TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh, 43 tuổi) sốt cao liên tục từ lúc nhập viện, tình trạng diễn tiến ngày càng xấu hơn. Thời điểm xấu nhất, phổi phi công gần như trắng xóa, chỉ còn 10%. Ngày 18/5, bệnh nhân được chụp CT lần hai cho thấy kết quả khả quan, 20-30% phổi có dấu hiệu phục hồi. "Hành trình giành giật sự sống cho nam phi công có thêm hy vọng, dù chỉ là hy vọng mong manh cuối đường hầm”, TS Châu nói. |
Từ khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên đến nay, Trương Nguyễn Quốc Đạt, 25 tuổi, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chia sẻ bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 đặc biệt nhất anh chăm sóc. Đạt cho biết nhân lực chăm sóc bệnh nhân này chia thành 3 ca, 4 kíp trực. “Tất cả đều tập trung, dồn sức hướng về bệnh nhân 91. Một mình ông ấy thôi nhưng có 12 điều dưỡng, 4 bác sĩ hồi sức của bệnh viện và 3 bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, điều trị. Lúc này, chỉ mong ông ấy có thể hồi phục”, điều dưỡng Đạt tâm sự. |
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận nam phi công, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, không khỏi xúc động. "Bệnh nhân có hiện tượng rối loạn đông máu, Bộ Y tế phải đặt hàng thuốc kháng đông qua đường tĩnh mạch của Đức. Trong thời gian chờ thuốc về, bệnh nhân được dùng tạm thuốc chống đông. Thời gian đó, chúng tôi như người đi trên dây, hồi hộp từng phút. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân có biểu hiện bất ổn. Đến ngày thứ 10, thuốc từ Đức về đến bệnh viện. Tất cả thở phào. Đó là những ngày rất mệt, rất căng thẳng, đến ngủ cũng nằm mơ thấy phác đồ điều trị", bác sĩ Phong kể. |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19, chia sẻ trong thời gian chống dịch, ông và những người đồng nghiệp có nhiều kỷ niệm đẹp. Cuộc chiến của các y bác sĩ, đội ngũ y tế tuyến đầu cam go, vất vả, nhưng những chiến binh khoác blouse trắng chưa bao giờ chiến đấu một mình. PGS Khuê kể lại trường hợp bệnh nhân 91: “Có những lúc, chúng tôi tưởng bệnh nhân sẽ ra đi, tưởng phải thay phổi. Ngày 11/5, tôi có tuyên bố cần có phổi ghép cho bệnh nhân, thì đến 19/5, 59 người dân Việt Nam đăng ký hiến phổi, người lớn nhất đã 76 tuổi. Đó là tấm lòng của tất cả người dân Việt Nam, cùng chung tay với thầy thuốc điều trị cho người bệnh”. |
Trong 65 ngày bệnh nhân 91 nằm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 43 ngày cùng hỗ trợ điều trị. Ngoài ECMO, kíp bác sĩ trẻ có tay nghề cao còn thực hiện nhiều kỹ thuật trong hồi sức như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp. “Trong 43 ngày, chúng tôi nhận thấy phổi của bệnh nhân diễn tiến rất nặng, tình huống xảy ra trong điều trị có nhiều biến cố. Chúng tôi từng kinh qua nhiều bệnh, dù tuyệt vọng vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát”, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kể lại. Bác sĩ Thảo chia sẻ khi ê-kíp điều trị tính đến phương án ghép phổi là thời điểm khả năng sống của bệnh nhân 91 rất thấp. |
PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo nhận định nam phi công mắc Covid-19 là "trường hợp rất đặc biệt, y văn thế giới không có nhiều ca". PGS Thảo cho hay các bác sĩ phải đọc nhiều tài liệu. "Thời điểm đó, chúng tôi sử dụng loại thuốc kháng đông đặc hiệu không phải Heparin. Trong đêm, chúng tôi quyết định sử dụng thuốc khác vì màng ECMO đông liên tục. Đây là ca đầu tiên sau 2 giờ khi thực hiện phương pháp ECMO, màng đông cứng, trong khi không phải kíp bình thường có thể thay màng lọc được. Chúng tôi phải tiến hành thay màng để bệnh nhân không ngưng tim. Trong 57 ngày, chúng tôi đã thay 7 màng ECMO. Đây là ca quá đặc biệt của thế giới”, bác sĩ Thảo nói. |
Khi nam phi công có cử động tay, ngưng ECMO, ngưng an thần, điều ê-kíp điều trị sợ nhất là bệnh nhân có tỉnh lại hay không vì ảnh hưởng đến tế bào não. May mắn, khi ngưng các loại thuốc, bệnh nhân phục hồi tri giác rất tốt. Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại: "Khi bệnh nhân bắt đầu nói, anh hỏi lại tất cả đồ đạc của mình trong balo. Sử dụng điện thoại, nam phi công liên lạc với bạn bè và được bạn bè kể lại quá trình điều trị. Bạn bè anh ấy đã nói nếu ở nơi nào khác, anh ấy có thể đã chết”. Theo bác sĩ Thảo, ICU có nhiều bệnh nhân nặng, nhưng không có người nào nặng như phi công người Anh. |
Với điều dưỡng Hồ Thị Thi (42 tuổi), Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy và toàn ê-kíp, không ai ngờ nam phi công hồi phục nhanh đến vậy. "Khi bệnh nhân ổn hơn, đến giai đoạn hồi phục, mọi người đều mừng. Riêng chúng tôi càng thấy lo lắng. Bởi lúc này, trách nhiệm thuộc về điều dưỡng rất lớn. Nếu bệnh nhân không may xảy ra điều gì…", chị Thi bỏ lửng câu nói. Sau đó, chị mỉm cười: "Nhưng may mắn là ông ấy đã khỏe”. |
Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, “nam phi công đã đi từ cõi chết trở về”, việc đưa ra quyết định để giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của toàn bộ ê-kíp. “Chúng tôi như người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây sẽ bị đau. Còn với ê-kíp điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay, bệnh nhân sẽ chết. Chính những áp lực vô hình này buộc y bác sĩ không chỉ phải khéo léo như diễn viên xiếc mà còn phải tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp ở từng thời điểm”, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ. Ngày 2/6, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh. Bệnh nhân 91 nhìn các y bác sĩ và nở nụ cười rất đẹp. |
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, đã có thời gian thân thiết "như hình với bóng" với bệnh nhân 91. Bác sĩ Linh cho biết thời gian điều trị cho bệnh nhân 91 thực sự là những ngày căng não nhất, mệt nhất, thót tim nhiều nhất. "Mỗi năm, bệnh viện đã tiến hành trên 150 ca ECMO, nhưng chưa ca nào khiến chúng tôi căng thẳng, đau đầu như ca này", bác sĩ Linh nói. Ngày bệnh nhân tỉnh lại, bác sĩ Linh và đồng nghiệp như vỡ òa. Đó là lần đầu tiên bác sĩ Linh nhìn thấy nam phi công cười sau những thời khắc tưởng chừng “thập tử nhất sinh”. Sau nụ cười đó, bệnh nhân 91 thốt lên câu nói đầu tiên: Fantastic! (thật tuyệt diệu). |