Nhưng chuyện “Ban” chờ “cháu” quay về thì kể cả “Ban” cũng không hề mong muốn.
“Ban” ở, “cháu” về
Lường Văn Thanh là một câu chuyện đặc thù ở Yên Hạ. Trong bản nhận xét cải tạo của quản giáo Khoa cung cấp, Thanh được xếp liên tục ở loại khá, nghĩa là nghiêm túc chấp hành mọi nội quy của trại, siêng năng lao động và luôn được đánh giá là phạm nhân chấp hành cải tạo tốt.
Trại giam Yên Hạ nằm khuất nẻo ở xã Huy Hạ, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Với hơn 80% phạm nhân đang thụ án liên quan đến ma túy, vùng đất này nổi tiếng với gió Lào và mùa khô và cái rét căm căm vào mùa đông ở vùng núi cao Tây Bắc.
Trung tá Phạm Văn Kiên, Đội trưởng đội giáo dục, trại giam Yên Hạ đã có 37 năm gắn bó với trại giam này. |
Trung tá Phạm Văn Kiên (55 tuổi, Đội trưởng đội giáo dục, trại giam Yên Hạ) cười như "nhà nông được mùa" khi kể về câu chuyện 37 năm anh gắn bó với vùng đất “ruồi vàng, bọ chó, gió Lào” này.
Anh kể rằng năm 19 tuổi, anh rời quê theo tiếng gọi góp sức mình xây dựng Tây Bắc, vậy là đến 2015, được có khoảng thời gian đi chậm để ngoái mình nhìn lại, anh cũng đã có 37 năm gắn bó với trại giam Yên Hạ.
Trại giam Yên Hạ đóng giữa một thung lũng hẹp nằm lọt thỏm giữa khe núi che chắn theo chiều dọc, mà như anh Kiên kể rằng từ khi có thủy điện Sơn La, vùng đất này mới bớt đi sức nóng khi gió Lào quét qua vào mùa khô.
Còn trước đó, hơn 30 năm anh gắn bó với vùng đất này, từng có cảnh khi mùa khô tới, quần áo vừa giặt xong, mang ra phơi, chỉ quên thu vào khi trời nắng rực, buổi chiều đưa phạm về tới trại giam, cầm bộ quần áo trên tay vừa phơi lúc sáng đã khô cong như bánh đa vừa quạt than xong.
Lường Văn Thanh (45 tuổi, xã Bống Hà, xã Chiềng Yên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) năm 2002 bị bắt về liên quan đến ma túy, từng thụ án ở Yên Hạ với mức án tù giam 5 năm. Được đặc xá, về chưa được bao lâu, đến 2/7/2008, Thanh tiếp tục bị bắt, truy tố, tòa tuyên án 9 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy ngày 26/12/2008, đến nay thụ án đã được gần 7 năm cho "tăng 2".
Nghiện nặng, vừa ra tù, Thanh ngập tiếp, ra chợ mua 0,34 gram (1 “chỉ”) về sử dụng, ngày bị công an huyện Mộc Châu bắt thì đang tàng trữ 0,21 gram chưa sử dụng hết. Người đàn ông dân tộc Thái người nhỏ thó, đầu cắt 3 phân tóc ngậm ngùi: “Giờ cũng chưa biết ra sao cán bộ à. Đau xót nhất là mình lỡ nghiện, đi 2 án, nay cũng không còn đủ tư cách để dạy con”.
Phạm nhân Lường Văn Thanh đã thụ án gần 7 năm. |
Con trai Thanh cũng vừa chấp hành xong án phạt về ma túy, đặc xá 2/9/2014. Khi Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) phát động phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” gửi tới người thân và bị hại, Thanh viết một bức thư thống thiết gửi về cho vợ. Đoàn cán bộ quản giáo vượt gần 200 km đường rừng tìm về nhà Thanh đưa thư cho vợ anh ta. Người phụ nữ dường như không còn kiềm chế được sự phẫn uất, nói thẳng thừng: “Cán bộ cứ về đi, 3 ngày nữa em xuống trại đưa đơn ly hôn cho nó”.
Ấy là nói vậy, nhưng cán bộ An chờ mãi đến ngày chúng tôi có mặt ở Yên Hạ, khi cái Tết Nguyên đán Ất Mùi đã cận kề, vẫn chưa thấy vợ Thanh xuống tới nơi.
Lường Văn Thanh chỉ là một trong nhiều trường hợp mà Trung tá Phạm Văn Kiên vẫn đùa: “Tù còn có án, có số, còn bọn tớ thì “gắn bó” quen rồi. Án không quyển (chung thân) thì nếu cải tạo tốt, được giảm án, ở nhiều lắm 30 năm thì về. Tớ ở đây 37 năm rồi, tính ngẫm lại thì ăn được 3 cái Tết với gia đình trọn vẹn suốt quãng thời gian đấy.
Phạm nhân thường chào tớ khi ra trại: “Chào Ban, cháu về”, đến khi gặp lại, hỏi: “Thầy vẫn ở đây à”. Tớ chỉ biết trả lời: “Thì Ban nghĩ là nếu “cháu” cứ “ngựa quen đường cũ”, chắc kiểu gì cũng quay trở lại, nên Ban ở đây chờ cháu vậy”.
“Chưa biết thế nào cán bộ à”
Hơn 80% tội phạm đang thi hành án phạt tù ở trại giam Yên Hạ liên quan đến ma túy, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Dao… Ngày chúng tôi có mặt ở Yên Hạ, một tin buồn báo về: Trung úy Bùi Công Nguyên (công an huyện Mộc Châu) hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.
