TS.BS Lê Văn Tuấn - Chuyên khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó trưởng bộ môn thần kinh Đại học Y dược TP HCM, cho hay khi đi tàu, xe hay tàu biển, vấn đề lớn nhất chúng ta gặp phải là say xe với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, chóng mặt... Đây là phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra mà cơ thể không thích nghi được.
Theo lý giải của tiến sĩ Tuấn, nguyên nhân của chứng say tàu xe là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường, hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai, chẳng hạn đi tàu mà không có cửa sổ, tai cho biết đang di chuyển, trong khi mắt thì cho cảm giác là không di chuyển.
Say tàu xe tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng song với các bệnh lý đặc biệt, nó là điều kiện thuận lợi để phát thành các triệu chứng cấp. Do đó, những đối tượng dưới đây được khuyến cáo cần cẩn trọng khi tham gia các phương tiện này:
Bệnh nhân hen phế quản
Đây là bệnh mạn tính, buộc người bệnh phải tự theo dõi và uống thuốc thường xuyên. Khi lên cơn hen nặng nếu bệnh nhân không có thuốc cắt cơn bên mình hay không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy não và các cơ quan khác. Nếu tình trạng này kéo dài bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như không nói được thành lời, tím tái đầu chi và môi, dẫn đến mất ý thức, hôn mê… và có thể tử vong.
Do đó, TS Tuấn khuyến cáo, bệnh nhân hen cần phải chú ý đặc biệt khi đi tàu xe, nhất là tàu biển. Bởi tàu biển gây say nhiều hơn so các phương tiện khác do các đợt sóng. Hơn nữa, do điều kiện xa đất liền, khi xảy ra sự cố rất khó xử lý.
Nếu bệnh nhân đang cảm thấy khó chịu, nhất là khi có dấu hiệu lên cơn hen, không nên tham gia các chuyến đi đường dài bởi rất nguy hiểm cho tính mạng.
Cao huyết áp
Đây cũng là một căn bệnh mạn tính đòi hỏi người bệnh phải uống thuốc hàng ngày và kiểm soát huyết áp ở mức ổn định. Môi trường sống xung quanh, sự căng thẳng, tinh thần không thoải mái,… đều có thể dẫn đến nguy cơ bệnh nghiêm trọng hơn.
Huyết áp tăng vọt dễ dẫn đến những biến chứng bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, đột quỵ và thậm chí là tử vong.
Tiến sĩ Tuấn khuyến cáo, say xe, tàu biển khiến cơ thể khó chịu, mệt mỏi có thể khiến huyết áp tăng nhanh. Do đó, bệnh nhân cũng cần phải cẩn trọng.
Bệnh tim
Do điều kiện môi trường tác động, kèm theo sự mệt mỏi do say tàu xe, những cơn đau tim có thể bùng phát bất cứ lúc nào kèm theo những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh nhân có các bệnh lý về não bộ như phình mạch não, động kinh cũng được khuyến cáo không nên đi tàu, xe, tàu biển, máy bay.
Lưu ý khi đi tàu xe
Theo tiến sĩ Lê Văn Tuấn, để chống say tàu xe, cách tốt nhất là uống thuốc chống say. Tuy nhiên với những người có tiền sử chóng mặt, nôn quá nhiều khi đi tàu xe cần tránh đi lại.
Những bệnh nhân mắc các bệnh lý trên, trong trường hợp bắt buộc phải đi lại, tốt nhất nên tham vấn bác sĩ điều trị và chuẩn bị đầy đủ thuốc men phòng khi phát bệnh.