này có hình thức bắt mắt, miếng giò nhỏ gọn, điểm xuyết nhiều màu sắc từ các nguyên liệu như thịt lợn, trứng muối, cà rốt, mộc nhĩ.
Nếu bạn đã không còn mặn mà với giò truyền thống, hãy thử giò ngũ sắc. Ảnh: Littlethingbiglove/Instagram. |
Ngoài ra, giò ngũ sắc còn có các thành phần như tai lợn, trứng gà tươi, chút rượu trắng, hành, các gia vị và lá chuối. Giò ngũ sắc không chỉ đẹp mà còn thơm ngon, nhiều vị lạ miệng, vừa mềm nhưng vẫn giòn sần sật. Giò ngũ sắc thích hợp ăn kèm với củ kiệu hoặc bánh tráng.