Trung úy Nguyên bị Tráng A Chá bắn trực diện khi truy đuổi tội phạm. Bắt Chá, công an thu súng ngắn quân dụng, 13 viên đạn, 1 vỏ đạn.
Ngày 29/1, trại giam Yên Hạ lặng lẽ khác thường. Ít người biết, Bùi Xuân Nguyên từng là cán bộ ở trại giam Yên Hạ, và Tráng A Chá từng là một phạm nhân thụ án 7 năm ở trại giam này.
Hơn 30 năm trước, Thượng tá Phạm Xuân Nghiệp (Giám thị trại giam Yên Hạ) bước chân về vùng đất Huy Hạ. Quê ở Thái Bình, bố là liệt sỹ, giám thị Nghiệp rớm nước mắt khi kể rằng từ đó đến nay (2015), ông chỉ mới có duy nhất 1 cái Tết được sum vầy với gia đình, chúc thọ mẹ, mừng tuổi con.
Thượng tá Phạm Xuân Nghiệp, Giám thị trại giam Yên Hạ cũng chỉ có duy nhất 1 cái Tết được sum vầy bên gia đình suốt hàng chục năm qua. |
Chừng ấy năm biền biệt, khi Giao thừa tới, bước chân ông rải đều đếm những mét đất trại giam Yên Hạ. Bởi, “tội phạm sẽ tranh thủ phút lơ là nhất, khi Giao thừa về, cán bộ cũng nhớ quê hương, nhớ gia đình, có chút phân tâm, là phạm nhân tổ chức trốn”.
Một trường hợp trốn trại đã xảy ra ở Yên Hạ cách nay nhiều năm. Quê gốc Hà Nội, phạm nhân phạm tội Cướp giật. Trung tá Kiên không thể quên cách “thông minh” của phạm nhân này.
Chăn đắp ngày đó còn dệt bằng sợi đay, được tên này bện lại từng sợi, dùng vôi gắn, quét màu đen như cái cùm số 8. Vách tường xây vôi ngày đó, hắn dùng bàn chải đánh răng nung mề, nhét 1 mảnh sắt vào.
Vậy là công trình “đào tường khoét vách” bắt đầu khi những cán bộ canh gác “mềm lòng” nhất vì nhớ gia đình. Từng viên gạch được tháo gọn gàng, 4 phạm nhân đập vỡ khóa cùm chung, trốn. Báo hại toàn trại báo động.
May mà vùng đất này biệt lập, núi cao vực sâu, phạm nhân là người vùng xuôi nên không quen thuộc địa hình, đã kịp bắt lại khi tất cả vừa đi chưa được quá xa.
Những ngày tháng vừa lên, vượt dốc Lũng Lô, hơn 110 km cuốc bộ vượt đường ra Yên Bái mới có tàu về xuôi, Trung tá Phạm Văn Kiên kể rằng chính những cán bộ phải là người phải tự trả giá nhiều nhất để hiểu về vùng đất này, để hiểu về người dân bản địa, để hiểu tâm lý những người phạm tội, và để hiểu cách để giáo dục, cảm hóa phạm nhân rằng “trốn đằng trời” cũng không thoát án phạt mà pháp luật đã tuyên.
Câu chuyện về việc thiết lập trại giam ở miền ngược kể rằng: Cán bộ cứ đổ đầy bình xăng xe, xe chạy tới vùng nào biệt lập nhất, cạn xăng, đẩy đi không nổi nữa thì cắm trại ở đó. Đó là một thời kỳ “cải tạo, giam giữ”, là hình thức trừng phạt.
Trại giam Yên Hạ hôm nay nằm yên bình bên một dòng suối nhỏ, đường ôtô vào được, không còn phải cuốc bộ vượt đèo hàng trăm km như cách trung tá Kiên phải làm khi về quê ăn 3 cái Tết năm nào. Nhưng khi hỏi Lường Văn Thanh về tương lai, Thanh chỉ dám kể rằng “giờ không đủ tư cách để dạy con. Nay Thanh sắp được về nhà, nhưng “cũng chưa biết thế nào cán bộ à” khi nói chuyện về nỗi sợ án phạt khi liên quan đến ma túy.
Thanh trước có nghề thợ xây, vào trại là “cán bộ” tự giác. Nhưng Thanh cũng nói rằng vùng đất Mộc Châu bản quán của Thanh, dù hoa mận đẹp khi vào mùa, hoa cải Mèo đẹp khi đúng vụ, nhưng nếu đã quen biết, thì mua ma túy còn dễ hơn mua ra ngoài chợ.
Thượng tá Phạm Xuân Nghiệp cho hay, vượt qua khó khăn, cách trở, nhiều lớp cán bộ trẻ đã "bén duyên" với mảnh đất này, và bén duyên nhau. "Chúng tôi không xây những bức tường, mà chúng tôi xây những cây cầu tình người để mọi người đến với nhau", thượng tá Nghiệp nói khi trời đã về chiều, một năm mới đang gõ cửa, khi được hỏi về cách đưa những người lầm lỗi trở về hoà nhập cộng đồng, và cách để những cán bộ quản giáo vượt qua khó khăn địa lý cách trở để gắn bó với Yên Hạ.
Và một thế hệ cán bộ quản giáo trẻ ở trại giam Yên Hạ không hề mong gặp lại phạm nhân của mình đã và đang được hình thành.