Những nghệ sĩ Kpop bị công ty quản lý 'ngược đãi'
Block B, JYJ, Kara, Han Geng và nhiều ngôi sao xứ Hàn đã bị công ty quản lý quỵt lương, "ăn chặn" thu nhập, bóc lột sức lao động.
Nổi tiếng là nền công nghiệp giải trí bài bản và có quy củ, nhưng Kpop đang dần bộc lộ một vài điểm xấu và bản chất bên trong lớp vỏ hào nhoáng khi ngày càng có nhiều scandal xuất hiện. Tại Kpop, mỗi nhóm nhạc hay nghệ sĩ đều hoạt động dưới trướng của một công ty quản lý, do đó lương cũng như thu nhập mà họ làm ra sẽ được ăn chia theo như hợp đồng đã ký giữa đôi bên. Tuy nhiên, cách làm này đôi khi cũng dẫn đến những thiệt thòi cho nghệ sĩ khi không được hưởng xứng đáng thành quả do mình làm ra, thậm chí là bị quỵt lương và "ăn chặn" thu nhập.
Block B
Nhóm nhạc tài năng xứ hàn đã nỗ lực nhiều năm và vượt qua bao sóng gió để được đứng trên sân khấu. Họ chỉ vừa được hưởng thụ những "trái ngọt" do mình làm ra ít ngày đã rơi vào tình trạng bị xử tệ từ chính "cha đẻ", Stardom.
Không chỉ lờ đi khoản lương hàng tháng của các thành viên từ tháng 4/2011, công ty Stardom còn lĩnh trọn khoản thù lao của Block B từ việc tham gia các sự kiện, các ca khúc nhạc phim cũng như nguồn thu từ trang web fanclub của nhóm tại Nhật… Thậm chí, ông Lee, CEO của công ty, còn biến mất cùng với 70 triệu won (khoảng 1,4 tỷ đồng) thu được từ phụ huynh của các thành viên. Ngay khi những thông tin này được đăng tải, cộng đồng fan của Block B đã vô cùng lo lắng cho tương lai của nhóm.
JYJ
May mắn được đầu quân cho một công ty quản lý hàng đầu tại Hàn Quốc nhưng số phận của 3 chàng trai nhóm DBSK là Hero Jae Joong, Jun Su và Micky Yoo Chun chẳng may mắn. Họ bị vắt kiệt sức lao động trong suốt 13 năm, còn số tiền nhận về chẳng đáng là bao.
Sự việc "xấu mặt" trên của SM Entertainment chỉ thực sự bị phanh phui khi 3 thành viên vùng mình đứng lên đòi lại công lý thông qua lá đơn kiện được gửi lên tòa án tối cao. Hơn 3 năm trôi qua, vụ "giằng co" giữa JYJ và ông chủ "khét tiếng" Lee Soo Man đã đạt được thỏa thuận chung, nhưng tạm thời cả 3 chàng trai vẫn phải hoạt động trong cảnh bị cấm vận tại hầu hết các chương trình TV vô thời hạn.
Kara
Lý do nghi ngờ công ty quản lý "nuốt" tiền và bóc lột sức lao động, 4 thành viên nhóm nhạc Kara đã thân chinh đi kiện vào đầu năm 2011. Vụ việc không chỉ gây ra một cơn chấn động tại Kpop khi một lần nữa cho thấy mặt trái của thế giới thần tượng, mà còn gây náo loạn bởi những nguồn tin không trùng khớp mà các bên đưa ra. Thậm chí, vụ việc còn ầm ĩ hơn khi các bậc phụ huynh đồng loạt ra mặt và can thiệp vào vụ kiện. Những tưởng, Kara sẽ có một cái kết bi thảm như đàn anh DBSK, nhưng may thay cả Kara và DSP Entertainment đã tìm được tiếng nói chung và đi đến hòa giải.
Han Geng (Super Junior)
Nổi tiếng với những "tiền án tiền sự" bóc lột nghệ sĩ, SM Entertainment luôn được fan Kpop nhắc đến cùng những lời đồn thổi như ngược đãi "gà nhà", đánh đập dã man những nghệ sĩ không nghe lời… Cho đến khi thành viên người Trung Quốc của nhóm nhạc Supper Junior, Han Geng đệ đơn kiện SM với lý do bị bóc lột với bản hợp đồng nô lệ kéo dài, không minh bạch về chuyện tài chính và bị đối xử phân biệt, fan lại càng chắc nịch vào những câu chuyện trên.
Tuy nhiên, sự việc giữa Han Geng và SM lại khiến nhiều người nghi ngại, thực chất đây chỉ là một chiêu trò PR công ty nghĩ ra. Nguyên nhân là chẳng bao lâu sau ngày tòa án tuyên bố thắng kiện, Han Geng lại đột ngột rút đơn khiến cho kết quả trước đó bị hủy bỏ hoàn toàn, đồng nghĩa với việc anh chàng này tự "xích" mình vào "cùm nô lệ" của SM Entertainment thêm một thời gian nữa.
Ngoài ra, CCM Entertainment, NH Media cũng là 2 trong số những công ty mang tiếng xấu khi thẳng tay đuổi "nghệ sĩ", sau bao ngày nỗ lực và cố gắng của họ. Tuy vậy, không phải tất cả các công ty quản lý tại Kpop đều hoạt động theo phương thực trên, nhìn vào JYP Entertainment hay YG Entertainment, hoặc nhiều công ty khác, có thể thấy họ không chỉ hỗ trợ "gà nhà" trên mọi phương diện mà còn đối xử với nhau như một gia đình.
Theo Tiin