Lên sân thượng... chào cờ
Không phải học sinh nào của trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5, TP.HCM) cũng được tham dự lễ khai giảng. Trường quá nhỏ, sức chứa của hội trường chỉ khoảng 300 người trong khi học sinh đông hơn nhiều lần. Hàng tuần, khi chào cờ, mỗi lớp chỉ cử một nửa sỹ số tham dự. Đặc biệt, buổi lễ chào cờ phải diễn ra trên sân thượng.
Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, học sinh phải chào cờ trên sân thượng. |
Do trường quá nhỏ, hành lang rất hẹp, khoảng trống để học sinh vui chơi rất ít. Một phụ huynh học sinh cho biết, con trai anh năm nay học lớp 4 nhưng nặng hơn 40 kg, sợ con bị béo phì nên chiều nào anh cũng đưa đi tập thể dục. “Mỗi lần ra chơi, hầu như con tôi không chơi được trò gì ngoài việc đi lui đi tới trong lớp hoặc lang thang ngoài hành lang bởi trường quá nhỏ. Biết khổ nhưng vẫn phải cho cháu học thôi”, phụ huynh này tâm sự.
Theo tìm hiểu, trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt là hai khối nhà ghép được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Trường gồm sáu tầng, trong đó tầng trệt là bãi giữ xe và thư viện. Tầng 1 là văn phòng dành cho cán bộ công nhân viên và anb giám hiệu. Tầng 2 đến tầng 4 gồm 19 phòng học nhỏ như "hộp diêm", còn sân thượng được dùng làm phòng đa chức năng để học sinh tập thể dục, nghỉ trưa và chào cờ...
Lối lên xuống của cầu thang nhỏ hẹp. Mỗi giờ tan học, học sinh các lớp phải xếp hàng, rồi lần lượt từng lớp xuống.
Cầu thang hẹp, học sinh các lớp phải xếp hàng lần lượt xuống mỗi khi tan học. |
Tầng trệt của trường Lý Thái Tổ là một quán cà phê. |
Tương tự, trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trên đường Xóm Củi (quận 8) cũng rất nhỏ, hẹp. Ngôi trường có ba tầng, việc học của trường chỉ diễn ra ở tầng 2 và 3. Do trường xây theo kiểu nhà khối và không có sân chơi nên hành lang, phòng học cũng thành nơi vui chơi duy nhất của học sinh.
Thoạt nhìn, khó ai có thể hình dung đây là ngôi trường bởi ở tầng trệt, trường chỉ nằm ở một góc nhỏ bên trái, học sinh muốn vào trường phải đi lên cầu thang nằm sâu bên trong.
Thiếu học sinh, trường vẫn quá tải…
Trường tiểu học Vạn Tường (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng nghèo và nhỏ không kém hai ngôi trường trên. Bù lại, trường có một khoảng sân nhỏ đủ để chào cờ và vui chơi mặc dù rất chật hẹp.
Tuy nhiên, khoảng sân chơi đó chưa đủ sức thuyết phục nhiều phụ huynh cho con vào học, bởi theo danh sách địa phương đưa về thì chỉ tiêu năm nay của trường là 150 nhưng chỉ tuyển được khoảng 80 em.
Dẫn PV đi một vòng quanh trường, ông Cún Thế Quốc, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường này trước đây là một trạm dừng chân của quân đội, sau năm 1987 thì được UBND quận Phú Nhuận giao lại nên phòng ốc, thiết kế hầu như không đạt chuẩn. Diện tích mỗi phòng trung bình khoảng 28 - 30 m2. Nếu đúng chuẩn, phòng học như thế này phù hợp với 22 - 23 học sinh. Tuy nhiên, thực tế mỗi phòng học trung bình có 30 học sinh. Ông Cún Thế Quốc cho biết thêm “Do trường nằm ở phần nắng rọi nên buổi chiều, các em phải học trong tình trạng nóng nực, mồ hôi nhễ nhại…”
Các phòng học ở trường tiểu học Điện Biên có diện tích không giống nhau. Có phòng rất rộng nhưng bị nhiều cột trụ, vách ngăn. |
Cùng cảnh ngộ là trường tiểu học Điện Biên (quận 10). Ngôi trường này có hai cơ sở. Cơ sở chính của trường nằm khuất trong một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ. Theo tìm hiểu, trường tiểu học Điện Biên thực chất là một ngôi chùa, sau đó được hiến để làm trường học từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông Nguyễn Hoàng Triều - hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có hai cơ sở nhưng cơ sở 2 không hoạt động bởi học sinh của trường quá ít. “Năm nay, trường được giao chỉ tiêu tuyển 70 học sinh lớp 1 nhưng đến nay chỉ tuyển được khoảng 30 em. Tổng số học sinh của trường chỉ hơn 100 em chia thành 5 lớp, mỗi khối một lớp”, ông Triều nói.
Được biết, từ năm 2002, trường đã có kế hoạch xây mới ở lô đất 374 Điện Biên Phủ nhưng do thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa khởi công. Hiện lô đất này đang được giao cho chính quyền địa phương quản lý.
“Chúng tôi mong muốn trường sớm được xây mới để phụ huynh yên tâm cho con đến trường. Nhiều phụ huynh sợ cho con vào trường này lắm. Một ngôi trường nằm giữa trung tâm thành phố mà chỉ có hơn 100 học sinh cũng khiến nhiều giáo viên tủi thân. Dù các thầy cô rất tâm huyết nhưng không có điều kiện để phát huy hết sở trường của mình” ông Nguyễn Hoàng Triều tâm sự.