Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những món trứng gây tranh cãi

Ăn trứng ngỗng giúp con thông minh, trứng nấu cà chua có độc, tác dụng thực sự của món trứng vịt lộn là những vấn đề khiến nhiều người tranh cãi.

Trứng vịt lộn có tốt không?

Từ xưa đến nay, trứng vịt lộn được coi là món ăn bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích. Trong Đông y, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị như rau răm, gừng tươi là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…

Trứng vịt lộn - món ăn quen thuộc của người Việt Nam.

Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy trong một trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212mg phốtpho; 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten (435µg); vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…

Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng món ăn này hợp lý thì trứng vịt lộn lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo Kiến thức, Lương y Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam chia sẻ nhiều trường hợp bị xơ gan trướng bụng do ăn nhiều trứng, nhất là trứng vịt lộn. Đặc biệt, người bị ung nhọt độc ăn vào dễ bị đùn thịt thừa, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Trả lời trên Sức khỏe đời Sống, bác sĩ Trần Văn Thuấn cho biết, ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gút (gout).

Vì vậy, bác sĩ này cho rằng nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, với số lượng nhất định (trẻ em 1 quả/ngày, người lớn 2 quả/ngày).

Trứng nấu cà chua gây có độc?

Vài năm trở lại đây, một món ăn quen thuộc nhưng lại bị đồn đoán là có độc, thậm chí gây ung thư là trứng nấu cà chua khiến nhiều người dân hoang mang, không dám tiếp tục sử dụng trong bữa cơm hàng ngày.

Tuy nhiên, thông tin này đã lập tức được các chuyên gia bác bỏ. Trên báo Người lao động, TS Phạm Duệ, nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng thông tin lan truyền trên mạng này thiếu cơ sở khoa học và không có giá trị.

Canh trứng nấu cà chua là món ăn bổ dưỡng - Ảnh: suckhoedoisong.vn.

Chia sẻ trên Sức khỏe đời sống, Tiến sĩ Tiểu Lan cho rằng canh trứng nấu cà chua là món ăn rất bổ dưỡng.

Trong đó, trứng gà có 12,5% protid, 11,6% chất béo, các vitamin A, D1, D2, E, B và nhiều chất khoáng vi lượng. Lòng đỏ trứng, ngoài giá trị dinh dưỡng còn có tác dụng như chất đề kháng chống lại bệnh tật. Lòng trắng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai của cơ bắp. Ăn trứng gà làm chậm quá trình ôxy hóa, giúp da dẻ hồng hào, tươi trẻ, tăng tuổi thọ.

Chất lecithin trong lòng trắng có tác dụng kích thích tăng nhu động của ruột non, làm giảm cholesterol và mỡ không bám vào thành mạch, chống xơ vữa động mạch. Các vitamin nhóm B, nhất là B2 có trong trứng gà giúp phân giải độc tố và thải trừ các chất gây ung thư. Lòng đỏ trứng gà giúp tăng cường trí nhớ và tái phục hồi trí nhớ.

Cà chua có hàm lượng vitamin A cao, trung bình trong 100g cà chua chín còn tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A cho cơ thể, cung cấp các vitamin B6, C, B1, B2, PP... Các chất khoáng vi lượng có trong cà chua như canxi, sắt, kali, phospho, magnesium, lưu huỳnh, nikel, cobal, iôt, các axit hữu cơ dưới dạng muối citrat và có thể có cả đồng, molibden. Chính nhờ các thành phần dinh dưỡng này, cà chua được coi là một thức ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Bác sĩ Cẩm Nga chia sẻ canh cà chua trứng là vị thuốc bổ não. Món canh này phát huy được tối đa các dưỡng chất của cà chua và trứng.

Tuy nhiên các bác sĩ cũng lưu ý cần sử dụng cà chua chín để chế biến thức ăn, bởi khi còn xanh loại hoa quả này chứ ancaloid độc có tên là solanin rất dễ gây ngộ độc. Chất độc này không còn nữa nếu cà chua đã chín.

Trứng ngỗng giúp con thông minh?

Theo quan niệm dân gian, trứng ngỗng là món ăn không thể thiếu trong quá trình mang bầu, bởi tác dụng giúp tăng cường trí thông minh cho thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Phụ nữ mang thai thường được khuyên ăn 7 quả (sinh con trai), 9 quả (con gái).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học hiện đại đã khẳng định trên thực tế chưa có bất cứ bằng chứng khoa học này chứng minh tác dụng này của trứng ngỗng. Bởi trí thông minh của trẻ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như là gene di truyền, cấu trúc não, bản tính, môi trường sống, sự giáo dục...

Theo Giadinh.net, giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng kém xa trứng gà. Trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Do đó các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng sẽ tốt hơn rất nhiều.

Muốn sinh con khỏe mạnh, trí não phát triển, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quý. Trong trứng gà thành phần các chất protein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng cơ thể rất tốt.

Tháng 8, công an Hà Nội vừa bắt giữ 1.500 quả trứng ngỗng nhập lậu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch - Ảnh: anninhthudo.vn.

Do trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng thực phẩm này.

A.H (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm