Nhóm của Neila giúp tố cáo nhiều vụ lạm dụng trẻ em qua mạng xã hội. Tranh: Russlan. |
Ban ngày, Neila - không phải tên thật - (sống tại Lyon, Pháp) là nhân viên vệ sinh. Tối đến, cô là một trong những người săn lùng những kẻ ấu dâm trên Internet, theo VICE.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2019, khi Neila xem Zandvoort, the File of Shame - bộ phim tài liệu kể về trường hợp một người đàn ông Đức sống ở Hà Lan, theo chân một vụ mua bán nội dung khiêu dâm trẻ em online. Neila phát ốm với những gì nhìn thấy, đến nỗi ngày hôm sau, cô quyết định phải làm gì đó.
Cô dành nhiều giờ nghiên cứu về lạm dụng trẻ em và tình cờ gặp một người đàn ông chuyên theo dõi những kẻ ấu dâm trên Internet, đến từ từ đảo Réunion (Pháp). Người này lấy biệt danh là Steven Moore để bảo vệ danh tính của mình.
Moore tạo một tài khoản Facebook giả, sử dụng thông tin cô con gái nhỏ của mình dưới tên Alicia. Phương pháp của Moore rất đơn giản: anh để bọn tội phạm tiếp cận, gửi cho mình những tin nhắn khiêu dâm rồi báo cảnh sát.
Neila nhanh chóng nhập hội và Đội Moore ra đời. Hiện, nhóm có khoảng 50 thành viên trên khắp Pháp, Bỉ, Canada, Réunion và Mauritius với đủ nghề nghiệp như thư ký, kỹ sư, luật sư. Nhóm đã góp công trong 65 vụ bắt giữ, 26 bản án từ năm 2019, trong đó có bản án 2 năm tù cho một kẻ lạm dụng.
Dụ con mồi sa bẫy
Đội Moore đã tạo hàng chục trang cá nhân đóng giả thanh thiếu niên trên Facebook. Neila chỉ đăng ảnh của chính mình, dùng filter để khiến bản thân trông trẻ hơn 20 tuổi. Cô không bao giờ gửi tin nhắn trước (điều này là bất hợp pháp ở Pháp). Chỉ cần tạo một trang cá nhân đáng tin, có ảnh đi chơi, chia sẻ sở thích, thể thao và các bài đăng công khai, Neila đợi kẻ xấu liên hệ mình.
“Tôi dành 40-50 tiếng/tuần cho công việc này”, cô cho biết.
Với bức ảnh đại diện mới nhất, dưới vỏ bọc là Lucie (13 tuổi), Neila nhận được hàng trăm tin nhắn, ảnh và video khiêu dâm từ những người đàn ông độ tuổi 17-85. Cô cho biết trung bình chủ nhân những tài khoản này thường ở độ tuổi 50.
Nhiều trẻ em trở thành con mồi của kẻ ấu dâm trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Pexels. |
Có hai loại người thường liên hệ với Neila: những kẻ lạm dụng công khai, chẳng hạn như gửi cho cô clip chúng thủ dâm, và nhóm bảo vệ giả tạo - cũng là nhóm nguy hiểm nhất.
“Chúng cố gắng thao túng tâm lý bằng cách nói rằng chúng đã yêu đứa trẻ. Đó là chiêu thường thấy”.
Neila chụp màn hình mọi tin nhắn khiêu dâm cô nhận được. Sau đó, cô lưu tất cả bằng chứng vào một tệp ghi danh tính, tuổi tác, nghề nghiệp và địa chỉ của kẻ ấu dâm. Tiếp theo, cô đưa những tài liệu này cho cảnh sát để họ chuyển cho công tố viên.
Ám ảnh
Tất nhiên, hoạt động này cũng có nhiều áp lực. Vào tháng 5/2021, Neila nhận được một video cực kỳ bạo lực từ một người dùng tên Franck.
“Tôi sốc và không thể ngừng khóc”, cô kể. Hai ngày sau, cô báo cảnh sát và cuối cùng kẻ thủ ác bị bắt giữ vào cuối tháng 11 cùng năm. Hiện, kẻ này vẫn đang được tự do trong khi chờ xét xử.
Neila cũng từng bị lạm dụng khi còn nhỏ. Cô bị một người quen của gia đình động chạm khi mới 11 tuổi.
“Giờ, tôi thà là người phải chịu đựng những bức ảnh tục tĩu này hơn là để nó rơi vào tay một đứa trẻ. Việc thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội là hoàn toàn bình thường. Nhưng thật không may, kẻ ác cũng ẩn nấp ở chính những nơi các em tụ tập”.
Nhiều trẻ em bị lạm dụng qua mạng không dám báo cho gia đình. Ảnh minh họa: Pexels. |
“Khi Đội Moore gửi thông tin về một vụ việc, chúng tôi sẽ hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Công việc của họ là rất cần thiết, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, nhất là với những vụ liên quan đến trẻ em”, Homayra Sellier, chủ tịch của tổ chức chống lạm dụng trẻ em Innocence in Danger, cho biết.
Theo luật sư Nathalie Bucquet làm việc tại Paris, khó khăn chính nằm ở việc hỗ trợ trẻ vị thành niên khi các em bị lạm dụng. Trong một số trường hợp, các em có thể đã gửi cho kẻ xấu những bức ảnh của chính mình và rồi không dám xin giúp đỡ. Khi đó, các em rất dễ bị tống tiền.
“Một số trẻ vị thành niên gặp nhiều khó khăn để thoát ra. Các em cảm thấy không thể nói với cha mẹ, vậy nên tình hình ngày càng tệ”, Bucquet nói.
Theo Bucquet, dù đã có nỗ lực của các luật sư, tổ chức phi chính phủ và các nhóm hoạt động, giải pháp để xóa bỏ “dịch bệnh” này vẫn chưa có lời đáp.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.