Đền Hùng là tên gọi chung cho cả khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền là nơi thờ các vua Hùng Vương có công dựng và giữ nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Đền Hùng được xây dựng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng và đến thời Hậu Lê thì được xây dựng hoàn chỉnh như quy mô hiện tại.
Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. |
Quần thể di tích lịch sử Đền Hùng gồm có 4 đền chính: đền Hạ và chùa, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng. Từ cổng di tích bước vào, sau khi vượt qua những bậc đá để lên thăm và thắp hương tại các đền thờ, điểm đến đầu tiên mà du khách ghé thăm là đền Hạ và kết thúc ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng Vương thứ 6.
Đền Hạ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17-18, thờ mẹ Âu Cơ. Tương truyền, tại nơi đây mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Sau đó, 50 người con theo cha xuống biển, đến vùng có nước non để quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi. 50 người con còn lại theo mẹ lên vùng núi, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Người con trưởng ở lại làm vua, lập nên nước Văn Lang.
Đền Trung còn có tên là Hùng Vương tổ miếu, từng là nơi mà các vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng ngắm cảnh và bàn việc nước. Cũng chính tại nơi đây, vua Hùng đã trao ngôi báu cho hoàng tử Lang Liêu, người con đã tạo nên bánh chưng - bánh dầy. Đền được xây dựng vào thời Lý -Trần, sau đó bị giặc Minh tàn phá nhưng đã được tu sửa lại.
Đền Thượng có tên là Kính Thiên Lĩnh Điện, nghĩa là đền thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Đây là nơi mà các vua Hùng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng cầu mong mưa thuận gió hòa, ban mùa màng tốt tươi cho nhân dân. Đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm 4 cấp: nhà chuông trống, đại bái, tiền tế, hậu cung.
Lăng Hùng Vương là nơi thờ vua Hùng Vương thứ 6, nằm ở phía đông của đền Hạ. Xưa kia lăng là mộ đất. Đến năm 1870, vua Tự Đức đã cho xây dựng lại mộ lăng và đến năm 1922 vua Khải Định cho tu sửa lại.
Đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ 18. Tương truyền đây là nơi mà hai công chúa của vua Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương chải tóc. Hai nàng công chúa đã có công dạy nhân dân trồng lúa, trị thủy nên sau khi hai nàng mất, nhân dân đã lập đền thờ.
Ngoài 4 ngôi đền và lăng chính, khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có nhiều di tích khác như đền thờ Mẫu Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân; nhà bia nơi đặt tấm bia đá khắc dòng chữ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đền Hùng năm 1954; Thiên Quang Thiền Tự được xây dựng từ thế kỷ 15, thờ Phật theo phái Đại Thừa (trong khuôn viên chùa có cây đa cổ thụ gần 800 năm tuổi); cột đá thề nằm bên cạnh đền Thượng, do Thục Phán dựng lên khi được vua Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi nhằm thề nguyền bảo vệ non sông đất nước và hương khói đền miếu họ Vương.
Quần thể di tích Đền Hùng nhìn từ trên cao. |
Trước hoặc sau khi dâng hương ở các ngôi đền, du khách đừng quên ghé thăm Bảo tàng Hùng Vương nằm ngay phía ngoài cổng khu di tích để tìm hiểu về sự nghiệp dựng và giữ nước Văn Lang của các vua Hùng, thông qua gần 1.000 hiện vật, hơn 100 bức ảnh, tranh sơn mài, gò đồng…và nhiều hiện vật có giá trị khác.
Lễ hội Hùng Vương năm 2016 diễn ra từ ngày 12-16/4 (từ ngày 6-10/3 Âm lịch) với nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động mới mẻ như triển lãm tư liệu, phóng sự, ảnh về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ hội dân gian đường phố, bắn pháo hoa… Đây là dịp để người dân tưởng nhớ về nguồn cội và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc.
Đường đi Đền Hùng từ Hà Nội: Đi theo quốc lộ 2 đến thành phố Việt Trì (72 km), đi thêm 12 km nữa là tới Đền Hùng (điểm C). |
Thành phố Việt Trì cách Hà Nội khoảng hơn 80 km. Giao thông hiện nay khá thuận tiện nên nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có rất nhiều cách để đến được Đền Hùng. Cách thứ nhất là bạn có thể đi theo quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc lên thành phố Việt Trì, sau đó đi thêm 12 km nữa là đến.
Cách 2: Từ trung tâm Hà Nội (điểm A) bạn đi theo quốc lộ 32 đến huyện Ba Vì - Hà Nội (B). Chặng đường này dài 55 km. Bạn đi tiếp hơn 30 km nữa sẽ qua cầu Trung Hà, đến huyện Thanh Thủy - tỉnh Phú Thọ (điểm C). Bạn đi vào tỉnh lộ 316 rồi rẽ trái vào quốc lộ 32, qua cầu Phong Châu, rồi đi khoảng 25 km nữa sẽ tới đền Hùng ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (điểm C). |
Cách thứ 2 là bạn theo đường quốc lộ 32 để lên Ba Vì, qua cầu Trung Hà sang huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), sau đó qua cầu Phong Châu để đến Đền Hùng. Khá nhiều lối rẽ ở hai bên đường nên hãy chú ý biển báo chỉ đường để tránh đi nhầm hướng.
Khi về, bạn đừng quên mua về vài lọ thịt chua Thanh Sơn, một đặc sản thơm ngon của vùng quê Phú Thọ.